Cử tri cho rằng việc ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển KT-XH trong toàn vùng, với tầm nhìn dài hạn, tăng cường kết nối, phát triển giữa các địa phương trong vùng, đảm bảo tính liên vùng, liên ngành có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối của Chính phủ. Sau 2 năm triển khai thực hiện Chính phủ đã quan tâm quy hoạch phát triển kinh tế toàn vùng; tái cơ cấu, đầu tư hạ tầng. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn quá khiêm tốn, chưa tương xứng mức tối thiểu để khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng. Cử tri bức xúc và tiếp tục kiến nghị Trung ương, Chính phủ đầu tư thỏa đáng hơn cho ĐBSCL, cụ thể:
- Sớm quy hoạch toàn diện ĐBSCL nhằm khai thác tối đa tiềm lực, tiềm năng đồng bằng sông Cửu Long. Liên kết với 13 tỉnh, thành phố lại với nhau để phát triển. Liên kết vùng ĐBSCL với thành phố Hồ Chí Minh và liên kết với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ để tạo động lực cùng phát triển.
- Để đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ cần có giải pháp phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đường bộ phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL.
- Đề nghị Trung ương, Chính phủ có giải pháp hiệu quả để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lũ lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển một cách chủ động, tăng chi ngân sách trên lĩnh vực này, đồng thời bố trí vốn xây dựng các khu tái định cư để bố trí các hộ dân trong vùng sạt lở bờ sông xây dựng nhà ở ổn định cuộc sống.
- Nghiên cứu cơ cấu kinh tế nông nghiệp vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển ổn định và bền vững.
Trả lời:
- Về quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL): Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 120/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện nay đã chọn tư vấn quốc tế liên danh của HaskoningDHV Nederland B.V & Tổ chức hợp tác phát triển Đức GIZ tổ chức lập quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 theo phương pháp tích hợp đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch. Quy hoạch vùng ĐBSCL mới sẽ tạo ra một khung chiến lược toàn diện cho vùng ĐBSCL, làm cơ sở để triển khai các chương trình, dự án đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng sản xuất cũng như việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Dự kiến quy hoạch sẽ hoàn thành trong Quý III/2020 theo đúng thời gian quy định tại Nghị quyết 120/NQ-CP.
- Về giải pháp phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông: tại Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đa mục tiêu, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó tận dụng lợi thế địa hình sông nước để phát huy lợi thế của vận tải thủy đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Trước mắt, Chính phủ đã thống nhất dành 2.186 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2018 và dự kiến 500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng chung ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và tổ chức nhiều cuộc họp để tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy để hoàn thành kỹ thuật cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ vào năm 2020 và thông xe toàn tuyến vào năm 2021.
- Về huy động nguồn lực đầu tư giai đoạn 2021-2025: tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐSBCL thích ứng với biến đổi khí hậu giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng khung và cơ chế tài chính thu hút nguồn lực cho vùng ĐSBCL; các địa phương ưu tiên bố trí ngân sách cho các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu tại địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ một phần phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách trung ương. Huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển bền vững ĐSBCL, tìm kiếm các cơ hội khai thác dòng vốn nước ngoài đầu tư cho ĐSBCL. Nghiên cứu đề xuất bổ sung 2 tỷ USD tăng thêm cho giai đoạn 2021 - 2025 để hoàn thiện các chương trình, dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo các nhiệm vụ tại Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP; phần còn lại ưu tiên dành cho đầu tư mới các dự án nội vùng, liên vùng trong lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, cấp nước, thủy lợi, thích ứng với biến đổi khí hậu... theo danh mục dự án cụ thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với Quy hoạch vùng ĐSBCL giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Về giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nghiên cứu cơ cấu kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu: tại Nghị quyết số 120/NQ - CP của Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững ĐSBCL thích ứng với biến đổi khí hậu gắn liền với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới để phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng ĐSBCL theo hướng bền vững, hiện đại, hiệu quả cao, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trên đây là trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang để trả lời cử tri./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư