Thứ hai, 00/00/2023
°

Tập trung triển khai các nội dung nhằm triển khai có hiệu quả quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 09/05/2024 - 10:27:00 | 238 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng Sông Hồng lần thứ ba và công bố quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch Vùng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thể hiện sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ đối với việc chỉ đạo xây dựng Quy hoạch của các vùng trong cả nước. Quy hoạch vùng là căn cứ pháp lý quan trọng để các bộ, ngành và địa phương triển khai các chương trình, dự án quan trọng của vùng trong thời kỳ quy hoạch.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Để triển khai có hiệu quả Quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần tập trung triển khai các nội dung  như phổ biến bản Quy hoạch vùng này một cách rộng rãi, công khai, minh bạch tới người dân, doanh nghiệp các thành phần kinh tế trong và ngoài nước nhằm thu hút sự tham gia của các bên liên quan một cách hiệu quả nhất.

Cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có kế hoạch cụ thể, tăng cường phối hợp với đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương trong vùng; phá bỏ tư duy cục bộ trước hết là trong việc triển khai thực hiện dự án có vai trò vùng.

Cần đổi mới tư duy, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của từng bộ, ngành và địa phương, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển của Vùng. Phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển.

Tập trung nguồn lực thực hiện 05 nhiệm vụ trong tâm, đột phá đã đặt ra tại Quy hoạch, trong đó, ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng, liên vùng và quốc tế, nhất là khai thác có hiệu quả mạng lưới giao thông đồng bộ kết nối Thủ đô Hà Nội và các cảng biển với các địa phương của vùng và liên vùng.

Tập trung xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp để hình thành các cụm liên kết ngành về đổi mới sáng tạo, trong đó, xác định Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia là hạt nhân của các hoạt động này. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp để hình thành các chuỗi đô thị gắn với phát triển vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ và vành đai kinh tế biển.

Về rà soát cơ chế, chính sách đặc thù Vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ và Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng là rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành để điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển vùng.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương trong vùng Đồng bằng Sông Hồng đề xuất rà soát 05 nhóm cơ chế, chính sách, cụ thể. Một là, nhóm chính sách về phân cấp, phân quyền thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng liên kết vùng. Hai là, nhóm chính sách về phân cấp tài chính - ngân sách. Ba là, nhóm chính sách về thu hút nhân tài, sử dụng nguồn nhân lực và lao động chất lượng cao. Bốn là, nhóm chính sách về phát triển logistics và công nghiệp hỗ trợ. Năm là, nhóm chính sách về huy động, sử dụng và phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Các nội dung chính sách được rà soát, trong đó, tập trung làm rõ sự cần thiết đề xuất ban hành chính sách mới hoặc tính hiệu quả của các chính sách hiện hành. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp, nghiên cứu đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách và tập trung bố trí nguồn lực thực hiện để đảm bảo tính nhất quán và hiệu lực, hiệu quả.

Về tình hình triển khai một số dự án quan trọng, liên kết vùng, đối với các dự án đang triển khai thực hiện, Bộ trưởng thông tin, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được chia thành 07 dự án thành phần. Đến nay đã có 06/07 dự án thành phần đang thực hiện; 01/07 dự án thành phần đang chuẩn bị thực hiện (Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP).

Các dự án thành phần xây dựng đường song hành đang thi công, trong đó, đoạn qua thành phố Hà Nội đạt 20,12% giá trị hợp đồng; đoạn qua tỉnh Hưng Yên đạt 7,13% giá trị hợp đồng; đoạn qua tỉnh Bắc Ninh đạt 5% giá trị hợp đồng. Đối với 03 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cơ bản đạt tiến độ đề ra, đã thu hồi 95,2% diện tích đất trên toàn tuyến. Dự án thành phần 3 (Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức PPP): Đang triển khai Hồ sơ thiết kế kỹ thuật và Hồ sơ lựa chọn nhà đầu tư.

Về khó khăn, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư kéo dài do nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư kéo dài nên hết thời gian được áp dụng chính sách thí điểm về khai thác mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng; khó lựa chọn được nhà đầu tư có đủ điều kiện năng lực, tài chính, kinh nghiệm do dự án có tổng mức đầu tư lớn, quy mô phức tạp.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI

Đối với  dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, Bộ trưởng cho biết, Dự án đang triển khai thi công, tiến độ tổng thể dự án đạt khoảng 78,52% giá trị hợp đồng, trong đó đã hoàn thành thi công, lắp đặt và đang vận hành thử; Đối với đoạn đi ngầm, nhà thầu đang tập trung thi công kết cấu các ga ngầm để sớm khởi động thi công máy khoan hầm TBM trong Quý II/2024.

Về khó khăn: Hiệp định vay vốn của ADB chưa được gia hạn nên chưa thanh toán cho nhà thầu thi công; Trình tự, thủ tục nghiệm thu đưa vào khai thác (bao gồm: hệ thống PCCC, chứng nhận an toàn hệ thống,…) còn phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ vận hành dự án.

Về các dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định, tỉnh Thái Bình theo phương thức PPP. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư  và ngày 12/4/2024, UBND tỉnh Thái Bình đã phối hợp với Nhà đầu tư hoàn thành lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và có Tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị thẩm định Báo có nghiên cứu khả thi. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng liên ngành để thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi để sớm triển khai Dự án trong thời gian tới.

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình. Dự án này đã được HĐND tỉnh Ninh Bình phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 03/4/2024. Hiện nay, UBND tỉnh Ninh Bình đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án song song với việc cắm mốc ngoài thực địa để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua thành phố Hải Phòng, hiện nay, một phần tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trên địa bàn thành phố Hải Phòng, tỉnh Thái Bình đang được thành phố Hải Phòng đầu tư xây dựng  (trong đó 15,5 km trùng với tuyến đường bộ ven trên địa bàn Hải Phòng đầu tư hoàn chỉnh theo quy mô đường cao tốc; 09 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình đang được đầu tư theo quy mô 02 làn xe; còn 09 km trên địa bàn tỉnh Thái Bình, cầu Văn Úc 2 và cầu Thái Bình 2 chưa được đầu tư mở rộng để hoàn thiện theo quy mô đường cao tốc) và khoảng 6,7 km chưa được đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND thành phố Hải Phòng là cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với đoạn đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, việc giao thành phố Hải Phòng là cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án vẫn chưa có cơ sở thưc hiện và cần được Quốc hội cho phép phân cấp thí điểm thực hiện.

Với vai trò là Thường trực Hội đồng điều phối vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số nội dung cụ thể. Theo đó, về các nhiệm vụ: các bộ, địa phương tiếp tục triển khai 11 nhiệm vụ đã giao trong năm 2023 và đề xuất các nhiệm vụ cần thiết cho hoạt động của Hội đồng điều phối vùng, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các hệ thống giao thông kết nối với cảng biển, trung tâm logistics; nội dung liên quan đến thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và phát triển nguồn nhân lực cao, thu hút nhân tài cho Vùng.

Về cơ chế, chính sách đặc thù, góp ý cho các cơ chế, chính sách đặc thù của vùng Đồng bằng sông Hồng, đây là các nhiệm vụ cần sự nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan, có thời gian triển khai trong năm tiếp theo.

Về quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng này; các Bộ, địa phương thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quy hoạch Vùng.

Về các dự án quan trọng, liên kết vùng, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã khởi công.

Đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư hoặc nghiên cứu triển khai, đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cần thiết (phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt quyết định đầu tư) để sớm khởi công các dự án. Đồng thời, các địa phương nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, gồm cả cơ chế, chính sách đặc thù để sớm triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác