Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa

Ngày 30/12/2020 - 16:09:00 | 210 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

1. Nội dung kiến nghị 1 (số 45 tại văn bản số 9525/VPCP-QHĐP): Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14; Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua, đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định và các văn bản hướng dẫn để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành (ngày 01 tháng 01 năm 2021).

Trả lời: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng và trình Chính phủ:

(1) Dự thảo Nghị định quy định một số điều của Luật Doanh nghiệp năm 2020 trên cơ sở tích hợp nội dung của 03 dự thảo Nghị định (được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ tại Quyết định số 1109/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2020 về việc ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9), gồm: (i) Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp; (ii) Nghị định về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; (iii) Nghị định về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước và cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp nhà nước.

(2) Về việc ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ tại Tờ trình số 8122/TTr-BKHĐT ngày 07 tháng 12 năm 2020 về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư.

(3) Về việc ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP): Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ tại Tờ trình số 7906/TTr-BKHĐT ngày 30 tháng 11 năm 2020 về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

2. Nội dung kiến nghị 2 (số 45 tại văn bản số 95251/VPCP-QHĐP): Đề nghị Chính phủ có kế hoạch đầu tư, khơi thông cảng nước sâu Nghi Sơn, đầu tư Cảng hàng không Thọ Xuân trở thành Cảng hàng không Quốc tế theo Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị; đầu tư dự án nạo vét luồng vào cảng cá Lạch Bạng để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền vào tránh, trú và giao thương kinh tế; nâng cấp, sửa chữa tuyến đê sông Hoạt (đoạn qua xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn), sông Lèn (đoạn từ xã Đồng Lộc đến xã Quang Lộc của huyện Hậu Lộc); đê sông Chu đoạn từ thị trấn Vạn Hà đi xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa; đê sông Bưởi đoạn qua xã Thạch Định, huyện Thạch Thành.

Trả lời:

Trước mắt, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa căn cứ các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 quy định tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ để tổng hợp nhu cầu đầu tư các công trình vào kế hoạch trung hạn 2021-2025, đề xuất, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với một số dự án cụ thể như kiến nghị đã nêu:

(1) Dự án Đầu tư khơi thông cảng nước sâu Nghi Sơn: Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có Quyết định số 1937/QĐ-BGTVT ngày 14 tháng 10 năm 2019 giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án Hàng hải tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương các dự án Nhóm B dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, trong đó có dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Căn cứ kết quả nghiên cứu, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14, Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 và nguồn lực được Quốc hội, Chính phủ giao, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ GTVT báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

(2) Dự án Cảng hàng không Quốc tế Thọ Xuân: Theo điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2018, đến năm 2030, Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế. Bộ GTVT đã có Quyết định số 1136/QĐ-BGTVT ngày 12 tháng 6 năm 2020 phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Thọ Xuân thành cảng hàng không quốc tế.

Theo nội dung quy hoạch, giai đoạn đến năm 2030 sẽ thực hiện cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu T1 và xây mới nhà ga hành khách T2 (2 cao trình); tổng công suất thiết kế nhà ga hành khách đạt 5 triệu hành khách/năm. Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu khai thác cho giai đoạn đến năm 2025, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang triển khai dự án mở rộng sân đỗ máy bay, đảm bảo tiếp nhận được 07 vị trí đỗ máy bay code C và có khả năng tiếp nhận được máy bay code E, tương đương công suất 2,5 triệu hành khách/năm theo dự báo. Bộ GTVT sẽ phối hợp với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV nghiên cứu đầu tư theo quy hoạch được duyệt vào thời điểm thích hợp trên cơ sở nhu cầu thực tế của thị trường và khả năng cân đối nguồn lực.

(3) Dự án nạo vét luồng tàu vào cảng Nghi Sơn (đoạn từ phao số 0 đến đê Bắc): Hiện nay, Dự án đang được UBND tỉnh Thanh Hoá đề xuất sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Dự án đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm tra Đề xuất dự án trước khi triển khai các thủ tục tiếp theo.

(4) Dự án nạo vét luồng vào cảng cá Lạch Bạng

- Theo quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2015; trong đó cảng cá Lạch Bạng, tỉnh Thanh Hóa là cảng cá loại I và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2013.

- Theo quy định tại điểm d Khoản 2 Điều 2 Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa có trách nhiệm cân đối, bố trí kinh phí quản lý, duy tu các hạng mục công trình. Năm 2018, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động bố trí 10 tỷ đồng từ ngân sách địa phương thực hiện nạo vét cửa ra vào cảng cá Lạch Bạng.

- Để đảm bảo cho tàu ra vào cảng cá Lạch Bạng được an toàn, thuận lợi, đề nghị cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục cân đối, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương thực hiện duy tu, bảo trì các hạng mục công trình theo quy định tại Quyết định số 1976/QĐ-TTg nêu trên.

(5) Về đề nghị Chính phủ có kế hoạch đầu tư nâng cấp, sửa chữa tuyến đê sông Hoạt (đoạn qua xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn), sông Lèn (đoạn từ xã Đồng Lộc đến xã Quang Lộc của huyện Hậu Lộc); đê sông Chu (đoạn từ thị trấn Vạn Hà đi qua xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa); đê sông Bưởi (đoạn qua xã Thạch Định, huyện Thạch Thành)

Thanh Hóa là tỉnh có hệ thống sông lớn, trong những năm vừa qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rất quan tâm công tác đầu tư, xây dựng, nâng cấp các tuyến đê trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trước thiên tai bão lũ. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Thanh Hóa đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.303,1 tỷ đồng để thực hiện tu bổ, nâng cấp, duy tu, sửa chữa hệ thống đê. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên mới chỉ ưu tiên đầu tư cho các tuyến sông chính có đê từ cấp III đến cấp I, trong đó, tuyến đê sông Lèn đoạn từ xã Đồng Lộc đến xã Quang Lộc, huyện Hậu Lộc, dài 13,7 km đã được nâng cấp, sửa chữa 04 đoạn, dài 5,2 km; đê sông Chu từ thị trấn Vạn Hà đi xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa, dài 14,3 km, đã được nâng cấp, sửa chữa 11,3 km.

Đối với những vị trí còn lại thuộc các tuyến đê sông Lèn, sông Chu và các tuyến đê cấp IV (đê sông Hoạt, sông Bưởi), đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa rà soát bố trí kinh phí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của địa phương để thực hiện.

3. Nội dung kiến nghị 3 (số 45 tại văn bản số 95251/VPCP-QHĐP): Đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong điều kiện phải ứng phó dịch Covid-19.

Trả lời:

(1) Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu

- Nhằm ưu tiên phát triển thị trường trong nước, góp phần phục hồi nhanh và phát triển kinh tế xã hội giai đoạn sau dịch Covid-19, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các địa phương tổ chức các chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giúp doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bán lẻ ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trong những trường hợp hàng nông sản bị tắc biên, Bộ Công Thương đã làm việc với các doanh nghiệp bán lẻ lớn, đề nghị hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong hệ thống phân phối của họ. Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu đồng thời thúc đẩy tiêu thụ, góp phần cải thiện sức mua của thị trường nội địa, cụ thể: (i) Với vai trò là thường trực của Tổ Điều hành, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, Sở Công Thương các địa phương thường xuyên theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp lên Chính phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ cho các doanh nghiệp; (ii) Thực hiện các hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn ngành Công Thương trong khuôn khổ thực hiện dự án An toàn thực phẩm thuộc Chương trình Mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016-2020; (iii) Chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường. Thông qua chương trình này, các doanh nghiệp tăng cường mở rộng các điểm bán hàng bình ổn; có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá; tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về vùng nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa… để thu hút sức mua của người dân; (iv) Phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh năm 2020 (diễn ra từ ngày 01 tháng 7 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020); (v) Tổ chức, phối hợp với các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hoá tại thị trường nội địa thông qua các kênh thương mại điện tử. Phát động phong trào tiêu dùng hàng hoá, nông sản Việt qua thương mại điện tử trên “Gian hàng Việt” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt tiêu thụ hàng hóa.

- Về các biện pháp để kích cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường trong nước: Phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng, phát triển thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm và tổ chức “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020-Vietnam Grand Sale 2020”, thời gian thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến ngày 31 tháng 7 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc. Chương trình kết hợp những hoạt động thương mại truyền thống với thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực. Các địa phương qua đó có thể chủ động triển khai các hoạt động, sự kiện, lễ hội hưởng ứng tại địa phương, kết hợp với các hoạt động khuyến mại cụ thể đa dạng, hấp dẫn của doanh nghiệp để tạo ra sức hút lan tỏa, kích thích cung-cầu, góp phần phục hồi phát triển kinh tế, sản xuất, du lịch… đồng thời hướng tới nâng cao sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước về hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam.

Trong dài hạn, Chính phủ sẽ đẩy mạnh các chương trình đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, sẽ đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ thương mại, nâng cấp đường giao thông, phát triển hệ thống chợ; tăng cường các hoạt động phát triển, xúc tiến thương mại; hỗ trợ người dân phát triển kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, chủ lực tại địa phương.

- Về mở rộng và tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới, phù hợp và an toàn cho hàng hóa của nước ta: Ðể hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước khơi thông đầu ra cho hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp cấp bách trước mắt, đồng thời tính tới các giải pháp lâu dài hơn. Theo đó, tập trung cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa, tìm kiếm các thị trường thay thế phù hợp đối với các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam; ưu tiên lựa chọn trên các tiêu chí về nhu cầu thị trường, ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có cũng như khả năng đáp ứng của sản phẩm trong nước. Các hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã được giao nhiệm vụ rà soát, tìm hiểu thông tin về nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các thị trường; đồng thời, tiến hành kết nối thường xuyên với các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất lớn ở trong nước để nắm rõ nhu cầu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh cụ thể của các đơn vị và kết nối với các đối tác nước ngoài.

Đối với thị trường EU, tập trung hoàn tất các công việc, kế hoạch thực hiện để sẵn sàng đón đầu, triển khai có hiệu quả ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tận dụng tối đa hiệu quả EVFTA mang lại để thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường này; ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2020 quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để hàng hóa xuất khẩu đi EU được cấp giấy C/O ưu đãi ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Đối với thị trường Hoa Kỳ cần nghiên cứu kỹ nội dung gói cứu trợ kinh tế quy mô 2.000 tỷ USD đã được chính quyền nước này thông qua, nắm bắt các trọng tâm trong chính sách kích cầu tiêu dùng để có phương án tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu thích hợp; tiếp tục tập trung xử lý tốt các vấn đề trong quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai bên, nhất là các nội dung trong khuôn khổ Hội đồng thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA).

Bộ Công Thương đã chỉ đạo triển khai nhanh chóng các biện pháp nhằm thúc đẩy kinh tế số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trực tuyến qua các nền tảng số nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam với các nước trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều nước.

- Về công tác bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu: Chính phủ luôn theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả quốc tế và trong nước để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, thực phẩm…; chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương xây dựng các kịch bản cung ứng hàng hóa trong thời kì dịch bệnh và hướng dẫn các địa phương triển khai theo đúng các kịch bản đề ra. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị các doanh nghiệp phân phối lớn hỗ trợ trong việc đảm bảo nguồn cung trong hệ thống phân phối, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu.

- Ngành nông nghiệp cũng có lợi thế khi tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Việc Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) có hiệu lực là cơ hội lớn để gia tăng xuất khẩu các sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU và việc thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), mở ra cơ hội, triển vọng thị trường lớn cho hàng nông sản Việt Nam. Trước tình hình như trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp triển khai một số giải pháp trọng tâm như sau: (i) Thúc đẩy sản xuất: hướng dẫn các địa phương kịp thời điều chỉnh về thời vụ, cơ cấu giống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và các tiến bộ kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất; tiếp tục kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt để không tái nhiễm dịch; nhập khẩu thịt lợn với số lượng phù hợp, bảo đảm lợi ích người chăn nuôi và người tiêu dùng; tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp sâu sắc hơn, đặc biệt chú ý tăng cường năng lực chế biến, liên kết sản xuất hình thành vùng sản xuất tập trung từ nguyên liệu - chế biến - thị trường; (ii)    Phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông lâm thủy sản; tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA đưa lại để tăng cường xuất khẩu những nhóm hàng có lợi thế và phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, phối hợp khai thác tốt thị trường nội địa; kiểm soát chặt chẽ xuất nhập khẩu nông sản theo tiểu ngạch, nhất là các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc; (iii) Tăng cường các giải pháp phòng, chống thiên tai, đảm bảo hiệu quả giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho kinh tế, sản xuất, đời sống người dân.

Trong những tháng còn lại của năm 2020, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền các cấp theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế để có giải pháp ổn định thị trường phù hợp theo thẩm quyền, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, y tế, giáo dục, lương thực, thực phẩm, dịch vụ hàng không, vận tải, logistics, sách giáo khoa, dịch vụ giáo dục, y tế, vật liệu xây dựng,...

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các chính sách, giải pháp hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 như: (i) Chính sách tài khóa: hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, gia hạn thời hạn nộp thuế đất cho các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, phiếu chiết khấu, khuyến mại với dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống; (ii) Chính sách tiền tệ: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất vay vốn tạo việc làm; (iii) Chính sách khác: hỗ trợ đào tạo nghề lao động, điều chỉnh giảm giá điện cho các đối tượng sử dụng điện bị tác động bởi dịch Covid-19…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng với những chính sách tích cực và kịp thời nêu trên, khi đi vào cuộc sống sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo cú hích kích thích tăng trưởng kinh tế.

(2) Các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động… bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 quy định về điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện việc hỗ trợ. Qua thực tiễn triển khai và để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP gia tăng nhóm đối tượng được hưởng hỗ trợ. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19 tháng 10 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

- Đối với hỗ trợ về vốn: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm các khoản lãi vay. Đối với những khoản vay cũ, NHNN đã kêu gọi các TCTD thực hiện giảm lãi suất đối với các khoản dư nợ cũ và nhận được sự đồng tình của các tổ chức này. Cùng với đó, các ngân hàng cũng thực hiện giảm phí thanh toán, sẵn sàng nguồn vốn cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay mới nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế trở lại

- Đối với hỗ trợ về thuế: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại lớn, gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ, không có khả năng nộp thuế đúng hạn. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế bị thiệt hại bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra, góp phần giúp cho người nộp thuế ổn định sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; miễn thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thiết bị y tế phục vụ cho phòng chống dịch; xem xét, sửa đổi các Nghị định: số 122/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016, số 134/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 và số 125/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2017 về thuế suất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực da giày, dệt may, chế biến nông lâm thủy sản, cơ khí, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp ôtô,…

Tổng cục Thuế đã có công văn số 897/TCT-QLN ngày 03 tháng 3 năm 2020 về gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Theo đó, hộ cá nhân kinh doanh có doanh thu bị sụt giảm mạnh trên 50% do dịch Covid-19 sẽ được xác định lại mức thuế phải nộp. Bộ Tài chính ban hành các Thông tư: số 14/2020/TT-BTC ngày 18 tháng 3 năm 2020 điều chỉnh giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán; số 33/2020/TT-BTC ngày 05 tháng 5 năm 2020 quy định mức thu, nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, trong đó, điều chỉnh giảm 50% mức thu, nộp lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng; số 34/TT-BTC ngày 05 tháng 5 năm 2020 về mức thu, nộp phí, lệ phí trong lĩnh vực xây dựng, trong đó, một số phí trong lĩnh vực này đều được giảm 50% so với quy định hiện hành; số 35/TT-BTC ngày 05 tháng 5 năm 2020 về mức thu, nộp phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, trong đó điều chỉnh giảm tới 50% mức một số loại phí so với quy định hiện hành;...

- Về giảm tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2020 về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ với đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang thuê đất phải ngừng sản suất kinh doanh từ 15 ngày trở lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (người thuê đất); mức giảm tiền thuê đất, giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020.

- Về tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn số 1511/LĐTBXH-BHXH ngày 04 tháng 5 năm 2020  hướng dẫn việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

- Về lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn: Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có công văn số 245/TLĐ ngày 18 tháng 3 năm 2020 về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

- Về giảm chi phí đầu vào: Bộ Công Thương có công văn số 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16 tháng 4 năm 2020 hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

- Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp tục được đẩy mạnh triển khai trên cả nước, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và đặc biệt là DNNVV. Đã có trên 50 địa phương ban hành đề án và bố trí ngân sách hỗ trợ DNNVV tại địa phương, tập trung vào việc hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị - nhóm doanh nghiệp mang lại nhiều giá trị gia tăng và đóng góp cao cho nền kinh tế; hướng tới hình thành các chuỗi giá trị, các chuỗi cung ứng trọng điểm trên phạm vi cả nước, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa Việt.

+ Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho DNNVV tiếp tục được triển khai với số kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương là 45 tỷ đồng, ưu tiên hỗ trợ đào tạo kiến thức quản trị kinh doanh cho DNNVV, trong đó tập trung vào các lớp quản trị chuyên sâu CEO, CFO,… đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp sản xuất, chế biến; đào tạo trực tuyến tại địa chỉ https://vietnamsme.gov.vn/he-thong-hoc-truc-tuyen/. Ngoài ra, các địa phương cũng chủ động bố trí ngân sách địa phương để thực hiện đào tạo cho DNNVV của địa phương.

+ Hoạt động hỗ trợ tư vấn thông qua mạng lưới tư vấn viên cho DNNVV đang được triển khai. Hiện nay, một số Bộ (Công Thương, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư,…)  đã và đang hoàn thiện việc xây dựng, công khai Mạng lưới tư vấn viên của ngành để hỗ trợ DNNVV tiếp cận, sử dụng dịch vụ tư vấn.

+ Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025 để đẩy mạnh hỗ trợ DNNVV trong thời gian tới; tiếp tục nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ các chính sách, giải pháp hỗ trợ bổ sung cho các đội tượng gặp ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.

(3) Về các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong điều kiện phải ứng phó dịch Covid-19.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp:

- Quán triệt các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; có quyết tâm chính trị cao hơn nữa, coi nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2020 và những năm tiếp theo. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; các Thông báo của Văn phòng Chính phủ số 242/TB-VPCP ngày 18 tháng 7 năm 2020, số 310/TB-VPCP ngày 27 tháng 8 năm 2020 và số 385/TB-VPCP ngày 26 tháng 11 năm 2020 về đôn đốc triển khai công tác đầu tư công năm 2020.

 - Yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị: (i) Thường xuyên giao ban, kiểm tra, bám sát tiến độ thực hiện từng dự án của đơn vị mình; (ii) Rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp cụ thể để khắc phục, đẩy nhanh giải ngân vốn NSNN trong thời gian tới; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ giải ngân vốn NSNN; (iii)  Xử lý kịp thời cơ quan tổ chức, cá nhân gây cản trở, chậm trễ giải ngân vốn NSNN; (iv) Đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, giải ngân toàn bộ số vốn NSNN năm 2018, 2019 đã được kéo dài sang năm 2020. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân thì kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan; không xét thi đua khen thưởng, hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với người đứng đầu, chủ đầu tư và cá nhân liên quan.

- Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương rà soát, đôn đốc chủ đầu tư  phối hợp với Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước để giải quyết hồ sơ thanh toán, giải ngân đối với các khối lượng đã hoàn thành, nghiệm thu, không để dồn đến cuối năm.

- Thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, phối hợp chặt chẽ trong xử lý vướng mắc; nâng cao tính trách nhiệm của từng cơ quan trong bảo đảm thời hạn và chất lượng thẩm định, góp ý trong phê duyệt và điều chỉnh dự án theo quy định pháp luật.

4. Nội dung kiến nghị 4 (số 45 tại văn bản số 9525/VPCP-QHĐP): Đề nghị Chính phủ có chính sách đặc thù cho các xã có công trình quốc phòng đóng trên địa bàn trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, vì hiện nay các xã gặp nhiều khó khăn do yêu cầu đảm bảo bí mật, an toàn cho các công trình quốc phòng trên địa bàn.

Trả lời:

- Công trình quốc phòng được quy hoạch, bố trí xây dựng trên toàn quốc, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; do đó không thể quy định chính sách đặc thù riêng cho các địa phương có công trình quốc phòng đóng trên địa bàn. Đối với công trình CT229, Chính phủ đã có chính sách đặc thù riêng.

- Hiện nay, Nhà nước và Bộ Quốc phòng không quy định cấm việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là các địa phương có công trình quốc phòng đóng trên địa bàn toàn quốc nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

- Khi lập chủ trương các dự án thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là các địa phương có công trình quốc phòng đóng trên địa bàn tỉnh, đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo:

+ Thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 164/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, Nghị định số 04/CP ngày 16 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ ban hành Quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

+ Cơ quan quân sự và các cơ quan chức năng của địa phương tiếp tục thực hiện tốt các quy định tại Thông tư số 175/2013/TT-BQP ngày 05 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác