Quảng Bình là một tỉnh duyên hải thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, nằm ở vị trí trung độ của cả nước, trải dài từ 16°55’ đến 18°05’ độ vĩ bắc và từ 105°37’ đến 107°00’ độ kinh đông. Mặt khác, Quảng Bình là một tỉnh ven biển, hướng ra biển trong phát triển và giao lưu kinh tế. Vị trí địa lý là một lợi thế trong sự phát triển kinh tế của tỉnh. Phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị, phía Tây giáp với Lào, phía Đông giáp với biển Đông. Vị trí địa lý này tạo thuận lợi cho Quảng Bình trong việc tiếp cận và tiếp thu những công nghệ và phương thức quản lý tiên tiến.
2.Khí hậu
Quảng Bình mang tính chất khí hậu nhiệt đới gió mùa, có sự phân hoá sâu sắc của địa hình và chịu ảnh hưởng khí hậu chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Nam nước ta, do đó có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô:
Mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm 2.000 - 2.300mm/năm. Thời gian mưa tập trung vào các tháng 9, 10 và 11.
Mùa khô từ tháng 4 đến tháng 8 với nhiệt độ trung bình 24oC - 25oC. Ba tháng có nhiệt độ cao nhất là tháng 6, 7 và 8.
3.Đặc điểm địa hình
Quảng Bình có diện tích tự nhiên là 8.055km2, địa hình nơi đây thường hẹp và dốc từ phía Tây sang phía Đông với 85% diện tích tự nhiên là đồi núi và 15% là diện tích đồng bằng, chủ yếu tập trung theo hai bờ các con sông chính như sông Gianh, sông Roòn, sông Nhật Lệ, sông Lý Hòa, sông Dinh. Hầu hết các con sông bắt nguồn từ đỉnh núi Trường Sơn đổ ra biển Đông, sông ngắn và do nhiều phụ lưu hợp thành. Bên cạnh diện tích đồi núi và đồng bằng, Quảng Bình có một phần diện tích là những tràng cát ven biển có dạng lưỡi liềm hoặc dẻ quạt.
4.Dân số và dân tộc
Dân số Quảng Bình năm 2007 có 854.918 người. Phần lớn cư dân địa phương là người Kinh. Dân tộc ít người thuộc hai nhóm chính là Chứt và Bru-Vân Kiều gồm những tộc người chính là: Khùa, Mã Liềng, Rục, Sách, Vân Kiều, Mày, Arem,... sống tập trung ở hai huyện miền núi Tuyên Hoá và Minh Hoá và một số xã miền Tây Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ. Dân cư phân bố không đều, 85,6% sống ở vùng nông thôn và 14,4% sống ở thành thị.
Quảng Bình có nguồn lao động dồi dào với 433.618 người, chiếm khoảng 52,26% dân số. Về chất lượng lao động, theo điều tra dân số thời điểm 1/4/1999 có: 10.720 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, trong đó 4.676 cao đẳng, 6.042 đại học và trên đại học. Lực lượng lao động đã qua đào tạo gần 33.000 người chiếm 8% số lao động.
5.Tài nguyên thiên nhiên
a. Tài nguyên đất
Quỹ đất tự nhiên của Quảng Bình có 805,1 nghìn ha, trong đó đã sử dụng 596,08 nghìn ha (74% diện tích tự nhiên), đất chưa sử dụng 209,1 nghìn ha (26% diện tích tự nhiên). Trong đó số 549,23 nghìn ha đất sử dụng thì đất sử dụng vào nông nghiệp 11,1%, sử dụng vào lâm nghiệp 84,3%, đất chuyên dùng là 4,6%.
Trong 209,1 nghìn ha đất chưa sử dụng thì đất bằng và đất đồi là 136,7 nghìn ha. Đây là địa bàn phát triển, mở mang sản xuất nông - lâm nghiệp và cũng là địa bàn để phân bố các cơ sở công nghiệp mới. Hiện còn 2.388 ha mặt nước chưa sử dụng - là điều kiện mở mang phát triển nuôi trồng hải sản ngọt, lợ trong tương lai và còn 70.631 ha đất chưa sử dụng
b. Tài nguyên biển
Quảng Bình có bờ biển dài 116 km từ Đèo Ngang đến Hạ Cờ với vùng đặc quyền lãnh hải khoảng 20.000 km2. Dọc theo bờ biển có 5 cửa sông chính tạo nguồn cung cấp phù du sinh vật có giá trị cho việc phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Ngoài khơi có 5 đảo nhỏ tạo ra những vịnh có vị trí thuận lợi cho các hoạt động kinh tế biển như Hòn La. Bờ biển tại đây có nhiều bãi tắm đẹp, vùng biển có một số ngư trường với nhiều loại hải sản quý hiếm như tôm hùm, mực, hải sâm… cho phép Quảng Bình phát triển kinh tế tổng hợp biển.
 |
Đường vào cảng biển Hòn La
|
Ngoài ra, vùng ven biển Quảng Bình có tiềm năng rất lớn về cát thạch anh, nguyên liệu để sản xuất thuỷ tinh cao cấp xuất khẩu.
Biển Quảng Bình có hầu hết các loài hải sản có mặt ở vùng biển Việt Nam (1.000 loài), có những loài hải sản có giá trị kinh tế cao mà các tỉnh khác ít có hoặc không có như: tôm hùm, tôm sú, mực ống, mực nang… Phía Bắc biển Quảng Bình có bãi san hô trắng với diện tích hàng chục ha, không những là nguồn nguyên liệu mỹ nghệ có giá trị mà còn tạo điều kiện duy trì hệ sinh thái san hô đặc thù của vùng biển sâu miền Trung. Theo số liệu điều tra và đánh giá của Bộ Thuỷ Sản (năm 1996), trữ lượng cá ở vùng biển Quảng Bình (chưa kể đến một số loài cá như cá ngừ, cá chuồn) là khoảng 51.000 tấn; trữ lượng tôm biển ước tính là 2.000 tấn chủ yếu là các loài tôm mũ ni, đánh bắt vào vụ nam, trữ lượng mực khoảng 8.000 - 10.000 tấn.
Diện tích tiềm năng mặt nước nuôi trồng thuỷ sản (sông ngòi, ao hồ nhỏ, hồ chứa, mặt nước lớn, diện tích trồng lúa có khả năng nuôi, diện tích bãi bồi ven sông, ven biển, nước mặn) là 15.000 ha, trong đó diện tích có khả năng nuôi trồng thuỷ sản mặn lợ là 4.000 ha, nuôi trồng thuỷ sản ngọt là 11.000 ha.
c. Tài nguyên rừng
Tổng diện tích rừng tại Quảng Bình là 505,7 nghìn ha với độ che phủ là 62,8%, trong đó rừng tự nhiên có trên 448,4 nghìn ha, rừng trồng gần 57,3 nghìn ha. Tổng trữ lượng gỗ rừng tự nhiên khoảng 30,9 triệu m3 gỗ, trong đó rừng giàu chiếm 13,4 triệu m3, chủ yếu phân bố ở vùng núi cao, giao thông khó khăn. Rừng có khoảng 250 loại lâm sản, nhiều loại quý hiếm như mun, lim, gụ, lát hoa, loại trầm gió, thông nhựa… Đặc sản dưới tán rừng khá đa dạng, phong phú và có giá trị cao như song mây, trầm kỳ, sa nhân và các dược liệu quý khác. Thú rừng có nhiều loại như voi, hổ, gấu, bò tót, sơn dương, khỉ. Tài nguyên rừng và đất rừng của Quảng Bình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ với kinh tế mà cả môi trường.
Tài nguyên sinh vật bao gồm nhiều khu hệ thực, động vật đa dạng, độc đáo với nhiều nguồn gen quý hiếm. Đặc trưng cho đa dạng sinh học ở Quảng Bình là Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
d. Tài nguyên khoáng sản
Quảng Bình có nhiều nguyên liệu cho công nghiệp vật liệu xây dựng gồm đá vôi, đá sét xi măng, sét gạch ngói, đá hộc xây dựng, đá granít,… Ở phía Bắc Ba Đồn - Quảng Trạch có bãi cát trắng với diện tích rộng gần 40 km2, ước tính trữ lượng 35 triệu tấn, ở Thanh Khê - Bố Trạch có trữ lượng 5 triệu tấn. Cát có độ tinh khiết cao, hạt mịn, hàm lượng Si02 tới 98 - 99%, nằm cạnh đường giao thông, dễ khai thác vận chuyển, có thể phục vụ cho việc sản xuất các mặt hàng thuỷ tinh cao cấp và các vật liệu từ silicát khác.
Các khoáng sản kim loại và phi khoáng khác có các loại khoáng sản nhiên liệu có mỏ than đá antraxit ở huyện Minh Hoá, trữ lượng khoảng 50.000 - 100.000 tấn, có ý nghĩa địa phương. Than bùn ở Quảng Trạch, Lệ Thuỷ, Bố Trạch, trữ lượng khoảng 900.000 tấn là nguồn nguyên liệu phục vụ phân vi sinh.
Khoáng sản kim loại và kim loại quý hiếm có sắt ở Phú Thiết - Lệ Thuỷ, Thọ Lộc - Bố Trạch; mănggan ở Kim Lai, Đồng Văn, Cải Đăng (Tuyên Hoá), chì, kẽm ở Mỹ Đức - Lệ Thuỷ; wonfram ở Kim Lũ (Tuyên Hoá); vàng ở Làng Ho, Asóc, La Huy, Bãi Hà, Làng Mô, trữ lượng titan lớn nằm dọc theo bờ biển.
Nguyên liệu hoá chất và phân bón có pyrit phân bố chủ yếu ở Quảng Trạch, Lệ Thuỷ, có thể khác thác làm nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp địa phương hoặc cung cấp cho những nhà máy hoá chất; phôphorit phân bố chủ yếu ở các hang động đá vôi Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hoá, Minh Hoá, dọc theo bờ sông Rào Nậy với 23 điểm khác nhau. Trữ lượng tìm kiếm đánh giá là 150 nghìn tấn, hàm lượng P205 trong quặng trung bình khoảng 15 – 20%. Cùng với than bùn ở Quảng Trạch, đôlômit cũng được khai thác làm nguyên liệu sản xuất phân bón tổng hợp NKP.
Ngoài ra còn có nước khoáng và nước nóng ở Bố Trạch, Lệ Thuỷ, Tuyên Hoá. Tại điểm Khe Bang (Lệ Thuỷ) nhiệt độ nước lên tới 1050C, nguồn nước có áp lực và lưu lượng khá lớn (3,54 l/s). Tỉnh đã khai thác để sản xuất nước khoáng với công suất 7,5 triệu lít/năm.
1.Danh lam thắng cảnh
 |
Cổng Trời
|
 |
Cửa biển Nhật Lệ nhìn từ trên cao
|
Dải đất Quảng Bình như một bức tranh hoành tráng, có rừng, có biển với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, thắng cảnh nổi tiếng: đèo Ngang, đèo Lý Hòa, cửa bãi biển Nhật Lệ, phá Hạc Hải, Cổng Trời… và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới năm 2003, là một trong những địa danh thu hút đông du khách trong và người nước thăm quan hàng năm. Tháng 1 năm 2009, báo Los Angeles Times của Mỹ đã chọn Đồng Hới và vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng vào danh sách 29 điểm đến trong năm 2009.
Nổi tiếng tại vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là Động Phong Nha, cách Đồng Hới 50 km và là một dải kỳ quan nằm sâu trong lòng núi, cách đỉnh núi 800 - 900 m. Dài 7729 m, động có 14 hang do dòng sông ngầm dài 13.969 m hòa tan đá vôi tạo thành. Động Phong Nha là một động đẹp có sông ngầm và có 7 cái nhất: (1) Hang nước dài nhất; (2) Cửa hang cao và rộng nhất; (3) Bãi cát, đá rộng và đẹp nhất; (4) Hồ ngầm đẹp nhất; (5) Thạch nhũ tráng lệ và kỳ ảo nhất; (6) Dòng sông ngầm dài nhất Việt Nam; (7) Hang khô rộng và đẹp nhất.
Quảng Bình có một dải dài bãi biển tuyệt đẹp với cát trắng, nước biển xanh, song do quy hoạch chưa rõ ràng và giao thông chưa tốt nên chưa phát huy được tiềm năng.
Quảng Bình là vùng đất văn vật, có di chỉ văn hóa Bàu Tró, các di chỉ thuộc nền văn hóa Hòa Bình và Đông Sơn, nhiều di tích lịch sử như: Quảng Bình Quan, Luỹ Thầy, Rào Sen, Thành Nhà Ngo, thành quách của thời Trịnh - Nguyễn, nhiều địa danh nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược của dân tộc như Cự Nẫm, Cảnh Dương, Cha Lo, Cổng Trời, Xuân Sơn, Long Đại, đường Hồ Chí Minh v.v... Trong quá trình lịch sử, đã hình thành nhiều làng văn hóa nổi tiếng và được truyền tụng từ đời này sang đời khác như “Bát danh hương”: “Sơn- Hà- Cảnh - Thổ- Văn- Võ- Cổ - Kim”.
2.Lễ hội truyền thống
Có 4 lễ hội chính tại Quảng Bình gồm:
Lễ hội làng chài trên sông Gianh: cái đẹp và cái riêng biệt của hội làng này là chỉ người của vạn chài tham dự và buổi lễ tổ chức ngay giữa dòng sông, không có người trên đất liền đến nhập hội, nhưng lại rất đông thuyền bè của các làng vạn chài trên lưu vực sông Gianh tham dự, cho nên, nó gần như một buổi họp thuyền cả lưu vực sông Gianh.
Lễ hội Cầu mùa: đây là lễ hội tiêu biểu của người dân vùng ven biển Quảng Bình, được tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng 4 Âm lịch hàng năm tại làng biển Bảo Ninh - Thành phố Đồng Hới. Đình làng Bảo Ninh thờ Nhân thần (Hai cha con người đánh cá) và Cá Ông (cá Voi đã cứu dân làng khỏi bị đắm thuyền trong các trận bão). Lễ hội Cầu mùa Bảo Ninh có hai phần: Phần lễ mở đầu có tục rước cốt Ông từ làng về đình, có diễn “hò khoan, chèo cạn, múa bông”. Tiếp theo là ngày hội xuống biển, làm lễ cầu khấn của một làng nghề đánh cá với những ước mơ về một vụ mùa bội thu.
 |
Lễ hội Cầu mùa
|
Lễ hội rằm tháng 3 (lễ hội tìm duyên): được tổ chức vào ngày rằm tháng ba Âm lịch hằng năm. Đối tượng được ưu tiên đi dự hội chợ rằm tháng ba (hay còn gọi là đêm chợ tình) của người Nguồn là trẻ em và nam thanh nữ tú. Thanh niên đến dự hội chợ rằm là dịp gặp gỡ tìm hiểu nhau. Họ mặc những bộ áo quần đẹp nhất, chiếc ô đủ sắc màu thổ cẩm... Nhiều cặp nam nữ dù ở cách xa nhau hàng ngày đường núi, nhưng qua hội chợ rằm tháng ba đã nên vợ thành chồng. Dưới ánh trăng rằm, nam nữ quây quần bên nhau hát đúm.
Lễ hội bơi trải truyền thống: được tổ chức ở những nơi gần biển, gần sông như làng Cảnh Dương, vào tháng khởi đầu của vụ cá Nam (tháng 4, tháng 5 Âm lịch), để kỷ niệm những sự kiện lịch sử có liên quan đến làng và các vị thần thánh có công với làng. Lễ hội vừa mang màu sắc tâm linh: lễ tế thần và cầu siêu cho vong hồn người tử nạn trên sông nước, vừa là ngày hội vui chơi (hò khoan, chèo cạn, múa bông....) dịp để dân làng thi tài vật lộn với sông nước và thao diễn kĩ thuật nghề sông nước, mang tinh thần thượng võ. Hội bơi chải đã thành tập tục, một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống văn hóa - tinh thần của nhân dân ta, đặc biệt là bà con ngư dân sinh sống dọc theo vùng sông nước trong dịp hội hè hay các ngày lễ, tết.
3.Đặc sản - Sản phẩm nổi tiếng
Do đặc thù của Quảng Bình là vùng biển nên đặc sản tại nơi đây có thể kể đến như cá nghéo, cá thiều, đẻn biển (một loại rắn biển), mực khô, cá ngứa, các loại tôm và hàu. Người dân Đồng Hới có câu “Nhất nghéo gan, nhì mang thiều” nghĩa là gan cá nghéo thì rất béo, còn mang cá thiều thì rất ngon, nhất là cá thiều tháng Ba. Cá thiều tháng Ba con càng to thịt càng béo và mang càng ngon.
Ấn tượng nhất vẫn là đặc sản Đẻn biển, ăn một lần sẽ nhớ mãi suốt cuộc đời. Đẻn là đặc sản của biển Quảng Bình. Rượu đẻn, ram đẻn là "khoái khẩu" của người dân Quảng Bình. Nếu du khách đã một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi vị đặc biệt của rượu "tiết" đẻn, hượng vị thơm ngon quyến rũ của ram đẻn.
Cá nghéo thuộc họ cá xương sụn như cá mập, đẻ con chứ không đẻ trứng. Cá nghéo toàn thịt, gan béo, thịt ngon, tuy da có nhám, có tanh, nhưng cạo da bằng nước sôi thì cá nghéo không còn hôi tanh nữa, thịt lúc ấy trắng như bông, mới nhìn đã thấy thích.Cá nghéo làm gỏi ăn với nước lèo, rau sống, nhấm rượu là một món ’’nhậu’’ đẹp, còn như kho với nghệ, mật, gừng là món ăn bổ âm. Các nhà lương y ở Đồng Hới khuyên người bệnh nghèo nên ăn cá nghéo bao tử sau khi lành bệnh, không cần uống thuốc bổ.
1. Bản đồ hành chính
 |
Bản đồ hành chính tỉnh Quảng Bình
|
2. Các đơn vị hành chính
Trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Bình là thành phố Đồng Hới. Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình có 6 huyện (kể từ ngày 1/6/1990) là Bố Trạch, Lệ Thủy, Minh Hóa, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Tuyên Hóa và 159 xã, phường và thị trấn(cả Đồng Hới).
Ðơn vị hành chính cấp Huyện
|
Thành phố Đồng Hới
|
Huyện Bố Trạch
|
Huyện Lệ Hủy
|
Huyện Minh Hóa
|
Huyện Quảng Trạch
|
Huyện Quảng Ninh
|
Huyện Tuyên Hóa
|
Diện tích (km²)
|
155,54
|
2123
|
1420
|
1415,7
|
612
|
1190
|
149
|
Dân số (người)
|
103.988
|
170.000
|
140.804
|
-
|
199.000
|
90.000
|
76.100
|
|
 |
ĐẶC ĐIỂM VÀ TIỀM NĂNG KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH QUẢNG BÌNH
Đánh giá tổng quát tình hình kinh tế - xã hội và tiềm năng đầu tư trong giai đoạn 2006-2010 cho thấy tốc độ tăng trưởng khá, các chỉ tiêu cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế từng bước được nâng lên; cơ sở hạ tầng KT-XH được cải thiện rõ rệt; các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách xã hội đạt kết quả khá.
Tuy vậy, nền kinh tế tăng trưởng chưa vững chắc, những yếu kém nội tại chậm được khắc phục; chuyển đổi cơ cấu kinh tế chưa mạnh, sức cạnh tranh còn yếu. Công tác quy hoạch triển khai còn chậm; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; trình độ khoa học công nghệ còn lạc hậu; công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân còn hạn chế, 02 chỉ tiêu về y tế không đạt kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân chung cả nước, nguy cơ tái nghèo cao. Một số vấn đề xã hội bức xúc như: ma tuý, tai nạn giao thông, vấn đề tôn giáo... vẫn diễn biến phức tạp. Công tác bảo vệ tài nguyên môi trường còn nhiều lúng túng, bất cập.
1. Về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Kinh tế phát triển nhanh, đặc biệt là đã xác định rõ hướng đi lên để sớm thoát nghèo và từng bước tạo lập các yếu tố để đảm bảo cho kinh tế phát triển bền vững. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2006 - 2010 ước đạt 11,0%, là giai đoạn có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất từ trước đến nay, cao hơn 2,44% so thời kỳ 2001-2005. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu nội bộ từng ngành kinh tế tiếp tục có bước chuyển biến tích cực: tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp giảm, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và các ngành dịch vụ; tăng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp từng bước gắn với thị trường và chế biến. GDP bình quân đầu người được cải thiện đáng kể và dần thu hẹp khoảng cách với GDP bình quân đầu người của cả nước.
2. Nông, lâm, ngư nghiệp
Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp thời kỳ 2006-2010 tăng bình quân hàng năm 5,50%. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp có bước chuyển dịch đáng kể. Bộ mặt nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc; các yếu tố của một nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá ngày càng phát triển.
Giá trị sản xuất nông nghiệp thời kỳ 2006-201 tăng bình quân 4,85%/năm. Tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng; sản xuất nông nghiệp chuyển dần theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng trên một đơn vị sản phẩm. Diện tích đất canh tác đạt giá trị từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên ngày càng tăng, năm 2006 đạt 5,23%, dự ước năm 2010 có 15% diện tích đất canh tác (đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra); có trên 10.287 ha diện tích lúa chất lượng cao, chiếm 21% tổng diện tích gieo trồng cả năm. Đã hình thành và phát triển một số vùng chuyên canh cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cao su nguyên liệu trên 7.500 ha, lạc 5.000 ha, sắn cao sản 3.000 ha... để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. An ninh lương thực tiếp tục được đảm bảo trong điều kiện chịu nhiều ảnh hưởng xấu của thiên tai, dịch bệnh. Sản lượng lương thực năm 2006 đạt 25,1 vạn tấn, đến năm 2010 ước đạt trên 26,0 vạn tấn, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.
Giá trị sản xuất thủy sản bình quân 5 năm tăng 9,05%/năm, sản lượng thuỷ sản năm 2010 ước đạt 41.100 tấn, tăng bình quân 7,66%/năm. Công tác kiểm tra, phòng chống dịch được tăng cường nên đã hạn chế được dịch bệnh.
3. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp thời kỳ 2006-2010 tăng bình quân hàng năm 20,0%/năm, là mức cao nhất từ trước đến nay. Ngành công nghiệp bước đầu đã được khẳng định là ngành trọng tâm có bước tiến khá rõ nét trong việc cơ cấu lại sản xuất, đổi mới công nghệ hiện đại. Đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực như: sản xuất vật liệu xây dựng, mà trọng tâm là xi măng, gạch ngói, sản xuất bia, chế biến gỗ, năng lượng... Cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp - TTCN được đầu tư khá đồng bộ. Đặc biệt Khu Kinh tế Hòn La đã được thành lập, đây sẽ là động lực mới cho phát triển KT-XH của tỉnh thời gian tới.
Cơ cấu sản xuất công nghiệp có sự chuyển đổi phù hợp, tỷ trọng công nghiệp nhà nước giảm, tỷ trọng công nghiệp ngoài nhà nước tăng, các cơ sở công nghiệp ngoài nhà nước được khuyến khích phát triển. Chương trình phát triển TTCN và ngành nghề nông thôn được chú trọng; một số ngành nghề truyền thống được khôi phục theo hướng gắn với phát triển du lịch và xuất khẩu, như: mộc dân dụng, mây tre đan, mỹ nghệ, sợi tơ tằm, các loại rượu truyền thống, các dịch vụ cơ khí...
4. Các ngành dịch vụ
Các ngành dịch vụ phát triển mạnh đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh. Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ tăng bình quân hàng năm thời kỳ 2006 - 2010 là 11,6%.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội bình quân hàng năm tăng 24,7%. Hoạt động thương mại nội địa tiếp tục phát triển.
Hoạt động xuất khẩu giữ được mức tăng trưởng cao, dự ước giá trị xuất khẩu năm 2010 đạt 70 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2006-2010 ước đạt gần 300 triệu USD, tăng hơn 200 triệu USD so thời kỳ 2001-2005. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, sản phẩm xuất khẩu đa dạng hơn. Hoạt động nhập khẩu đáp ứng được nhu cầu sản xuất của địa phương.
5. Thu chi ngân sách.
Nhờ sự tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh và thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và thực hiện chính sách bồi dưỡng nguồn thu, tăng cường chống thất thu, buôn lậu và gian lận thương mại… thu ngân sách trên địa bàn có bước tăng trưởng khá, bình quân hàng năm tăng 19,5%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2009 đạt: 1.181 tỷ đồng, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra trước 1 năm. Cơ cấu nguồn thu có sự chuyển dịch tiến bộ, thu từ SXKD của các DNNN địa phương và thu ngoài nhà nước tăng khá.
Tổng chi ngân sách năm 2010 ước đạt 3.600 tỷ đồng, bình quân hàng 5 năm tăng 15%. Việc quản lý, điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm hợp lý giữa chi thường xuyên và đầu tư phát triển, đáp ứng cơ bản các nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đã thực hiện có hiệu quả chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí.
6. Giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Giáo dục - đào tạo tiếp tục được sự quan tâm đầu tư của toàn xã hội. Chất lượng giáo dục - đào tạo đã có sự chuyển biến tương đối toàn diện, cả ở diện đại trà và mũi nhọn. Mạng lưới trường lớp tiếp tục được kiên cố hoá, mở rộng và nâng cấp, đội ngũ giáo viên được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng. Đến nay, đã có 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ; 6/7 huyện, thành phố với 153/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 7/7 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn tăng ở các cấp: 90,1% giáo viên mầm non, 99,1% giáo viên tiểu học, 96,9% giáo viên trung học cơ sở, 98,9% giáo viên THPT.
Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực có nhiều chuyển biến tích cực; các trường, các cơ sở đào tạo đã phát triển về số lượng và nâng cao về chất lượng; nội dung và chương trình đào tạo được đổi mới, gắn với nhu cầu phát triển KT-XH và yêu cầu của các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh. Trường Đại học Quảng Bình được thành lập đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu học tập của con em trên địa bàn tỉnh.
7. Văn hoá, thể dục thể thao
Đời sống văn hoá ở cơ sở được chú trọng và mở rộng từ tỉnh đến cơ sở, nhất là đến các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được đẩy mạnh, dự kiến đến năm 2010 có 78% hộ gia đình; 38% số làng, thôn, bản, tiểu khu đạt chuẩn văn hoá. Hoạt động văn học, nghệ thuật đã bám sát cuộc sống, có những tác phẩm tốt phục vụ nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển mạnh, nhất là phong trào thể dục thể thao quần chúng gắn với cuộc vận đồng “Toàn dân rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại”, toàn tỉnh có 26,0% số người tham gia tập luyện thể thao thường xuyên. Thể thao thanh tích cao đạt kết quả khá, từ năm 2006 - 2010, tỉnh đã đạt trên 900 huy chương các loại trong các cuộc thi trong nước và quốc tế.
8. Giải quyết việc làm, XĐGN và thực hiện chính sách xã hội
Trên cơ sở triển khai tốt các chương trình kinh tế trọng điểm, công tác xóa đói giảm nghèo được các cấp, các ngành triển khai tích cực và đã trở thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp. Đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo vay vốn giải quyết việc làm. Nhờ đó đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, đặc biệt là đồng bào dân tộc, vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt, bình quân hàng năm giảm từ 3,4% - 4,0%/năm, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2006-2010.
Được sự quan tâm của các ngành, các cấp cùng với việc thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, chương trình quốc gia về giải quyết việc làm, chính sách đào tạo nghề, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động. Vì vậy, công tác giải quyết việc là đã đạt được nhiều kết quả trên tất cả các địa bàn. Giai đoạn 2006-2010 bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 2,4-2,5 vạn lao động.
Chăm lo thực hiện tốt các chính sách xã hội, đặc biệt là người có công với cách mạng, gia đình thương binh, liệt sỹ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; giải quyết các hồ sơ thương binh, đối tượng hưởng chính sách. Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 19/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chương trình ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại. Công tác phòng chống tệ nạn xã hội được tăng cường, đẩy mạnh.../.
|
|