Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Long An

Ngày 14/09/2017 - 10:03:00 | 180 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị 1 (Số thứ tự 1 theo văn bản số 8972/VPCP-QHĐP):

Đề nghị tăng cường giám sát các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 của Chính phủ nhất là việc phân bổ nguồn vốn, cân đối nguồn lực tại các địa phương thụ hưởng từ Chương trình 135.

Trả lời:

Chương trình 135 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48/2016/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện CTMTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020 (291 xã thuộc 23 tỉnh) và Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 (2.139 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu của 46 tỉnh) và ủy quyền cho Chủ nhiệm, Bộ trưởng Ủy ban Dân tộc ban hành Quyết định số 414/QĐ-UBDT ngày 11/7/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020.

Đây là những quyết định quy định rõ đối tượng, định mức, nguyên tắc phân bổ của Chương trình 135 nhằm triển khai toàn diện từ Trung ương đến địa phương.

Để triển khai công tác giám sát của các bộ, ngành địa phương, các bộ, ngành đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 442/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 trong đó đã quy định các Bộ chủ quản chương trình MTQG chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì nội dung, dự án thành phần thuộc từng chương trình hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình theo đúng quy định về quản lý đầu tư công, quản lý ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của từng chương trình trong kế hoạch năm 2017.

Các bộ chủ quản chương trình chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra giám sát việc thực hiện quản lý vốn đầu tư thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia theo đúng quy định về quản lý đầu tư công; cập nhật và báo cáo tình hình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung và đặc biệt chú trọng trong thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, các bộ, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với với các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc… thường xuyên kiểm tra, đánh giá, tổ chức các đoàn công tác tại địa phương để triển khai nhiệm vụ giám sát thực hiện Chương trình.

Nội dung kiến nghị 2 (Số thứ tự 2 theo văn bản số 8969/VPCP-QHĐP): 

Đề nghị Chính phủ có giải pháp linh hoạt, nhạy bén, cụ thể hơn trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể nhất là thu hút đầu tư xã hội, phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% trong năm 2017.

Trả lời:

Trong những tháng đầu năm 2017, nền kinh tế Việt Nam nhìn chung ổn định và đạt được một số thành tựu nhất định: tăng trưởng kinh tế phục hồi ngày một rõ nét thể hiện qua sự chuyển biến tích cực ở cả ba động lực tăng trưởng. Cụ thể, ngành khai khoáng hồi phục nhẹ và ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục giữ đà tăng đã giúp khu vực công nghiệp tăng trưởng mạnh hơn kể từ sau quý II/2017. Khu vực nông, lâm thủy sản phục hồi tốt; và đặc biệt là sự tăng trưởng bứt phá của khu vực dịch vụ); Lạm phát trong xu hướng tăng nhẹ nhưng vẫn được kiểm soát tốt; Nhập siêu tiếp tục ở mức thấp. Đầu tư duy trì tăng trưởng ở mức khá. Tiêu dùng tăng nhẹ. Lãi suất ổn định, tín dụng tăng trưởng kháTuy nhiên, sự hồi phục của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc khi tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới khu vực sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản. Đầu tư FDI tăng trưởng tốt nhưng vấn đề giải ngân vốn từ NSNN vẫn gặp nhiều khó khăn. Tiêu dùng tăng nhưng gặp khó khăn do mặt bằng giá cả trong nước có xu hướng tăng. Xuất khẩu đạt khá nhưng tăng trưởng chủ yếu do khu vực FDI, nhập siêu có chiều hướng tăng trở lại. Cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất chưa thực sự ổn định.

Kế hoạch tăng trưởng kinh tế năm 2017đề ra ở mức 6,7% là mức tăng khá cao so với những năm trước đó. Để có thể đạt mức tăng trưởng này trong thời gian tới, Chính phủ đã thực hiện quyết liệt đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là các Nghị quyết số: 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019; 19/NQ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2017; 35/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ; các Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2017; 24/CT-TTg ngày 02 tháng 6 năm 2017; 26/CT-TTg ngày 06 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó tập trung vào:

(1) Thúc đẩy tăng trưởng, phát triển đồng bộ các ngành kinh tế, thúc đẩy phát triển của cả ba khu vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng và dịch vụ, đặc biệt là khu vực công nghiệp và xây dựng, vốn là động lực cho tăng trưởng toàn nền kinh tế, cụ thể là:

- Về ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản:

+ Khẩn trương khắc phục những thiệt hại về thiên tai bão lũ gây ra, tránh ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và cuộc sống của người dân. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thời tiết, mực nước ở các sông, suối, hồ chứa, có phương án phòng chống thiên tai hạn hán, lũ lụt sắp tới.

+ Thúc đẩy tăng trưởng GDP của ngành đạt 3,05%, xuất khẩu đạt 33 tỷ USD. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ một cách hiệu quả, bền vững. Chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với nhu cầu thị trường

+ Nâng cao chất lượng sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh tại thị trường trong nước và đáp ứng đủ điều kiện của các thị trường nhập khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; có chính sách khuyến khích cơ sở chế biến tăng cường thu mua, chế biến nông sản; Điều chỉnh quy mô, cơ cấu chăn nuôi phù hợp với thị trường, tổ chức theo chuỗi giá trị.

- Về khu vực công nghiệp và xây dựng: xử lý ngay các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm để đi vào hoạt động có hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng.

Triển khai các hoạt động quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp làng nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Tăng cường thu hút đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp.

- Về dịch vụ, du lịch: đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế, tranh thủ cơ hội Năm APEC 2017; tiếp tục tăng cường công tác quản lý hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch, phấn đấu đạt mục tiêu thu hút 13-15 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2017

Quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 03/8/2017, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công. Đồng thời, giữ vững kỷ luật trong quản lý và giám sát đầu tư công, chống thất thoát, lãng phí. Xác định rõ trách nhiệm các cơ quan nhà nước, các cấp có thẩm quyền trong quyết định, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư nhà nước; Duy trì mức hợp lý của đầu tư của khu vực Nhà nước so với tổng vốn đầu tư phát triển và phấn đấu tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 34-35% GDP.

Khuyến khích đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế xã hội thông qua việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư tư nhân; thúc đẩy sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân để khai thác triệt để nguồn lực về thị trường, vốn, lao động bằng những ưu đãi về tài chính, đất đai,…;  thúc đẩy huy động nguồn vốn tư nhân đầu tư vào phát triển hạ tầng cơ sở, công nghiệp hỗ trợ và đầu tư vào các dự án công nghệ cao.

Tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại, tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường thu hút mạnh đầu tư ngoài nhà nước, kể cả khu vực FDI tham gia phát triển kết cấu hạ tầng. Triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh.

Phát triển ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản.

(3) Hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Tiếp tục cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và ổn định môi trường kinh tế vĩ mô để khôi phục niềm tin của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và của người tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập siêu. Theo dõi việc thực thi Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

(4) Thực hiện chính sách tiền tệ cần được điều hành thận trọng, linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Quản lý chặt chẽ hạn mức tín dụng, nhất là tín dụng đối với đầu tư bất động sản. Tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 21%.Nghiên cứu giảm dần lãi suất cho vay đầu tư sản xuất kinh doanh một cách phù hợp với diễn biến lạm phát và yêu cầu phục hồi nền kinh tế.

Với những giải pháp đồng bộ được đề ra như trên, cùng với sự nỗ lực quyết tâm của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương, tăng trưởng năm 2017 có khả năng hoàn thành được kế hoạch đề ra./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác