Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ

Ngày 04/11/2019 - 16:06:00 | 425 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị số 1:

Đề nghị Chính phủ xem xét cho các xã vùng CT 229 tiếp tục được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước như các xã vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Vì theo quy định tại khoản 3, Điều 16, Quyết định 2156/QĐ-TTg ngày 25/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ và tại khoản 1, điều 9, Thông tư liên tịch số 57/2013/TTLT-BQP-BKHĐT-BCA-BTC của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quy chế quản lý, bảo vệ và xây dựng các vùng CT 229 ban hành kèm theo Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 25/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định “Các xã thuộc vùng CT 229 được thụ hưởng các chương trình đầu tư và các chính sách ưu đãi của Nhà nước như đối với các xã vùng đặc biệt khó khăn...”

Trả lời:

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Vùng CT229 đã được chăm lo hỗ trợ các chính sách từ nguồn NSTW như Chính sách xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135) cho tất cả các xã CT229, Chính sách đầu tư phát triển KT-XH thông qua Chương trình mục tiêu quốc phòng an ninh trên địa bàn trọng điểm cho Bộ Quốc phòng và các địa phương trong đó có tỉnh Phú Thọ, Chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới và các chính sách đầu tư phát triển bằng nguồn NSĐP... Như vậy Nhà nước đã có chính sách đặc thù cho vùng CT229 và chính sách cho các xã CT229 (như vùng ĐBKK) thông qua CT135. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn nên các mục tiêu không thực hiện được như mong muốn nên đời sống nhân dân các xã vùng CT229 vẫn còn nhiều khó khăn. Đề nghị tỉnh Phú Thọ ưu tiên bố trí vốn đầu tư nguồn NSTW cho các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 và tăng cường NSĐP để sớm hoàn thành các dự án phát triển KT-XH nói chung và các dự án thuộc CT229, CT135 nói riêng nhằm tạo điều kiện phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh trong vùng CT229.

Nội dung kiến nghị số 2:

 Đề nghị có cơ chế bố trí kinh phí cho các công trình xây dựng chuyển tiếp, công trình còn nợ đọng tại các thôn, xã đã ra khỏi danh mục thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 nhằm đảm bảo đủ nguồn kinh phí thực hiện cho các công trình đã được phê duyệt đầu tư.

Trả lời:                                        

- Về cơ chế bố trí kinh phí cho các công trình xây dựng: Theo Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 về phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020, tại khoản a, mục 2, Điều 5 về nguyên tắc phân bổ vốn NSTW hỗ trợ thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững theo định mức cho các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Các địa phương phải bố trí vốn ngân sách địa phương và huy động hợp lý theo quy định của pháp luật nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện mục tiêu của Chương trình. Ngân sách Trung ương ưu tiên hỗ trợ cho địa phương tổng mức vốn theo các dự án của Chương trình, trong đó quy định cụ thể mức vốn của Chương trình 30a, Chương trình 135.

Theo quy định Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13, các dự án đầu tư hàng năm do UBND trình HĐND cùng cấp kế hoạch đầu tư công trung hạn, bao gồm danh mục chương trình, dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án theo từng nguồn vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Đối với các dự án thực hiện theo xã thuộc Chương trình 135 thì sử dụng một hoặc nhiều nguồn vốn khác nhau và NSNN luôn ưu tiên đảm bảo bố trí đủ theo mức hỗ trợ được Chính phủ quy định

- Về xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản: được tổng hợp và xử lý theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc Hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 “bố trí đủ vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; thu hồi các khoản ứng trước; không bố trí vốn ngân sách nhà nước để thanh toán các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh sau ngày 31/12/2014”. Như vậy, đối với các công trình nợ đọng xây dựng cơ bản cần phải có phương án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo từng nguồn vốn. Đồng thời, theo chỉ thị 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công “Không sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương để thanh toán các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn cân đối ngân sách địa phương và các dự án không có trong kế hoạch trung hạn”. Theo khoảng 2 Điều 106 Luật Đầu tư công thì không được phát sinh nợ sau 31/12/2014. Do đó, cử tri kiến nghị “có cơ chế bố trí kinh phí cho các công trình còn nợ đọng tại các thôn, xã đã ra khỏi danh mục thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 thì đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo rà soát làm rõ tổng số nợ và cơ cấu từng nguồn vốn để xác định trách nhiệm đối với từng nguồn vốn còn nợ để xử lý đúng quy định của pháp luật. Trường hợp thuộc trách nhiệm nợ của ngân sách nhà nước thì phải tổng hợp, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung kiến nghị số 3:

 Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành thông tư quy định định mức cho hoạt động quy hoạch để các tỉnh sớm triển khai các bước lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030.

Trả lời:

Theo nhiệm vụ được phân công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 08/2019/TT-BKHĐT ngày 17/5/2019 hướng dẫn về định mức cho hoạt động quy hoạch.

Như vậy, cho đến nay các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch đã được ban hành đầy đủ để các cấp, các ngành triển khai tổ chức lập các quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác