Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng

Ngày 26/02/2020 - 14:46:00 | 186 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị số 1

Cử tri phản ảnh, hiện nay việc giải ngân và thi công các công trình trọng điểm của quốc gia kéo dài, chậm tiến độ, đội vốn nhưng chưa có một chế tài cụ thể nào, chưa rõ trách nhiệm thuộc về ai? Đề nghị Chính phủ xem xét.

Trả lời:

Thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công các năm trong giai đoạn 2016-2019 thấp. Trong đó, tỷ lệ giải ngân thấp nhất trong những tháng đầu năm, tăng dần vào những tháng cuối năm. Một số dự án có kỹ thuật phức tạp (như dự án đường sắt đô thị), Việt Nam chưa có kinh nghiệm tính toán đơn giá, định mức, quy mô... chỉ dựa trên các dự án tương tự trong khu vực, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, thời gian thực hiện kéo dài. Một số dự án trái phiếu Chính phủ quy mô lớn như Dự án đường Cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án hạ tầng giao thông... chậm tiến độ.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, nhiều dự án ODA phải thực hiện đồng thời nhiều thủ tục điều chỉnh kế hoạch trung hạn, điều chỉnh hiệp định... nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, như: (i) Tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm, thì xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm còn do nguyên nhân cơ bản về tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên. Chi thường xuyên là để đảm bảo các hoạt động hằng tháng, nhu cầu chi tiêu và giải ngân cơ bản giống nhau giữa các tháng. Chi đầu tư đòi hỏi phải có một quá trình thực hiện và tích lũy giá trị khối lượng hoàn thành mới có thể thực hiện các thủ tục giải ngân vốn tại kho bạc, thậm chí có trường hợp hoàn thành toàn bộ gói thầu mới thực hiện thanh toán, đặc biệt là dự án mua sắm trang thiết bị; (ii) Niên độ ngân sách nhà nước là 01 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn. Sau khi được giao kế hoạch đầu năm, các cấp, các ngành mất nhiều tháng để triển khai kế hoạch hoạt động, kế hoạch đấu thầu, kế hoạch triển khai thực hiện, thi công để có khối lượng thực hiện tích lũy, kế hoạch đấu thầu được phê duyệt đầu năm thì phải đến giữa năm mới lựa chọn được nhà thầu và ký hợp đồng, việc tạm ứng vốn hợp đồng, hay giải ngân khối lượng thực hiện thường xảy ra vào thời điểm cuối năm;...

Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ thành lập các đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện dự án, tổ chức hội nghị giao ban Chính phủ trực tuyến...; tham Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, tập trung vào: (i) Rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công; (ii) Đổi mới công tác lập, theo dõi, đánh giá và thực hiện kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ giao kế hoạch vốn đầu tư công nhưng phải bảo đảm đúng quy định của Luật Đầu tư công; (iii) Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra và thực hiện kế hoạch.

Năm 2019, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 với nhiều quy định mới, nhất là tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong công tác giao kế hoạch. Những quy định này đã góp phần khắc phục những tồn tại kéo dài trước đây, đồng thời làm rõ trách nhiệm thẩm quyền của từng cấp, các bên liên quan đi kèm theo đó là chế tài để thực hiện. Năm 2020, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 giao một lần tổng số vốn kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và giao quyền chủ động phân khai kế hoạch vốn cụ thể cho từng dự án cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện theo quy định mới của Luật Đầu tư công (sửa đổi). Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chịu trách nhiệm triển khai, thực hiện theo đúng thẩm quyền.

 

Nội dung kiến nghị số 2

Cử tri kiến nghị khi sửa Luật Đầu tư (sửa đổi) nên bổ sung theo hướng cấm việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê vì dịch vụ này hiện nay rất nhiều biến tướng và hại nhiều hơn lợi. Đa số công ty đòi nợ thuê cấu kết với băng nhóm xã hội đen, thực hiện các hoạt động trấn áp tinh thần người dân, gây phức tạp về an ninh trật tự

Trả lời:

Tại dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) kèm theo Tờ trình số 530/TTr-CP ngày 27/10/2019 của Chính phủ đã bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư.       

Trên đây là trả lời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng để trả lời cử tri./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác