Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Nam Định

Ngày 01/09/2018 - 09:25:00 | 187 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

1. Nội dung kiến nghị:

Đề nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương tiếp tục có các chính sách phù hợp để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư tại tỉnh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng công nghệ cao … để tăng nguồn thu ngân sách, phát triển cơ sở hạ tầng và tạo công ăn việc làm cho người dân.

Trả lời:

Trong những năm gần đây, Chính phủ không ngừng rà soát, hoàn thiện khung chính sách về huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển. Một mặt, môi trường kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát luôn ở dưới chỉ tiêu do Quốc hội giao, các cân đối lớn được duy trì và củng cố theo hướng bền vững hơn. Mặt khác, Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn trong việc thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Việc kiên định thực hiện chuỗi Nghị quyết 19 đã mang lại những thành tựu bước đầu đáng khích lệ, đặc biệt trên các lĩnh vực cắt giảm điều kiện kinh doanh, tiếp cận điện năng, nộp thuế và bảo hiểm, v.v. Chính phủ cũng đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (theo Nghị quyết 35 của Chính phủ và Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa). Khung chính sách cho đổi mới sáng tạo cũng đang được nghiên cứu, hoàn thiện nhằm bắt kịp, đi cùng và vượt lên trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh. Bên cạnh đó, Chính phủ không ngừng tiếp xúc, lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc đối với hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhờ đó, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với quá trình tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh của tổng thể nền kinh tế ngày càng được cải thiện. Chỉ số Môi trường kinh doanh của Eurocham (công bố hàng quý) luôn ở trong khoảng từ 77-86 điểm kể từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2017 (trong khi chỉ ở mức 50 điểm vào năm 2013), cho thấy cảm nhận tích cực của doanh nghiệp EU đối với môi trường đầu tư – kinh doanh ở Việt Nam. Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, theo Ngân hàng Thế giới, cũng tăng từ thứ 91 năm 2015 lên thứ 82 năm 2016 và thứ 68 vào năm 2017. Theo số liệu thống kê, tính chung 7 tháng đầu năm, cả nước có 75.793 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 77,1 nghìn tỷ đồng đưa vào nền kinh tế, tăng 11,6% so với cùng kỳ 2017; đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/7/2018 thu hút 1.656 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13.205,4 triệu USD. Lượng vốn đầu tư vào nền kinh tế của khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, thể hiện các chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích doanh nghiệp phát triển của Chính phủ trong thời gian gần đây đã phát huy một số kết quả… Những kết quả này càng đáng ghi nhận hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực phải đối mặt với không ít bất định trong những năm gần đây.

Đối với lĩnh vực đầu tư vào sản xuất các mặt hàng công nghệ cao, đây là lĩnh vực đang được Chính phủ định hướng ưu tiên phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh chóng. Các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sang tạo, phát triển công nghệ, công nghệ cao đã được quy định tại các văn bản Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị quyết 35 và lồng ghép nhiều chương trình quốc gia khác về khoa học và công nghệ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang được Chính phủ giao nghiên cứu, xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0… Bên cạnh đó, Bộ đang tiến hành phổ biến, hướng dẫn các địa phương triển khai các nội dung của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có trọng tâm là hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, những doanh nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tang trưởng nhanh.

 Những giải pháp và chuyển biến trên chỉ ở bình diện chung. Để tăng cường thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, tỉnh Nam Định cần có những giải pháp chính sách và hành động mạnh mẽ để cải thiện môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Thứ nhất, tỉnh cần rà soát, hoàn thiện kế hoạch hành động nhằm nâng cao đáng kể năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), so với thứ hạng 41 hiện nay. Những lĩnh vực bị suy giảm trong năm 2017 cần đặc biệt lưu ý là gia nhập thị trường, chi phí không chính thức và tính năng động ở địa bàn tỉnh. Xếp hạng về Chỉ số cải cách hành chính (PAR) của tỉnh đứng ở thứ 40 trong năm 2017 trong khi Mức độ hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) nằm ở nhóm xếp cuối, cho thấy đây cũng là một lĩnh vực cần những giải pháp quyết liệt.

Thứ hai, tỉnh cần tiếp tục tham vấn với các cơ quan Bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp nhằm có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn, phù hợp với khung chính sách chung, không trái với các cam kết quốc tế.

Thứ ba, tỉnh cần không ngừng phổ biến, tăng cường nhận thức và mức độ sẵn sàng của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tận dụng cơ hội, thách thức từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các hiệp định thương mại tự do mới nói riêng.

Thứ tư, tỉnh cần nghiêm túc đánh giá, trên cơ sở tham vấn với các bộ, ngành và hiệp hội doanh nghiệp, khả năng đáp ứng các điều kiện (hạ tầng, nhân lực, v.v.) nhằm thu hút các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng công nghệ cao. Cần nghiên cứu khả năng phối hợp với các tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Hồng nhằm cải thiện liên kết của các doanh nghiệp lớn/có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất mặt hàng công nghệ cao ở các địa phương này với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định. Đây có thể là một hướng đi quan trọng để thu hút và phát triển các doanh nghiệp có khả năng tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị hàng công nghệ cao, thay vì chỉ tập trung vào thu hút các doanh nghiệp lớn sản xuất các mặt hàng công nghệ cao.

2. Nội dung kiến nghị:

Cử tri và nhân dân trong tỉnh kiến nghị Nhà nước chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu công nghiệp đảm bảo tính khoa học cao, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp; tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo như ở nhiều địa phương thời gian vừa qua, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Trả lời:

Ngày 22/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP về quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế (thay thế các Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, số 164/2013/NĐ-CP và số 114/2015/NĐ-CP), trong đó quy định về quy hoạch khu công nghiệp đã chặt chẽ và toàn diện hơn như: quy hoạch KCN phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; có các điều kiện thuận lợi hoặc có khả năng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; đảm bảo các yêu cầu về bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác