Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Ninh Thuận

Ngày 14/09/2017 - 10:06:00 | 153 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị 1:

a) Để đảm bảo thực hiện theo các mục tiêu theo kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, cử tri Ninh Thuận kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo bổ sung vốn và cho chủ trương về cơ chế huy động nguồn lực để thực hiện. Cụ thể:

+ Bố trí vốn bổ sung tăng thêm cho tỉnh Ninh Thuận 8.300 tỷ đồng trong kế hoạch trung hạn 5 năm 2016-2020 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương (nguồn dự phòng), trái phiếu Chính phủ (ngoài số vốn đã được trung ương thông báo), trong đó: Triển khai 20 dự án quan trọng, cấp bách, với tổng vốn 7.472 tỷ đồng. Đây là các dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ ngành Trung ương vào khảo sát và đánh giá thực tế mức độ ưu tiên, cần thiết và thống nhất đưa vào đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 và được Thường trực Chính phủ kết luận, chỉ đạo đồng ý chủ trương bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện tại Thông báo số 264/TB-VPCP ngày 03/8/2015 và Thông báo số 318/TB-VPCP ngày 07/10/2016 của Văn phòng Chính phủ; Bố trí thanh toán 2 công trình với tổng vốn 828 tỷ đồng đã thi công hoàn thành đưa vào hoạt động với mục tiêu là phục vụ cho việc triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

+ Xem xét, chấp thuận cho tỉnh Ninh Thuận được giãn thời gian hoàn trả vốn ứng trước 349,511 tỷ đồng nguồn Chương trình mục tiêu sau năm 2020.

+ Hiện nay số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp của tỉnh Ninh Thuận còn thấp, nếu áp dụng theo quy định hiện hành (mức dư nợ vay không vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp) thì Ninh Thuận không có điều kiện để tiếp nhận các dự án ODA đã được Chính phủ và nhà tài trợ chấp thuận chủ trương đầu tư. Vì vậy, cho phép tỉnh Ninh Thuận được áp dụng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương theo tỷ lệ không vượt quá 60% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp như một số tỉnh, thành phố đang áp dụng.

+ Nghiên cứu chấp thuận cho tỉnh Ninh Thuận bố trí từ nguồn vốn vượt thu ngân sách Trung ương cho các dự án quan trọng, cấp bách thuộc Đề án. Đồng thời cho phép Tỉnh được để lại 100% nguồn vượt thu ngân sách hàng năm để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, cấp bách.

+ Cho phép tạm ứng tồn ngân Kho bạc nhà nước để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, cấp bách trong tổng mức đầu tư các dự án được phê duyệt thuộc cơ chế chính sách đặc thù, mức tạm ứng hằng năm bằng kế hoạch đầu tư của năm và được hoàn trả từ nguồn vốn ngân sách trong kế hoạch năm sau bố trí cho các dự án.

Trả lời:

- Về nguồn dự phòng (10%) ngân sách trung ương trong kế hoạch trung hạn 5 năm 2016-2020:

+ Theo quy định tại khoản 3, Điều 6, Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020: "Khoản vốn dự phòng chung chưa phân bổ chỉ được sử dụng trong trường hợp nguồn thu ngân sách nhà nước được đảm bảo theo kế hoạch và được sử dụng cho các mục tiêu thật sự cần thiết, bất khả kháng, cấp bách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện”.

+ Theo quy định tại khoản 10, Điều 10, Luật Ngân sách nhà nước quy định số vốn dự phòng nguồn ngân sách nhà nước để xử lý những vấn đề phát sinh trong năm kế hoạch, cụ thể như sau: “Dự phòng ngân sách nhà nước sử dụng để chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói; nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác…”.

+ Theo quy định tại khoản 2, Điều 7, Nghị định 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm:

“Số vốn dự phòng để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, được sử dụng trong các trường hợp sau đây:

(a) Xử lý trượt giá sau khi đã sử dụng hết số vốn dự phòng trong tổng mức đầu tư được duyệt của từng dự án theo quy định của pháp luật;

(b) Bổ sung đầu tư dự án khẩn cấp và dự án cần thiết mới phát sinh; đối ứng cho chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chưa có trong danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn;

(c) Vấn đề cấp bách khác phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn”.

Sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 được Quốc hội thông qua, nguồn vốn dự phòng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của Tỉnh chỉ được thực hiện trong các trường hợp nêu trên và phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận; hiện nay Chính phủ chưa có cơ chế và chưa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sử dụng nguồn vốn này.

 - Về nguồn vốn trái phiếu Chính phủ:

Hiện nay, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong kế hoạch trung hạn 5 năm 2016-2020 được Quốc hội thông qua và đã phân bổ hết, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận chủ động bố trí từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án.

- Về việc xem xét, chấp thuận cho tỉnh Ninh Thuận được giãn thời gian hoàn trả vốn ứng trước 349,511 tỷ đồng nguồn Chương trình mục tiêu sau năm 2020:

Tại Quyết định số 1300/QĐ-TTg ngày 01/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1215/QĐ-BHKĐT ngày của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nguồn vốn ngân sách trung ương (đợt 2) Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho tỉnh Ninh Thuận giãn thời gian hoàn trả vốn ứng trước 349,511 tỷ đồng nguồn Chương trình mục tiêu sau năm 2020 để tỉnh có thêm điều kiện bố trí vốn cho các dự án khác nhằm ổn định đời sống nhân dân tỉnh Ninh Thuận.

- Về việc cho phép tỉnh Ninh Thuận được áp dụng mức dư nợ vay của ngân sách địa phương theo tỷ lệ không vượt quá 60% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp như một số tỉnh, thành phố đang áp dụng:

Theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, trong đó quy định mức dư nợ vay của tỉnh Ninh Thuận không vượt quá 20% thu NSĐP được hưởng theo phân cấp. Đồng thời, quy định trường hợp cần thiết vay để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng mà mức dư nợ vay của ngân sách Tỉnh vượt quá quy định tại khoản này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định.

- Về việc nghiên cứu chấp thuận cho tỉnh Ninh Thuận sử dụng nguồn vốn vượt thu ngân sách Trung ương cho các dự án quan trọng, cấp bách thuộc Đề án:

+ Về đề nghị bố trí từ nguồn vốn vượt thu ngân sách Trung ương cho các dự án quan trọng, cấp bách: Về vấn đề nêu trên thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Tài chính, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận làm việc với Bộ Tài chính để được giải quyết.

 + Đề nghị cho phép Tỉnh được để lại 100% nguồn vượt thu ngân sách hàng năm để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, cấp bách: theo khoản 4, Điều 59, Luật Ngân sách Nhà nước 2015, trường hợp ngân sách trung ương tăng thu so với dự toán từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách tỉnh Ninh Thuận, ngân sách trung ương trích một phần theo tỷ lệ không quá 30% của số tăng thu thưởng cho tỉnh, nhưng không vượt quá số tăng thu so với mức thực hiện năm trước.

- Về việc cho phép Tỉnh tạm ứng tồn ngân Kho bạc nhà nước để đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, cấp bách trong tổng mức đầu tư các dự án được phê duyệt thuộc cơ chế chính sách đặc thù, mức tạm ứng hằng năm bằng kế hoạch đầu tư của năm và được hoàn trả từ nguồn vốn ngân sách trong kế hoạch năm sau bố trí cho các dự án:

Vấn đề này thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Tài chính, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh Ninh Thuận làm việc với Bộ Tài chính để được giải quyết.

b) Để đảm bảo thực hiện theo các mục tiêu theo kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, cử tri Ninh Thuận kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo bổ sung vốn và cho chủ trương về cơ chế huy động nguồn lực để thực hiện. Cụ thể:

+ Nghiên cứu, bổ sung các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Ninh Thuận vào Quy hoạch tổng thể cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Trả lời:

Để có cơ sở pháp lý bổ sung các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào quy hoạch tổng thể cả nước đến năm 2030, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch.

Nội dung kiến nghị 2:

Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận tuy đã được Quốc hội quyết định ngừng thực hiện từ tháng 11 năm 2016, nhưng đến nay Chính phủ vẫn chưa triển khai thực hiện nhiều nội dung trong Nghị quyết của Quốc hội. Cử tri kiến nghị Chính phủ sớm có triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời nghiên cứu, có chính sách đặc thù đối với người dân sau khi dừng thực hiện Dự án.

Trả lời:

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại các văn bản số 1582/VPCP-KTTH ngày 06/6/2017, số 2090/VPCP-KTTH ngày 19/7/2017 của Văn phòng Chính phủvề việc hoàn chỉnh một số cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020 trong đó “Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và các Bộ: Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan cập nhật thực trạng, phân tích làm rõ những tác động trực tiếp của việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, trong đó làm rõ địa bàn, đối tượng bị ảnh hưởng, danh mục dự án đầu tư bị ảnh hưởng về việc dừng chủ trương thực hiện đầu tư Dự án Điện hạt nhân. Trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ”.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020 gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành và sẽ tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2017./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác