Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ

Ngày 30/12/2020 - 16:03:00 | 179 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

1. Nội dung kiến nghị 1 (số 43 tại văn bản số 9525/VPCP-QHĐP): Cử tri cho rằng, trước những diễn biến phức tạp, khủng hoảng kinh tế do dịch Covid-19 gây ra tác động tiêu cực ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của nhiều doanh nghiệp và người lao động. Nhờ các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, Việt Nam đã đẩy lùi được dịch bệnh và chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Bên cạnh những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để phát triển (trong đó, điển hình là lĩnh vực thu hút FDI và xuất khẩu hàng hoá). Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư lan rộng và việc Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) đã được Quốc hội thông qua sẽ tạo nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế cho Việt Nam tham gia các hiệp định có tác động tích cực tới lao động, trong đó những ngành sử dụng lao động như dệt may, da giày là những ngành dự báo sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Bên cạnh đó, tác động tích cực từ các Hiệp định này có thể tạo sức ép cải thiện thể chế, môi trường kinh doanh và nâng cao chất lượng nhân lực. Vì vậy đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, tạo cơ chế thuận lợi để đón, thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam, phát triển kinh tế của các địa phương.

Trả lời:

Việt Nam được xác định là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn khi nằm ở khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Đặc biệt, từ góc nhìn quốc tế, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá cao từ việc tích cực cải thiện môi trường đầu tư, hội nhập sâu thông qua việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt đã có biện pháp hiệu quả phòng, chống đại dịch Covid-9. Đây cũng là thời điểm thuận lợi cho Việt Nam để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài mới, nhằm đạt được các mục tiêu như nội địa hóa sản xuất, phát triển kinh tế tư nhân, phát triển doanh nghiệp trong nước, thực hiện nhanh 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và kết cấu hạ tầng, phát triển một số lĩnh vực sản xuất mới,... và là cơ hội để thu hút có chọn lọc dòng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) phù hợp với nhu cầu của Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị.

Để chuẩn bị thu hút dòng vốn ĐTNN trong bối cảnh dịch Covid-19, cũng như đón dòng vốn đầu tư từ các nước Châu Âu do Hiệp định EVFTA mang lại, Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành và địa phương nhiều nhiệm vụ tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW; Quyết định số 67/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Ảnh hưởng của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam”; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán NSNN năm 2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó có:

- Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu-phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

- Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

- Xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút; phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.

2. Nội dung kiến nghị 2 (số 43 tại văn bản số 95251/VPCP-QHĐP): Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét, để tiếp tục có chính sách đặc biệt là các cơ chế tài chính để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19 đang gặp khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, các lĩnh vực sản xuất lưu thông hàng hoá thiết yếu, các lĩnh vực ưu tiên; đồng thời, cử tri cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh như giảm lãi suất, hoãn nợ, giãn nợ… để giảm gánh nặng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trả lời:

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động… bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/04/2020 quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện việc hỗ trợ. Qua thực tiễn triển khai và để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP gia tăng nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ; đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg.

- Đối với hỗ trợ về vốn: Thủ tướng cũng ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

- Từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 03 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô tương đối lớn (ngày 17/3/2020, ngày 13/5/2020 và ngày 30/9/2020) với tổng mức giảm khoảng 1,5-2,0%/năm để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện hỗ trợ khách hàng giảm chi phí vốn vay, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân, NHNN cũng điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên[1] của TCTD đối với khách hàng với tổng mức giảm là 1,5%/năm (hiện mức là 5%/năm); giảm 0,85-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng. Việc điều chỉnh giảm mạnh trần lãi suất cho vay VND về mức 4,5%/năm đối với một số lĩnh vực ưu tiên, sát với lãi suất huy động ngắn hạn của TCTD thể hiện thông điệp mạnh mẽ của ngành ngân hàng trong việc tiếp tục giảm lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

NHNN đã ban hành cơ chế chính sách để các TCTD hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: Ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất cho các khách hàng bị sụt giảm doanh thu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và giao TCTD quy định cụ thể đối tượng, điều kiện khách hàng được hỗ trợ.

Hiện nay, NHNN đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN nhằm hỗ trợ khách hàng kịp thời và hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy sản xuất, phục hồi nền kinh tế sau dịch. Trong thời gian tới, NHNN sẽ (i) tập trung vốn tín dụng cho nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch và chỉ đạo các TCTD triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận, giảm lương để tạo điều kiện tích cực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn; (ii) điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; (iii) tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp và người dân, hỗ trợ khách hàng phục hồi sau thiên tai, dịch bệnh.

- Đối với hỗ trợ về thuế: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại lớn, gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, không có khả năng nộp thuế đúng hạn. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế bị thiệt hại bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra, góp phần giúp cho người nộp thuế ổn định sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thiết bị y tế phục vụ cho phòng chống dịch; xem xét, sửa đổi Nghị định số 122/2016/NĐ-CP, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP và Nghị định số 134/2016/NĐ-CP về thuế suất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông lâm thủy sản, cơ khí, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp ôtô,…

Tổng cục Thuế đã có công văn 897/TCT-QLN ngày 03/3/2020 về gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Theo đó, hộ cá nhân kinh doanh có doanh thu bị sụt giảm mạnh trên 50% do dịch Covid-19 sẽ được xác định lại mức thuế phải nộp. Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 14/2020/TT-BTC ngày 18/3/2020 điều chỉnh giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán; Thông tư số 33/2020/TT-BTC ngày 05/5/2020 quy định mức thu, nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, trong đó, điều chỉnh giảm 50% mức thu, nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng; Thông tư số 34/TT-BTC ngày 05/5/2020 về mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực xây dựng, trong đó, một số phí trong lĩnh vực này đều được giảm 50% so với quy định hiện hành; Thông tư số 35/TT-BTC ngày 05/5/2020 về mức thu, nộp phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, trong đó điều chỉnh giảm tới 50% mức một số loại phí so với quy định hiện hành;...

- Về giảm tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 22/2020/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ với đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang thuê đất phải ngừng sản suất kinh doanh từ 15 ngày trở lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (người thuê đất); mức giảm tiền thuê đất, giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020.

- Về tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn 1511/LĐTBXH-BHXH hướng dẫn việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.

- Về lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có công văn 245/TLĐ  ngày 18/3/2020 về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

- Về giảm chi phí đầu vào: Bộ Công Thương ban hành công văn 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16/4/2020 hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

- Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp tục được đẩy mạnh triển khai trên cả nước, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và đặc biệt là DNNVV. Đã có trên 50 địa phương ban hành đề án và bố trí ngân sách hỗ trợ DNNVV tại địa phương, tập trung vào việc hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị - nhóm doanh nghiệp mang lại nhiều giá trị gia tăng, và đóng góp cao cho nền kinh tế; hướng tới hình thành các chuỗi giá trị, các chuỗi cung ứng trọng điểm trên phạm vi cả nước, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa Việt.

+ Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV tiếp tục được triển khai với số kinh phí hỗ trợ từ NSTW là 45 tỷ ưu tiên hỗ trợ đào tạo kiến thức quản trị kinh doanh cho DNNVV trong đó tập trung vào các lớp quản trị chuyên sâu CEO, CFO…, đào tạo trực tiếp tại DN sản xuất, chế biến; đào tạo trực tuyến tại địa chỉ https://vietnamsme.gov.vn/he-thong-hoc-truc-tuyen/. Ngoài ra, các địa phương cũng chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương.

+ Hoạt động hỗ trợ tư vấn thông qua mạng lưới tư vấn viên cho DNNVV đang được triển khai. Hiện nay, một số Bộ (Công Thương, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư,…)  đã và đang hoàn thiện việc xây dựng, công khai Mạng lưới tư vấn viên của ngành để hỗ trợ DNNVV tiếp cận, sử dụng dịch vụ tư vấn.

 + Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định  phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025 để đẩy mạnh hỗ trợ DNNVV trong thời gian tới; tiếp tục nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ các chính sách, giải pháp hỗ trợ bổ sung cho các đội tượng gặp ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.

3. Nội dung kiến nghị 3 (số 43 tại văn bản số 95251/VPCP-QHĐP): Để tháo gỡ khó khăn, sớm đầu tư hoàn thành các dự án hạ tầng khu công nghiệp để thu hút đầu tư, tỉnh Phú Thọ kính đề nghị Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (Điều chỉnh địa điểm 02 Khu công nghiệp Tam Nông, Hạ Hòa sang vị trí mới để phát huy lợi thế của đường Hồ Chí Minh và cao tốc Nội Bài - Lào Cai).

Trả lời:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn số 4510/BKHĐT-QLKKT ngày 14/7/2020 trình Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh vị trí quy hoạch của 02 khu công nghiệp nói trên. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh vị trí quy hoạch của khu công nghiệp Hạ Hòa và khu công nghiệp Tam Nông, tỉnh Phú Thọ tại công văn số 992/TTg-CN ngày 27/7/2020.

4. Nội dung kiến nghị 4 (số 43 tại văn bản số 95251/VPCP-QHĐP): Cử tri đề nghị, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm, định hướng, giao tỉnh Phú Thọ một số nhiệm vụ chiến lược trong quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (định hướng phát triển công nghiệp xanh, trung tâm bảo quản, chế biến hàng nông sản của vùng Trung du miền núi phía Bắc,…).

Trả lời:

Để đáp ứng mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, thuận lợi cho các địa phương trong quá trình lập quy hoạch tỉnh, trong nội dung Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp triển khai lập đồng thời các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “… cơ quan tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia có văn bản thông tin đề xuất quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian trên địa bàn quốc gia, vùng, tỉnh, các hoạt động của ngành, gửi cơ quan trường trực của Hội đồng quy hoạch quốc gia trong Quý IV/2020, trình Hội đồng quy hoạch quốc gia chỉ đạo các địa phương lập quy hoạch vùng, tỉnh để đảm bảo xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất” (điểm c khoản 1 Mục II của Chỉ thị).

Trong quý IV/2020, sau khi nhận được thông tin từ các bộ, ngành được giao lập quy hoạch cấp quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp để báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các địa phương lập quy hoạch, trong đó có tỉnh Phú Thọ./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác