Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định

Ngày 04/11/2019 - 16:08:00 | 208 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị số 1:

Cử tri đánh giá cao sự điều hành quyết liệt và sát sao của Chính phủ, sự chủ động, nỗ lực, phối hợp hiệu quả của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân về những kết quả đạt được của năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, cử tri kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ tiếp tục đưa ra được các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là có những giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, phát triển hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khơi dậy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, hợp tác xã kiểu mới trở thành những động lực quan trọng của nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho nông dân, ngư dân, doanh nghiệp; tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, tư pháp, quan tâm, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc trong xã hội.

Trả lời:

Phát huy các thành tích đã đạt được trong năm 2018, Chính phủ đã tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp về ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển sản xuất,.. tại các Nghị quyết và Chỉ thị sau: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/02/2019 về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2019 về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019; Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng. Tại báo cáo số 6290/BC-BKHĐT ngày 03/9/2019 về, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp và báo cáo Chính phủ về Tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó tiếp tục đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế như cử tri đã nêu, một số đề xuất cử tri đề cập như:

1. Những giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, công trình trọng điểm quốc gia, phát triến hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, vùng kinh tế trọng điểm.

Sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã tổ chức Sơ kết 05 năm thực hiện nhằm đánh giá tình hình và kết quả đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó làm rõ những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW. Kết quả Sơ kết đã được trình Bộ Chính trị.

Ngày 30/3/2019, Bộ Chính trị đã có ý kiến Kết luận về tình hình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW tại Thông báo số 53-TB/TW. Theo đó, Bộ Chính trị đã đánh giá: Kết cấu hạ tầng đã có những bước tiến rõ rệt, góp phần quan trọng thúc đấy kinh tế - xã hội nước ta phát triến, củng cố quốc phòng, an ninh. Nhiều dự án, công trình kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư, nhất là trong lĩnh vực giao thông đường bộ, hàng không, cấp điện, hạ tầng thông tin và truyền thông, một số công trình mới xây dựng đã tiếp cận được trình độ công nghệ tiên tiến của khu vực và thế giới. Bước đầu đã huy động được nguồn lực xã hội ngoài ngân sách nhà nước đế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Song việc phát triến kết cấu hạ tầng vẫn còn những hạn chế như:

- Một số văn bản quy phạm pháp luật còn ban hành chậm, thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn, chưa xử lý được những vấn đề bức xúc mà thực tiễn đặt ra, nhất là trong lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư, đấu thầu, huy động nguôn lực...

- Công tác quy hoạch còn thiếu tầm nhìn, thiếu tính đồng bộ, tính liên kết, chưa tuân theo nguyên tắc thị trường trong tố chức thực hiện..., dẫn đến việc phân bổ không gian kinh tế - xã hội chưa phát huy hết thế mạnh đặc trưng của vùng, tiểu vùng.

- Huy động và sử dụng nguồn lực mới chủ yếu tập trung vào nguồn lực công, vẫn còn tình trạng phân tán, dàn trải trong phân bổ ngân sách; luật pháp và chính sách thu hút những nguồn lực khác chưa đủ sức hấp dẫn, thiếu minh bạch, chứa đựng nhiều rủi ro; chưa có giải pháp thích hợp, hiệu quả để khai thác nguồn lực từ đất đai theo nguyên tắc của kinh tế thị trường.

- Việc chỉ đạo điều hành còn nhiều bất cập, chưa quyết liệt trong việc giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện dẫn đến một số công trình chậm tiến độ, kéo dài thời gian.

Bộ Chính trị cũng xác định phát triển đồng bộ và hiện đại kết cấu hạ tầng là nhiệm vụ lâu dài, cần phải có lộ trình phù hợp với sự phát triển chung của toàn nền kinh tế. Trong thời gian tới, tiếp tục xác định phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong những đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030, nhằm hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, khắc phục điểm nghẽn để phát triến kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

* Khắc phục những hạn chế, khó khăn trong phát triển kết cấu hạ tầng và thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 53-TB/TW, Chính phủ đã dự thảo Nghị quyết để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, trong đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:

(1). Khẩn trương xây dựng và hoàn thành các nhiệm vụ của các ngành và địa phương đã đuực phân công tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/6/2012 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13- NQ/TW. Các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, sớm hoàn thành các công trình dự án quan trọng quốc gia, các dự án có sức lan tỏa, tạo nền tảng tiếp cận, nắm bắt cơ hội Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hạ tầng kinh tế số.

(2). Tiếp tục hoàn thành nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Đầu tư theo hỉnh thức đối tác công - tư (PPP)...; Tập trung hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai... đảm bảo chất lượng, tiến độ trình Chính phủ, Quốc hội; Rà soát, hoàn thiện văn bản hướng dẫn các Luật liên quan.

(3). Thực hiện các giải pháp quyết liệt, đặc biệt các giải pháp về cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực nhằm tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước theo các mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW đề ra. Phát triển kết cấu hạ tầng gắn với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phộ với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đế phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư, đấu thầu, bảo đảm sự hài hoà lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng kết cấu hạ tầng. Thực hiện giải pháp công khai, minh bạch thông tin và xây dựng cơ chế giám sát để các tầng lớp nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương.

Tập trung huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước tham gia đầu tư phát trien kết cấu hạ tầng, đặc biệt là triển khai các biện pháp thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trên cơ sở bảo đảm hiệu quả đầu tư, cân bằng lợi ích của các chủ thế. Nguồn lực từ ngân sách nhà nước tập trung đầu tư các công trình, dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh hoặc các công trình, dự án không kêu gọi, thu hút được các nhà đầu tư... Đồng thời, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ tài sản công (theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) tạo vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

(4). Các ngành, lĩnh vực và các địa phương tập trung rà soát, xây dựng danh mục các công trình dự án kết cấu hạ tầng để tập trung ưu tiên đầu tư, bao gồm danh mục thu hút đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Tiếp tục tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng điếm, cấp bách và hoàn thành dút điếm các công trình, dự án dở dang.

(5). Nghiên cứu đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021-2030 theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW nhằm xác định những nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

(6). Căn cứ Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn được ban hành, tập trung lập quy hoạch các ngành, lĩnh vực kết cấu hạ tầng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đên năm 2045, đảm bảo cân đối nguồn lực, khả thi và hiệu quả công trình, dự án kết cấu hạ tầng.

2. Về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khơi dậy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

2.1 Về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Trong năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Đây là Nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa then chốt tác động đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế. Việc triển khai Nghị quyết trong thời gian qua đã tạo sự chuyển biến đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Ngoài ra, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, được giao tại Nghị quyết số 35/NQ-CP, Chỉ thị số 26/CT-TTg, Chỉ thị số 07/CT-TTg để đẩy mạnh hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020; Chị thị số 20/CT-TTg về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN.

Về triển khai Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV): Sau hơn 01 năm triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV một số địa phương đã rất chủ động xây dựng đề án, kế hoạch, chương trình hỗ trợ DNNVV. Tính đến ngày 15/08/2019, có 50 địa phương đã và đang xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án hỗ trợ DNNVV, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có nhiều địa phương đã chủ động bố trí ngân sách để triển khai các hoạt động hỗ trợ DNNVV trên địa bàn.

2.2 Về hỗ trợ khởi nghiệp:

Hiện nay, khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Luật Hỗ trợ DNNVV đã xác định hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo là một trong những đối tượng trọng tâm hỗ trợ trong thời gian tới. Các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật có liên quan đến khởi nghiệp đã được ban hành gồm: Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ DNNVV, Nghị định 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển DNNVV. Ở cấp địa phương, căn cứ Luật hỗ trợ DNNVV, nhiều địa phương đã xây dựng các Đề án hỗ trợ khởi nghiệp như Hà Nội, Hà Tĩnh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thừa Thiên-Huế...

Để hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và xây dựng Nghị định về cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia với mục tiêu Trung tâm là nơi kết nối, ươm tạo, phát triển những công nghệ, ý tưởng đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh cho Việt Nam.

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai có hiệu quả Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.

Các chương trình hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp đang được nhiều Bộ, địa phương tổ chức hỗ trợ, triển khai quyết liệt. Một số chương trình tiêu biểu như: Chương trình Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021 và Ngày hội thanh niên khởi nghiệp do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động, Chương trình tập huấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của tỉnh đoàn Vĩnh Phúc, Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Chương trình hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu... Mục tiêu của các chương trình này nhằm thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khơi gợi tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên, sinh viên; hỗ trợ huy động các nguồn lực giúp thanh niên khởi nghiệp thuận lợi.

Kiến nghị đoàn Hải phòng mục số 19: về chính sách hỗ trợ cụ thể để phát triển doanh nghiệp tư nhân, DNNVV sản xuất các mặt hàng phụ trợ, các linh kiện của ngành may mặc, giày da, ngành sản xuất xe máy, ô tô… và đề nghị Chính phủ đẩy mạnh ngoại giao về kinh tế để giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý và nguồn nhân lực chất lượng cao.

2.3. Về hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ:

Luật Hỗ trợ DNNVV đã quy định hỗ trợ DNNVV tham gia chuỗi liên kết ngành, cụm giá trị là một trong ba nội dung hỗ trợ trọng tâm, theo đó các DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến được nhà nước hỗ trợ về: Đào tạo chuyên sâu về công nghệ, kỹ thuật sản xuất; Phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường; sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm…

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương hiện đang tích cực là đầu mối triển khai chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại QĐ 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017) với mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 65% nhu cầu sản xuất nội địa.

2.4. Về chính sách đào tạo nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp:

Trong năm 2019, chương trình hỗ trợ đào tạo DNNVV do Bộ KH&ĐT chủ trì tập trung vào các vấn đề cụ thể sau:

Các Bộ (Bộ KH&ĐT, Công Thương, NN&PTNT, Thông tin Truyền thông, Khoa học Công nghệ và Giáo dục đào tạo) đã tập trung đào tạo các ngành/lĩnh vực ưu tiên bao gồm công nghiệp dệt may, da giày, thời trang, công nghệ cao, điện tử, tin học, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí…

Ưu tiên đào tạo quản trị cho các DNNVV bám theo chuỗi cụm liên kết ngành, công nghiệp hỗ trợ.

Tổ chức đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp sản xuất, chế biến.

Tổ chức các khoá đào tạo quản trị kinh doanh chuyên sâu và đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp sản xuất, chế biến cho doanh nghiệp và có thể tổ chức đào tạo tại nước ngoài tuỳ thuộc vào định hướng hỗ trợ, nhu cầu của doanh nghiệp và cân đối ngân sách.

3. Lĩnh vực hợp tác xã

Để hợp tác xã tiếp tục phát triển, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, trong 6 tháng cuối năm 2019, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau đây:

(1) Khẩn trương tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về kinh tế tập thể (theo Quyết định số 212/QĐ-TTg ngày 20/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ).

(2) Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phân công tại Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 về tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.

(3) Tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về hợp tác xã: Các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về hợp tác xã với nhiều hình thức phù hợp, nội dung đa dạng, để nâng cao nhận thức, vai trò, lợi ích thiết thực của hợp tác xã kiểu mới.

(4) Tập trung xây dựng một số mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thí điểm hoạt động hiệu quả, thu hút được số đông người dân tham gia theo cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có quy mô lớn, có sức lan tỏa tại các vùng, miền trên địa bàn cả nước; các hợp tác xã dịch vụ cộng đồng theo địa bàn xã thực hiện một số tiêu chí của nông thôn mới. Đẩy mạnh triển khai Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020.

 (5) Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể theo Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BKHĐT-BNV ngày 11/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nội vụ; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước các cấp về kinh tế tập thể, hợp tác xã để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hợp tác xã.

(6) Các địa phương tập trung rà soát tình hình hoạt động của các hợp tác xã, kiên quyết giải thể các hợp tác xã đã ngừng hoạt động lâu năm, tồn tại hình thức.

4. Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo có các giải pháp cụ thể:

4.1. Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ điện tử, liêm chính, hành động, phục vụ; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

4.2. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, chính sách tiền lương; đẩy mạnh cải cách quản lý biên chế và tinh giản biên chế; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ công chức, viên chức. Tiếp tục cải cách và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công. Thực hiện cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

4.3. Tiếp tục cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, kiểm soát chặt chẽ thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Chú trọng kiểm soát việc quy định các thủ tục hành chính mới. Đổi mới mạnh mẽ phương thức, lề lối làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, nhất là trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

4.4. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công và đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, thúc đẩy xử lý, hồ sơ công việc trên môi trường mạng hướng tới cơ quan nhà nước “không giấy tờ”, tăng cường kết nối, liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công các cấp kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia; tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ hành chính công của những đối tượng khó khăn đặc thù (tuổi cao, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, vùng xa).

4.5. Tăng cường hiện đại hóa nền tư pháp. Nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, thi hành án trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và đầu tư, bảo vệ người tiêu dùng.

4.6. Triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, chú trọng nâng cao vai trò của nhân dân, tổ chức chính trị, doanh nghiệp, báo chí trong phòng chống tham nhũng và hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 và các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là quy định về kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là chế độ tiếp công dân của thủ trưởng đơn vị; kịp thời giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài góp phần ổn định an ninh chính trị - xã hội, phục vụ đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nội dung kiến nghị số 2 :

Cử tri kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế và cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực quản lý; triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ, Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ. Chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng thể chế, chính sách; tiếp tục quyết liệt cắt giảm thực chất các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp, bảo đảm tiến độ đã đề ra, không để lợi ích nhóm chi phối; Tăng cường phối hợp, không để xảy ra tình trạng chồng lấn, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra; Cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.   

Trả lời:

1. Về đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh

1.1. Triển khai tích cực đề án cơ cấu lại các ngành công nghiệp; tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Thúc đẩy phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn tạo tác động lan tỏa cho toàn ngành công nghiệp, như công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử, công nghiệp sản xuất robot, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số, công nghiệp an toàn thông tin, công nghiệp dược phẩm, sản xuất chế phẩm sinh học, công nghiệp môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng mới, công nghiệp chế biến sâu đối với sản phẩm nông lâm, thủy sản và vật liệu mới đi đôi với áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu; cơ cấu lại các nguồn năng lượng, bảo đảm cho nhu cầu phát triển của đất nước trong dài hạn theo hướng bền vững và khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm. Triển khai thực hiện hiệu quả các đề án hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã phê duyệt trong một số ngành trọng điểm như: công nghiệp ô tô, điện tử, dệt may và da giày. Tăng cường kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp và các dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhằm khai thác hiệu quả quá trình hội nhập.

1.2. Thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ. Tiếp tục thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới theo 3 trục sản phẩm chủ lực (Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; Nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; Nhóm sản phẩm chủ lực địa phương, theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”); tổ chức lại sản xuất, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm; nhân rộng mô hình "Liên kết 4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu từng vùng, miền; sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa, để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân; tiếp tục hướng dẫn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và thu nhập cao hơn, trọng tâm là chuyển sang trồng rau đậu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản, cây công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm và gia súc lớn, tạo sản phẩm an toàn; gia tăng xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi có tiềm năng. Phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức hữu cơ truyền thống; tiếp tục mở rộng chăn nuôi áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP; khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng. Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững và Đề án cơ cấu lại lĩnh vực thủy sản; phát triển đồng bộ, toàn diện cả khai thác và nuôi trồng; nâng cao hiệu quả khai thác biển. Đồng thời, đáp ứng tiêu chuẩn, quy định của quốc tế về nuôi trồng và đánh bắt hải sản; tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo; nhất là việc hướng dẫn, quản lý việc đánh bắt hải sản theo đúng các quy định ở trong nước và phù hợp với quốc tế; thúc đẩy xuất khẩu thủy sản. Đa dạng hóa mô hình, chủng loại thủy sản nuôi trồng, tập trung vào loại có lợi thế xuất khẩu. Bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có, góp phần đáp ứng các yêu cầu về môi trường cho quá trình phát triển của đất nước, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thuỷ, điều hoà nguồn nước, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học. Nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng; đảm bảo cung cấp phần lớn gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất giấy. Tăng cường công tác phòng, chống cháy rừng, ngăn chặn xử lý hiệu quả vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, ưu tiên hỗ trợ vùng khó khăn, phấn đấu cả nước có tối thiểu 58% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

1.3. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, ưu tiên những ngành có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao. Nâng cao chất lượng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh. Tiếp tục thực hiện các chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

1.4. Tiếp tục triển khai tích cực các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực thiết kế, thi công xây lắp, quản trị, quản lý xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, từng bước mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam ở nước ngoài. Chú trọng đầu tư cải tạo, hiện đại hoá các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện có, loại bỏ dần công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu, không đáp ứng được các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường, đáp ứng nhu cầu trong nước về vật liệu xây dựng, tăng cường xuất khẩu các sản phẩm vật liệu xây dựng cao cấp, phát triển các vật liệu xây dựng mới.

1.5. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp lý về vùng; nghiên cứu hệ thống luật pháp quy định về chính quyền địa phương cần phù hợp để hoàn thiện thể chế vùng. Tăng cường hợp tác giữa các địa phương trong vùng để phát huy lợi thế cạnh tranh và khắc phục tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong phát triển. Nghiên cứu, ban hành quy chế phối hợp điều hành các vùng, liên vùng. Nâng cao chất lượng quy hoạch vùng theo hướng tích hợp, đa ngành và triển khai thực hiện hiệu quả. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng và liên kết vùng. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá. Nghiên cứu, xây dựng giải pháp phát huy vai trò các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh.

2. Về đề nghị Chính phủ chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng thể chế, chính sách; tiếp tục quyết liệt cắt giảm thực chất các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp, bảo đảm tiến độ đã đề ra, không để lợi ích nhóm chi phối; cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bình Định tại văn bản số 6163/BKHĐT-TH ngày 29/8/2019 về trả lời kiến nghị cử tri theo công văn số 6254/VPCP-QHĐP ngày 13/7/2019 do Văn phòng Chính phủ chuyển đến.

3. Về tăng cường phối hợp, không để xảy ra tình trạng chồng lấn, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra

Trong thời gian qua tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm toán.

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ và Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã và đang chỉ đạo các cơ quan thanh tra tăng cường kiểm tra, rà soát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời chồng chéo, trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung thanh tra.

Việc phối hợp xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư được thực hiện nghiêm túc, giao Thanh tra Bộ làm đầu mối, chủ trì xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương, Kiểm toán Nhà nước.

Việc xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2014/TT-TTCP ngày 23/4/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng thanh tra, kế hoạch thanh tra. Trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các Bộ, ngành: Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và PTNT... tổ chức họp để thống nhất các nội dung, đối tượng, phạm vi, thời gian thanh tra của từng đơn vị không để xảy ra chồng chéo.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch thanh tra, Thanh tra Bộ thường xuyên rà soát, kiểm tra, trường hợp phát hiện chồng chéo thì chủ động làm việc với cơ quan thanh tra, kiểm toán để thống nhất chỉ để một đơn vị triển khai. Trường hợp phát hiện Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, ngành khác, Kiểm toán Nhà nước đã thanh tra, kiểm toán thì điều chỉnh kế hoạch theo hướng không tiến hành cuộc thanh tra bị chồng chéo và sử dụng kết quả của cơ quan Thanh tra đã thanh tra, cơ quan Kiểm toán đã kiểm toán để làm căn cứ đánh giá việc tuân thủ chính sách, pháp luật của đối tượng thanh tra.

Nội dung kiến nghị số 3:

Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các luật, pháp lệnh mới có hiệu lực thi hành, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật liên quan đến quy hoạch...  

Trả lời:                                        

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch. Cùng với các Luật có liên quan đến quy hoạch (Luật số 28/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch và Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch) đã đảm bảo đầy đủ hệ thống quy định pháp luật để triển khai thực hiện quy hoạch theo quy định của Luât Quy hoạch.

Việc ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành các nội dung tại Luật số 28/2018/QH14; Luật số 35/2018/QH14 do các Bộ, ngành quản lý chuyên ngành nghiên cứu triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật hiên hành.

Trên đây là trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định để trả lời cử tri./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác