Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 11 năm 2021 dự ước đạt 1.621,2 tỷ đồng, tăng 3,95% so với tháng trước và tăng 7,16% so với cùng kỳ.
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Trong tháng 11, tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân tập trung thu hoạch lúa và cây màu vụ Mùa. Tiếp tục gieo trồng cây màu vụ Đông trên địa bàn toàn tỉnh. Công tác điều tra, dự báo sâu bệnh hại trên cây trồng được thực hiện thường xuyên, liên tục, các sinh vật gây hại không ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển cây trồng; đàn vật nuôi phát triển ổn định, người dân đang tích cực tổ chức tái đàn để phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm 2022; tình hình dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được khống chế. Công tác trồng rừng được đẩy mạnh nhằm hoàn thành kế hoạch được giao từ đầu năm.
1.1. Nông nghiệp
1.1.1 Trồng trọt
Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm vụ Mùa năm 2021 là 45.233,53 ha, giảm 0,46% so với cùng kỳ, diện tích giảm là do chuyển dịch cơ cấu cây trồng, một phần diện tích nương, bãi, ruộng được người dân chuyển sang trồng cây ăn quả hoặc cây lâm nghiệp.
- Cây lúa: Diện tích gieo trồng thực hiện được 32.237,7 ha, giảm 0,87% so với cùng kỳ. Diện tích giảm do người dân chuyển sang trồng cây khác có giá trị cao hơn như thạch đen, cây ăn quả; một số diện tích đầu vụ thời tiết nắng nóng, không chủ động được nguồn nước nên đã chuyển sang trồng cây màu khác. Trong quá trình sản xuất, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã hướng dẫn người dân làm đất, phòng trừ các loại sâu bệnh kịp thời nên không ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của lúa. Diện tích thu hoạch trong tháng ước đạt 21.438,65 ha, tăng 0,52% so với cùng kỳ. Năng suất lúa ước đạt 39,08 tạ/ha, giảm 0,1%, do cuối tháng 10 bị ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 8, một số diện tích lúa đang trong giai đoạn chắc xanh bị đổ rạp, ngập úng nên đã phần nào ảnh hưởng đến năng suất gieo trồng; sản lượng thu hoạch trong tháng đạt 83.783,24 tấn, tăng 0,41% so với cùng kỳ.
- Cây ngô: Diện tích thu hoạch trong tháng ước đạt 2.897,51 ha, tăng 0,03% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch trong tháng đạt 13.415,47 tấn không tăng so với cùng kỳ năm trước . Trồng ngô vụ Đông trong tháng ước thực hiện được 44,26 ha, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm trước. Phần diện tích đã thu hoạch người dân chủ động gieo trồng sớm để kịp thời vụ.
- Khoai lang: Diện tích thu hoạch trong tháng ước đạt 769,21 ha, giảm 7,26% so với cùng kỳ năm trước. Năng suất ước đạt 70,2 tạ/ha, tăng 2,56%, Sản lượng thu hoạch trong tháng đạt 5.399,85 tấn, giảm 4,89% so với cùng kỳ năm trước. Giảm do nhu cầu sử dụng khoai lang làm thức ăn chăn nuôi giảm, chủ yếu sử dụng cám chăn trực tiếp nên diện tích trồng giảm. Khoai lang vụ Đông trong tháng trồng được 41,84 ha, giảm 0,97% so với cùng kỳ năm trước
- Sắn: Sản lượng thu hoạch trong tháng ước đạt 3.817,26 tấn, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Giảm do sản phẩm không có thị trường tiêu thụ, diện tích sắn trồng lâu năm sẽ làm cho đất bạc màu và sản lượng sắn kém đi; giá trị của sắn không cao công thu hái mất nhiều thời gian, nên đã chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn như cây ăn quả hoặc cây lâm nghiệp.
- Đậu tương: Diện tích thu hoạch trong tháng ước 101,28 ha, giảm 7,51% so với cùng kỳ năm trước. năng suất ước 15,86 tạ/ha, tăng 0,08%, sản thu hoạch lượng đạt 160,63 tấn, giảm 7,43% so với cùng kỳ. Giảm do không có thị trường tiêu thụ, sản phẩm sản xuất chủ yếu là tự phục vụ cho nhu cầu gia đình.
- Rau các loại: Diện tích thu hoạch trong tháng ước 1.088,42 ha, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước., sản lượng trong tháng ước 1.380,53 tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Gieo trồng rau các loại vụ Đông trong tháng ước đạt 716,86 ha, tăng 1,94% so với cùng kỳ năm trước.
- Đậu các loại: Diện tích thu hoạch trong tháng ước đạt 87 ha, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch trong tháng đạt 1.090,22 tấn, tăng 1,122% so với cùng kỳ.
1.1.2 Chăn nuôi
- Tổng đàn trâu, bò: Ước tính số đầu con trâu hiện có 70.986 con, giảm 10,33%; số con xuất chuồng ước đạt 4.487 con, tăng 8,07% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng xuất chuồng ước đạt 1.076,88 tấn. Tổng đàn trâu giảm do sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất và thiếu nhân lực chăn thả.
- Số đầu con bò ước 33.595 con, tăng 0,03% so với cùng kỳ năm trước; số con xuất chuồng ước 459 con tương đương với sản lượng thịt hơi xuất chuồng 87,67 tấn, tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước, các hộ chăn nuôi có xu hướng nuôi nhốt chuồng vỗ béo để bán giết thịt. Trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi bò cái sinh sản, đáp ứng nhu cầu về con giống tại địa phương.
- Tổng đàn lợn: Số đầu con lợn trong tháng ước 118.241 con, tăng 7,18% so với cùng kỳ năm trước. Số lợn xuất chuồng trong tháng ước 20.985 con, tăng 9,65% so với cùng kỳ năm trước, tương đương sản lượng thịt hơi xuất chuồng 1.678,80 tấn. Tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi trên địa bàn tinh cơ bản đã được kiểm soát nên các hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi chủ động tái đàn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Tuy nhiên tốc độ tái đàn còn chậm, tổng đàn lợn toàn tỉnh vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn như thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh.
- Ước tính tổng đàn gia cầm: 5.113,26 nghìn con, giảm 3,95% so với cùng năm trước. Do đàn lợn cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của thị trường, nên nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm giảm. Hiện nay, chăn nuôi gia cầm quy mô lớn đang được đầu tư phát triển, áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm nguy cơ dịch bệnh. Các cơ sở có quy mô chăn nuôi lớn tập trung chủ yếu ở các huyện: Hữu Lũng, Bắc Sơn, Cao Lộc, Đình Lập. Sản lượng trứng gia cầm ước đạt 5.236,84 nghìn quả, tăng 1,64%.
Bệnh dịch tả lợn châu Phi: xảy ra tại 166 hộ của 51 thôn, 50 xã và 9 huyện. Đến nay còn 37 xã trên địa bàn tỉnh phát sinh dịch. Không có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, tuy nhiên cần đề phòng các mầm bệnh trên gia súc, gia cầm bùng phát mạnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: bệnh cúm gia cầm, bệnh dại, bệnh lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục gia súc và bệnh tai xanh ở lợn…
1.2. Lâm nghiệp
Trồng rừng tập trung: Trong tháng trồng được 254,48ha, tăng 0,88%, lũy kế từ đầu năm ước đạt 10.028,66ha, tăng 0,76% so với cùng kỳ năm trước. Trồng cây phân tán: Lũy kế từ đầu năm ước đạt 2.870,52ha, tương đương 4.741 nghìn cây, tăng 21,31% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích trồng cây phân tán tăng cao do có dự án cấp giống cây trồng nên bà con tận dụng những diện tích cây phân tán đã khai thác từ năm trước và những diện tích đất trống, rải rác để trồng cây các loại cây lâm nghiệp.
Khai thác gỗ các loại trong tháng ước 13.564,85 m3, tăng 17,98% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân sản lượng gỗ khai thác tăng do rừng trồng đã đến tuổi khai thác, các cá nhân và đơn vị chủ động khai thác để tái sản xuất rừng trồng mới. Củi các loại ước trong tháng khai thác được 112,35 nghìn ste, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
1.3. Thủy sản
Thời gian qua, nhân dân tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, tiếp tục đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là phát triển sản xuất các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao (cá rô phi, cá nước lạnh,...) và các loài cá bản địa, đặc hữu để phát huy tiềm năng lợi thế tự nhiên. Diện tích nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định, đối tượng nuôi trồng thủy sản phong phú, môi trường nuôi không bị ô nhiễm và không có dịch bệnh xảy ra.
2. Sản xuất công nghiệp
2.1. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2021
2.1.1. So với tháng trước
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 4,32% so với tháng trước: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 10,79%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,57%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 0,23%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 4,97%.
Khai thác than cứng và than non (sản phẩm than) tăng 4,56%; khai khoáng khác (sản phẩm đá xây dựng khác) tăng 17,23%.
Trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo: sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 3,43%; ngành sản xuất kim loại tăng 390% chủ yếu do Công Ty Cổ Phần Kim Loại Màu Bắc Bộ trở lại hoạt động bình thường sau thời gian tạm dừng sữa chữa nhà xưởng, máy móc. Ngoài ra, chế biến thực phẩm giảm 1,44% so với tháng trước, nguyên nhân giảm chủ yếu do sản phẩm chè của Công ty chè Thái Bình sang tháng 11 cuối vụ chè, chuẩn bị kết thúc vụ sản xuất năm 2021 nên sản xuất giảm so với tháng trước; một số ngành sản xuất sản phẩm khác phụ thuộc vào đơn hàng từ nước nhập khẩu giảm như sản xuất động cơ điện, thiết bị điện tử...
Ngành sản xuất và phân phối điện: cung ứng điện sản xuất và điện thương phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng điện của các cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó điện sản xuất dự ước tăng 0,24%, điện thương phẩm tăng 1% so với tháng trước.
Trong ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải: hoạt động khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 3,55%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 6,43% so với tháng trước.
2.1.2. So với cùng kỳ
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 so với cùng kỳ tăng 5,93%: ngành công nghiệp khai thác tăng 6,76%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,37%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tăng 3,37%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 7,77% so với cùng kỳ.
Trong ngành công nghiệp khai khoáng: sản phẩm than khai thác cung cấp hầu hết cho hoạt động sản xuất điện sản xuất của Công ty Nhiệt điện Na Dương, khi nhu cầu sử dụng điện tăng so với cùng kỳ (điện sản xuất tăng 4,60%) tương ứng sản phẩm than tăng 4,78% so với cùng kỳ; khai thác đá tăng 8,65% cung ứng nhu cầu thị trường cho hoạt động xây dựng.
Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: các sản phẩm công nghiệp chế biến có thế mạnh như chế biến lâm sản, sản xuất kim loại, khoáng phi kim loại đều tăng so với cùng kỳ. Một số sản phẩm sản xuất tăng so với tháng cùng kỳ như: gỗ dán tăng 24,5%; ván ép tăng 10,47%; khuôn đúc bằng kim loại màu tăng 1,63%, động cơ khởi động 2 tính năng tăng 16,67% so với tháng cùng kỳ; sản phẩm colophan (tăng 42,64%) và muối công nghiệp (tăng 47,5%) do nhu cầu nhập sản phẩm từ phía đối tác Trung Quốc tăng... Ngoài ra, một sản phẩm khác trong công nghiệp chế biến chế tạo có xu hướng giảm do phụ thuộc nhu cầu thị trường, số lượng đơn đặt hàng trong tháng: cửa ra vào bằng sắt, thép, nhôm, bật lửa gas, bút bi; riêng sản phẩm chè từ đầu năm tình hình tiêu thụ không khả quan, sản xuất giảm nhiều so với năm trước, cộng thêm tháng 11 đang trong giai đoạn cuối vụ chè, chuẩn bị kết thúc vụ sản xuất năm 2021 nên sản xuất so với tháng cùng kỳ năm ngoái chỉ bằng 85,71%. Sản phẩm rượu trắng giảm sâu so với cùng kỳ do nhu cầu tiêu thụ giảm, các doanh nghiệp không ký được đơn hàng.
Ngành công nghiệp điện, sự tăng giảm sản lượng phụ thuộc vào lệnh điều độ sản xuất của Tổng Công ty Điện lực. Sản lượng điện sản xuất tháng 11/2021 tăng 4,60%; điện thương phẩm giảm 5,58% so với cùng kỳ.
So với cùng kỳ năm trước, ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,25%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải tăng 10,33% chủ yếu do sản xuất tái chế vật liệu phi kim loại tăng so với cùng kỳ.
2.2. Chỉ số sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2021 so với cùng kỳ
Chỉ số sản xuất công nghiệp cộng dồn 11 tháng năm 2021 so với cùng kỳ tăng 5,59%: ngành công nghiệp khai thác tăng 3,54%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,92%; ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện giảm 0,33%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải tăng 6,15%.
Trong ngành công nghiệp khai thác, sản phẩm than giảm 0,43%; đá khai thác tăng 8,03%; riêng sản phẩm đá xây dựng do từ đầu năm các công trình dân dụng, đường giao thông đi vào sửa chữa làm mới trên nhiều tuyến do đó nhu cầu thị trường tăng so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,92%, có 18/20 ngành cấp 2 tăng trưởng so với cùng kỳ: sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 16,82%, từ đầu năm doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm và liên kết với các doanh nghiệp trong nước, hiện nay doanh nghiệp chủ yếu là hoạt động gia công cho các công ty khác ở trong nước; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng 16,89%, chủ yếu nhờ cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường từ hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do mang lại; sản xuất kim loại tăng 29,08%, chủ yếu do Công Ty Cổ Phần Kim Loại Màu Bắc Bộ chuyển đổi sản phẩm sản xuất từ sản phẩm bạc sang sản xuất sản phẩm chì thỏi là chủ yếu, cùng với đó công ty đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực sản xuất; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 40,19% (trong đó sản phẩm oxit molipden tăng 140,45% do Công ty Cổ phần Kim Đạt mở rộng sản xuất, ký kết đơn hàng tiêu thụ; sản phẩm colophan tăng 23,7% do sản lượng nhựa thông khai thác tăng, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp, bên cạnh đó doanh nghiệp chủ động ký kết đơn hàng xuất khẩu, ổn định sang Trung Quốc). Đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh là sản phẩm Xi măng Portland đen tăng 8,03%, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp của tỉnh và một số địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, nên nhu cầu về nguyên vật liệu xây dựng các công trình tăng, từ đầu năm 02 công ty sản xuất sản phẩm xi măng của tỉnh đều có đơn hàng tăng so với cùng kỳ.
Trong sản xuất và phân phối điện, sản lượng điện sản xuất giảm 1,14%; điện thương phẩm tăng 5,12% so với cùng kỳ.
Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải: sản phẩm nước uống được tăng 4,34%; dịch vụ thu gom rác thải không độc hại có thể tái chế tăng 7,87%.
2.3. Chỉ số sử dụng lao động
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 11/2021 so với tháng 10 ổn định trong tổng số lao động toàn ngành và có sự biến động nhẹ trong thành phần ngành cấp 1 và phân theo loại hình. Cụ thể: lao động tăng 1,23% trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tăng 0,49% trong ngành công nghiệp khai khoáng và giảm 0,33% trong ngành sản xuất, phân phối điện. So với tháng cùng kỳ, lao động toàn ngành công nghiệp giảm 2,89%; trong đó ngành khai khoáng chỉ số sử dụng lao động giảm 6,92%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,68%; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,54%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 4,49%. Bình quân 11 tháng năm 2021, chỉ số sử dụng lao động giảm 0,74% so với cùng kỳ năm trước.
Trong ngành công nghiệp, chia theo loại hình kinh doanh, riêng chỉ số lao động của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 11 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng cao (tăng 17,26%) chủ yếu do sự thay đổi lao động từ Công Ty Cổ Phần Kim Loại Màu Bắc Bộ.
3. Đầu tư, xây dựng
Nguồn vốn đầu tư trong tháng chủ yếu tập trung vào các dự án chuyển tiếp như: Đường Khe Cảy, Khe Phạ thuộc huyện Đình Lập; Đường đến trung tâm xã Tân Yên, huyện Tràng Định; Hợp phần bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án hồ chứa nước Bản Lải (huyện Lộc Bình); trụ sở làm việc công an tỉnh Lạng Sơn; đường giao thông Khu công nghiệp Đồng Bành (giai đoạn 1); Khu tái định cư và dân cư Nam thành phố Lạng Sơn; cải tạo nâng cấp tuyến Cao Lộc - Ba Sơn (ĐH.28) huyện Cao Lộc; …Vốn đầu tư ngân sách Nhà nước do Trung ương quản lý tiếp tục tập trung đầu tư vào những dự án trọng điểm quốc gia như: Cải tạo nâng cấp quốc lộ 4B (đoạn km3+700 đến km18); cải tạo, nâng cấp đường lên Khu du lịch Mẫu Sơn giai đoạn 2 (đoạn km6-km12) huyện Lộc Bình; đường giao thông Bản Ngõa - Xả Thướn - Bản Lầy - Bắc Lệ, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc; cầu Kỳ Cùng thành phố Lạng Sơn; đường phục vụ xuất nhập khẩu đấu nối Tân Thanh - Khả Phong (Trung Quốc)…
Đối với các dự án ODA: Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo quyết liệt đối với tiến độ thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương phối hợp chặt chẽ các bên để hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đấu thầu, giải phóng mặt bằng và thi công xây lắp, nhằm đảm bảo tỷ lệ giải ngân từ nay đến cuối năm đạt trên 50% kế hoạch; chỉ đạo các cơ quan thẩm định hỗ trợ chủ đầu tư, thực hiện rút ngắn thời gian thẩm định có thể nhưng vẫn đảm bảo chất lượng công tác thẩm định; cơ quan duyệt quyết toán đôn đốc hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện thủ tục hồ sơ quyết toán công trình; định kỳ hằng tháng Kho bạc Nhà nước tỉnh rà soát, đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ thanh toán vốn, thanh toán tạm ứng theo quy định. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng với trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc đảm bảo giải ngân kế hoạch vốn theo chỉ đạo của Trung ương đối với dự án có nội dung giải phóng mặt bằng. Cơ quan quản lý vốn đầu tư trực tiếp kiểm tra tiến độ định kỳ hằng tháng 02 lần dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Lạng Sơn; làm việc với các chủ đầu tư xem xét phương án triển khai thực hiện.
Dự ước vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh tháng 11/2021 thực hiện là 245.075 triệu đồng, đạt 8,42% so với kế hoạch năm 2021, giảm 37,89% so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 176.517 triệu đồng, giảm 31,76% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 68.558 triệu đồng, giảm 49,54% so với cùng kỳ.
Cộng dồn 11 tháng, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh năm 2021, thực hiện 2.543.848 triệu đồng, đạt 87,36% so với kế hoạch năm 2021, giảm 14,90% so với cùng kỳ. Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.668.788 triệu đồng, giảm 11,93% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 875.060 triệu đồng, giảm 20,04% so với cùng kỳ. Nguyên nhân làm giảm nguồn vốn đầu tư công so với cùng kỳ năm 2020 chủ yếu do kế hoạch đầu tư công năm 2021 theo Quyết định 2599/QĐ-UBND ngày 15/12/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 giảm và do nguồn vốn ODA năm 2021 chỉ giải ngân được 288,5/504,2 tỷ đồng, đề nghị điều chỉnh giảm 215,7 tỷ đồng.
* Tiến độ thực hiện một số dự án trên địa bàn tỉnh:
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 4B (đoạn km3+700-km18): Công trình có tổng mức đầu tư 988,2 tỷ đồng. Lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 11/2021 ước thực hiện được 313,0 tỷ đồng, đạt 31,67% kế hoạch.
Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn (4 hợp phần): Công trình có tổng mức đầu tư 1.377,6 tỷ đồng. Lũy kế vốn thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 11/2021 ước thực hiện được 364,3 tỷ đồng, đạt 26,44% kế hoạch.
Dự án Đường giao thông Bản Ngõa - Xả Thướn- Bản Lầy - Bắc Lệ, xã Xuất Lễ huyện Cao Lộc: Công trình với tổng mức đầu tư 119,9 tỷ đồng, lũy kế vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 11/2021 ước thực hiện được 113,4 tỷ đồng, đạt 94,57% kế hoạch.
Dự án đường đến trung tâm xã Tân Yên, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn: Công trình với tổng mức đầu tư 432,1 tỷ đồng, lũy kế vốn đầu tư thực hiện từ khi khởi công dự án đến tháng 11/2021 ước thực hiện được 349,6 tỷ đồng, đạt 80,91% kế hoạch.
4. Tài chính, ngân hàng
4.1. Tài chính[1]
- Về thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện tháng 11 năm 2021 là 860,7 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: Triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục và duy trì sản xuất, kinh doanh, Trung ương ban hành các văn bản gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất áp dụng trong năm 2021 nên nhiều doanh nghiệp được giãn, giảm thuế, tiếp tục ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong tháng 11, kết quả thu nội địa đạt 190,9 tỷ đồng giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2020; Tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì tại 4 cặp cửa khẩu (Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh và Ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng), hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước tiếp tục phục hồi, hàng nhập khẩu có xu hướng tăng dần để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước do đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 669,8 tỷ đồng tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 11 tháng năm 2021 là 9.858,8 triệu đồng, đạt 175% so với dự toán Trung ương giao, đạt 169% so với dự toán tỉnh giao, tăng 58,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: Mặc dù thu nội địa tháng 11 giảm so với cùng kỳ nhưng lũy kế thu nội địa 11 tháng 2.734,1 tỷ đồng, đạt 114,6% so với dự toán tỉnh giao, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2020 do hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định và tiếp tục duy trì, phục hồi; Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 7.120,2 tỷ đồng, đạt 206,4% so với dự toán giao, tăng 93,1% so với cùng kỳ năm 2020; Các khoản huy động, đóng góp 4,5 tỷ đồng, tăng 78,4% so với cùng kỳ năm 2020.
