Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng

Ngày 04/11/2019 - 16:13:00 | 366 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị số 1:

Cử tri phản ánh, hiện nay sự chênh lệch về chất lượng cuộc sống giữa các vùng miền vẫn còn khá phổ biến, tại các khu vực miền núi, hải đảo các công trình phúc lợi như: trường học, bệnh viện, đường xá còn thô sơ, nghèo nàn. Cử tri đề nghị tăng cường hơn nữa việc đầu tư cho các khu vực này để nâng cao chất lượng, đời sống của Nhân dân các khu vực miền núi, hải đảo.

Trả lời:

Trong thời gian vừa qua, khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và nhất là khu vực nông thôn thuần nông nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư và phát triển đặc biệt là các công trình phúc lợi như: trường học, bệnh viện, đường xá thông qua các chính sách hỗ trợ vốn đầu tư phát triển mang tính đặc thù bằng các Chương trình mục tiêu quốc gia (Giảm nghèo bền vững và Nông thôn mới), Chương trình mục tiêu Biển Đông - Hải Đảo và các Chương trình mục tiêu khác được cụ thể hóa và thể hiện tại Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về các tiêu chí, nguyên tắc và định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 và được ưu tiên bố trí trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 để thực hiện. Theo đó, số vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trong giai đoạn 2016-2020 cho 02 Chương trình mục tiêu Quốc gia là 72.817 nghìn tỷ đồng (gồm: Nông thôn mới là 43.119 tỷ đồng; Giảm nghèo bền vững 29.698 tỷ đồng); Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã - hội vùng 60.433,192 tỷ đồng với  1.481 dự án, trong đó: đầu tư mới 392 dự án giao thông với 3.110 km đường, 22 cầu; 63 dự án thủy lợi quy mô lớn có sức lan tỏa vùng, tăng thêm 99.000 ha diện tích tưới, hỗ trợ hoàn thành 10 trường đại học của địa phương; xây dựng mới 45 dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của các tỉnh, huyện mới chia tách và 56 kho lưu trữ chuyên dụng cấp tỉnh; và các dự án quan trọng khác của địa phương). Kết quả đạt được: tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều cả nước năm 2018 còn 5,23% giảm 3% so với đầu nhiệm kỳ (năm 2016 là 8,23%); số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2018 chiếm trên 46%/tổng số xã cả nước  (các địa phương tiêu biểu đạt 100% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới là: Nam Định, Đà Nẵng, Đồng Nai, Hà Tĩnh).

Do vậy, đối với việc cử tri đề nghị tăng cường hơn nữa việc đầu tư cho các khu vực này để nâng cao chất lượng, đời sống nhân dân khu vực miền núi, hải đảo là rất cần thiết để đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh bảo vệ chủ quyền biên giới khu vực miền núi, hải đảo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, tổng hợp và sẽ kiến nghị với cấp thẩm quyền quyết định trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và đang báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét cho phép xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội các vùng, dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Nội dung kiến nghị số 2:

Thời gian qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 thể hiện sự quan tâm rất lớn và cũng là yêu cầu rất cao đối với thành phố với mục tiêu trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm thành phố hàng đầu châu Á và thế giới. Để sớm đưa mục tiêu đó thành hiện thực, Hải Phòng cần sự quan tâm, chỉ đạo đặc biệt của Chính phủ, sự ủng hộ, tạo điều kiện của các bộ ngành và các địa phương trong thời gian tới. Cử tri đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 45 cho thành phố Hải Phòng để đảm bảo hiệu quả thực hiện Nghị quyết trong những năm tới cũng như hỗ trợ và thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét có cơ chế đột phá hơn nữa về ngân sách và huy động vốn đầu tư để Hải Phòng có điều kiện bổ sung nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển dịch vụ cảng biển và mở rộng các các khu cụm công nghiệp; đồng thời tạo điều kiện để Hải Phòng thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị.

Trả lời:

Tại Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã giao Ban Cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1988/VPCP-QHĐP ngày 12/3/2019 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng các nội dung dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/01/2019. Tổng hợp ý kiến các cơ quan và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu  đã có văn bản số 5253/BKHĐT-KTĐPLT ngày 29/7/2019 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nội dung dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, theo đó các nội dung như đẩy nhanh triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm kết nối liên kết vùng và xây dựng Đề án của Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù đối với Hải Phòng đã được đưa vào Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ và phân công cụ thể cho các bộ, ngành trung ương và địa phương thực hiện.

Do đó, sau khi Chính phủ chính thức ban hành Nghị quyết Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 sẽ làm căn cứ để các bộ ngành trung ương triển khai thực hiện.

Nội dung kiến nghị số 3:

Cử tri đề nghị Chính phủ tăng cường thực hiện các chính sách phát triển bền vững nền kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và mức thu nhập nhân dân, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, đồng thời quan tâm hơn nữa đến chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Trả lời:

Việc phát triển nhanh, toàn diện và bền vững nền kinh tế của nước ta đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay, trải qua thời gian Việt Nam đã có những bước tiếp cận ngày càng đầy đủ đến hành trình phát triển toàn diện, bền vững nền kinh tế đất nước. Trong thời gian qua, cơ chế, chính sách tài chính liên tục được cải cách và hoàn thiện trên nhiều mặt nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Nhằm triển khai thực hiện các quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển kinh tế nhanh và bền vững, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua cũng như ban hành nhiều luật, nghị quyết, nghị định, quyết định, chương trình hành động và các hướng dẫn trong các lĩnh vực về kinh tế, môi trường và xã hội, như: Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Quy hoạch,… Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phát triển bền vững nền kinh tế: chính sách thuế, phí, lệ phí từ đất đai; chính sách vay nợ; phát triển thị trường tài chính; quy định về đầu tư công, xây dựng, tài nguyên - môi trường, khoa học - công nghệ; phát triển khởi nghiệp sáng tạo; an sinh xã hội và giảm nghèo. Nhờ vậy, đã tạo đà cho Việt Nam phát triển kinh tế nhanh, toàn diện và bền vững trong mối quan hệ với 3 trụ cột là tăng trưởng nhanh, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Chính phủ đã ban hành Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam (2004), Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 (2012) và gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường. Quan điểm phát triển bền vững đã được lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2015 và 2016 - 2020. Đất nước đã đạt được các thành tựu về phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường như tốc độ tăng trưởng GDP, giảm nghèo bền vững, phổ cập giáo dục, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe…

Tuy nhiên, nhận thức về phát triển bền vững của không ít cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhiều người dân còn chưa đầy đủ, thống nhất; các chính sách kinh tế - xã hội còn thiên về tăng trưởng nhanh kinh tế và ổn định xã hội, mà chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến tính bền vững khi khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Chính vì lẽ đó, tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 20/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và ban hành Hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững. Theo dõi, đánh giá, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững trình Chính phủ, Quốc hội hằng năm.

Nội dung kiến nghị số 4:

Hiện nay, nhu cầu việc làm của người dân và nhu cầu tuyển dung lao động của các doanh nghiệp ngày càng cao, vì vậy dự báo số lượng lao động ngoại tỉnh nhập cư vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng ngày càng lớn. Tuy nhiên, thực tế trên cũng tạo cho địa phương áp lực không nhỏ trong vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, vấn đề giải quyết nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo đối với lượng lớn lao động địa phương và lao động nhập cư trên địa bàn huyện. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương có các chính sách cụ thể để giải quyết vấn đề nêu trên; đồng thời có chính sách cụ thể để doanh nghiệp thực hiện đúng trách nhiệm của mình đối với xã hội, đặc biệt là đối với công nhân lao động tại đơn vị (bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng các thiết chế về nhà ở, khu vui chơi thể dục, thể thao, văn hóa cho công nhân lao động, nhà trẻ mẫu giáo cho con em công nhân lao động,…).

Trả lời:

Điều 32 Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2019 của Chính phủ quy định về KCN, KKT đã quy định trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc phát triển nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động KCN, KKT. Theo đó, việc bố trí quỹ đất ở vị trí phù hợp ở vị trí phù hợp để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa thể thao cho người lao động trong KCN thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Trường hợp KCN có khó khăn về nhà ở, công trình xã hội, văn hóa thể thao cho người lao động, căn cứ vào điều kiện cụ thể, trên cơ sở kiến nghị của nhà đầu tư và UBND cấp tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh diện tích KCN trong quy hoạch phát triển KCN để dành một phần diện tích đất KCN đã được giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội, công trình xã hội, văn hóa thể thao cho người lao động. 

Nội dung kiến nghị số 5:

Hiện nay, KCN Tràng Duệ đã lấp đầy 100% diện tích, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong KCN đạt gần 6 tỷ USD với suất đầu tư đạt trên 23 triệu USD/1 ha; các dự án đầu tư vào KCN này chủ yếu sản xuất điện tử, có dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại, giải quyết cho hơn 3 vạn lao động; hiệu quả hoạt động từ các dự án đã tác động tích cực về các mặt kinh tế - xã hội và đóng góp khá tốt cho ngân sách thành phố. Thời gian tới, nhu cầu rất lớn về quỹ đất để mở rộng sản xuất của các dự án là rất lớn, song hiện KCN đã không còn đất trống. Cử tri đề nghị xem xét tiếp tục cho phép mở rộng khu kinh tế, hình thành KCN Tràng Duệ giai đoạn 3 với quy mô khoảng 600 ha sang huyện An Lão; đồng thời sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý để dự án triển khai kịp thời, có quỹ đất mới đón dòng đầu tư rất lớn đang dịch chuyển sang Việt Nam.

Trả lời:

Liên quan đến Đề án mở rộng KCN Tràng Duệ, trên cơ sở công văn số 338/UBND-GT2 ngày 16/01/2019 của UBND thành phố Hải Phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 1476/BKHĐT-QLKKT ngày 08/3/2019 đề nghị UBND hoàn thiện Đề án và đã nhận được công văn số 3070/UBND-GT2 ngày 28/5/2019 kèm Đề án của UBND thành phố Hải Phòng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Xây dựng. Ngày 08/7/2019, Bộ Xây dựng có văn bản số 98/BXD-QHKT ngày 08/7/2019 gửi UBND Thành phố có ý kiến về việc mở rộng KCN Tràng Duệ. Trên cơ sở đề xuất của Thành phố và ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện thẩm định và sẽ sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị nêu trên. 

Nội dung kiến nghị số 6:

Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa và có nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể hơn nữa để phát triển doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất các mặt hàng phụ trợ, các linh kiện của ngành may mặc, giày da, ngành sản xuất xe máy, ô tô… để góp phần giảm gánh nặng nhập khẩu sản phẩm phụ trợ các ngành công nghiệp, đồng thời giải quyết được lao động tại chỗ, đóng góp không nhỏ từ nguồn thuế cho ngân sách nhà nước, tạo điều kiện tái đầu tư phát triển KT-XH trong tương lai. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh ngoại giao về kinh tế, tranh thủ sự hỗ trợ trong công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao từ các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,… để giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trả lời:

Một số chính sách hỗ trợ cụ thể để phát triển doanh nghiệp mà Chính phủ đã triển khai trong thời gian qua:

- Về hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ:

+ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) đã quy định hỗ trợ DNNVV tham gia chuỗi liên kết ngành, cụm giá trị là một trong ba nội dung hỗ trợ trọng tâm, theo đó các DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến được nhà nước hỗ trợ về: Đào tạo chuyên sâu về công nghệ, kỹ thuật sản xuất; Phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường; sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm…

+ Bên cạnh đó, Bộ Công Thương hiện đang tích cực là đầu mối triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017) với mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 65% nhu cầu sản xuất nội địa.

- Về chính sách đào tạo nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp: Trong năm 2019, chương trình hỗ trợ đào tạo DNNVV do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tập trung vào các vấn đề cụ thể sau:

+ Các Bộ (Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin Truyền thông, Khoa học Công nghệ và Giáo dục đào tạo) đã tập trung đào tạo các ngành/lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: công nghiệp dệt may, da giày, thời trang, công nghệ cao, điện tử, tin học, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí…

+ Ưu tiên đào tạo quản trị cho các DNNVV bám theo chuỗi cụm liên kết ngành, công nghiệp hỗ trợ.

+ Tổ chức đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp sản xuất, chế biến.

+ Tổ chức các khoá đào tạo quản trị kinh doanh chuyên sâu và đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp sản xuất, chế biến cho doanh nghiệp và có thể tổ chức đào tạo tại nước ngoài tuỳ thuộc vào định hướng hỗ trợ, nhu cầu của doanh nghiệp và cân đối ngân sách.

Trên đây là trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hải Phòng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác