Kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976-1980). Ngay trong những năm chiến tranh, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã nghiên cứu chuẩn bị kế hoạch tái thiết kinh tế sau chiến tranh. Để xây dựng kế hoạch 5 năm đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất (kế hoạch 1976-1980), được sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã cùng với các Bộ, địa phương khẩn trương đánh giá, khảo sát tình hình đất nước, chuẩn bị các dự án và tổng hợp thành 25 phương án đầu tư phát triển, đưa ra thảo luận trong Ủy ban. Tháng 12 năm 1976, Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã thông qua kế hoạch 5 năm 1976-1980 với hai mục tiêu cơ bản là: Xây dựng một bước cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH, bước đầu hình thành cơ cấu kinh tế mới trong cả nước trong đó quan trọng nhất là cơ cấu công - nông nghiệp, và cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.
Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã tích cực tham gia vào chuẩn bị bốn biện pháp lớn để thực hiện kế hoạch. Một là, nghiên cứu tổ chức lại nền sản xuất xã hội, phân bố lại lực lượng sản xuất trong cả nước, tổ chức nghiên cứu quy hoạch phát triển dài hạn của các ngành kinh tế, dự kiến phân vùng kinh tế cơ bản, lập sơ đồ chung về phân bố lực lượng sản xuất trong cả nước, từ đó quy hoạch dài hạn phát triển kinh tế, văn hóa cho từng tỉnh, huyện. Hai là, cải tiến công tác quản lý, trọng tâm là cải tiến công tác kế hoạch hóa; đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ trong quá trình kế hoạch hóa, xây dựng và ban hành các luật, điều lệ về kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân; thực hiện chế độ hạch toán kinh tế ở các xí nghiệp quốc doanh. Ba là, cụ thể hóa các nội dung về tăng cường hiệu lực của bộ máy nhà nước, trước hết là trong quản lý kinh tế, không lẫn lộn giữa quản lý hành chính kinh tế và quản lý sản xuất kinh doanh. Bốn là, phát động phong trào quần chúng sôi nổi tham gia thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của kế hoạch Nhà nước.
Kế hoạch 5 năm lần thứ 3 (1981-1985) được xây dựng trong hoàn cảnh đất nước ở trong tình trạng vừa có hòa bình, vừa phải luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị đối phó với nguy cơ chiến tranh, vì vậy, kế hoạch phải đảm bảo cân đối tích cực cho hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Kế hoạch 5 năm 1981-1985 được chuẩn bị từ năm 1978. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã thành lập 5 tổ nghiên cứu về những lĩnh vực chủ yếu của nên kinh tế quốc dân để chuẩn bị khung kế hoạch. ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã trình Bộ Chính trị báo cáo phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm với 11 vấn đề lớn, Đại hội Đảng lần thứ V đã thông qua phương hướng này với những mục tiêu tổng quát là: Đáp ứng nhu cầu cấp bách và thiết yếu nhất, dần dần ổn định đời sống nhân dân; tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của CNXH, chủ yếu nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, hàng tiêu dùng và xuất khẩu; hoàn thành công cuộc cải tạo XHCN ở Miền Nam, tiếp tục hoàn thiện quan hệ sản xuất ở Miền Bắc; đáp ứng các nhu cầu của công cuộc phòng thủ đất nước, củng cố quốc phòng và giữ vững an ninh trật tự.
Thực hiện kế hoạch 1981-1985, nền kinh tế đã thu được nhiều thành tựu, sản xuất tăng khá, đời sống nhân dân đã được cải thiện một phần.
Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã tham gia tích cực vào xây dựng cơ chế kinh tế mới trong thời kỳ này như cải tiến phân phối thu nhập quốc dân theo hướng thống nhất hài hòa ba lợi ích: Nhà nước, tập thể và cá nhân người lao động; đổi mới phương pháp và cơ chế kế hoạch hóa, giảm bớt số chỉ tiêu pháp lênh, tăng quyền chủ động cho địa phương và cơ sở; cụ thể hoá các nội dung của Nghị định 25/CP để "cởi trói" cho các doanh nghiệp nhà nước và Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về đổi mới cơ chế khoán sản phẩm trong nông nghiệp; tập trung vốn cho những công trình quan trọng nhất, có ý nghĩa then chốt đối với phát triển toàn nền kinh tế quốc dân như thuỷ điện Hòa Bình và Trị An, xi măng Bỉm Sơn và Hoàng Thạch, thăm dò dầu khí phía Nam...
Bộ KHĐT