- Về chi ngân sách địa phương
Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện tháng 11 năm 2021 là 955 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 11 tháng đầu năm 2021 là 8.562,1 tỷ đồng, đạt 79,7% dự toán giao đầu năm, bằng 98,1% so với cùng kỳ năm 2020, Trong đó: Chi trong cân đối ngân sách địa phương là 7.377,1 tỷ đồng, đạt 83,1% dự toán giao đầu năm và tăng 1,8% so cùng kỳ năm 2020; Chi các chương trình mục tiêu và một số nhiệm vụ khác là 1.185 tỷ đồng đạt 63,6% dự toán, bằng 80% so với cùng kỳ năm 2020. Trong chi cân đối ngân sách địa phương: Chi đầu tư phát triển là 1.256 tỷ đồng, đạt 85,8% dự toán, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm 2020;Chi thường xuyên là 5.949 tỷ đồng, đạt 82,3% dự toán, bằng 95,8% so với cùng kỳ năm 2020.
4.2. Ngân hàng[2]
Chính sách điều hành tín dụng trên địa bàn được thực hiện theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế. Khả năng thanh khoản của các ngân hàng được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho nền kinh tế và chi trả cho khách hàng, góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ước thực hiện đến 30/11/2021: Tổng huy động vốn ước đạt 33.010 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ, tăng 5,7% so với 31/12/2020. Dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn ước đạt 35.950 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ, tăng 6,9% so với 31/12/2020.
5. Thương mại và dịch vụ
Tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát tại các địa phương trong cả nước, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra bình thường, song song với đó, công tác phòng, chống dịch được các cấp, các ngành triển khai thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và đề ra các biện pháp phù hợp, không để bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra. Tăng cường kiểm soát những nơi có nguy cơ xảy ra dịch như khu vực cửa khẩu, khu vực biên giới và các khu vực tiếp giáp với các tỉnh lân cận, địa phương có nhiều lao động từ các tỉnh khác trở về...Ngoài ra, các lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, đảm bảo các quy định trong phòng, chống dịch bệnh cũng như điều tiết, phân luồng phương tiện, tạo điều kiện đối với hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, quản lý chặt chẽ lái xe đường dài và người đi cùng phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu từ khi đi vào tỉnh đến các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đặc biệt là các khu lưu trú có lái xe đường dài trong thời gian chờ nhận xe tại cửa khẩu.
Tình hình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những biến chuyển tích cực các lĩnh vực, hoạt động thương mại, dịch vụ có mức tăng khá, hàng hoá giá cả ổn định đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu, thu ngân sách trên địa bàn tiếp tục tăng so với cùng kỳ, các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh - trật tự an toàn xã hội được tăng cường; duy trì môi trường ổn định.
5.1. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 11 năm 2021 dự ước đạt 1.621,2 tỷ đồng, tăng 3,95% so với tháng trước và tăng 7,16% so với cùng kỳ. Hầu hết các nhóm ngành hàng hoá đều tăng so với tháng trước:
+ Nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 875,4 tỷ đồng, tăng 2,96% so với tháng trước, tăng 13,22% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm của người dân tăng.
+ Nhóm hàng may mặc ước đạt 181,6 tỷ đồng, tăng 5,69% so với tháng trước, do thời tiết bắt đầu vào mùa lạnh nhu cầu mua sắm quần áo ấm và các đồ dùng phục vụ cá nhân như khăn quàng, bít tất, giầy dép….
+ Nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình ước đạt 170,6 tỷ đồng, tăng 7,76% so với tháng trước, tăng 17,08% so với cùng kỳ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh nhiều cửa hàng kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng đang có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu để kích cầu người tiêu dùng mua sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ cho mùa đông như điều hoà, bình nóng lạnh, lò sưởi, lò vi sóng, bếp từ và các đồ dùng trang thiết bị gia đình…
+ Gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 129,3 tỷ đồng, tăng 3,92% so với tháng trước, do vào những tháng cuối năm hầu hết các công trình xây dựng đang khẩn trương hoàn thiện để bàn giao do đó các mặt hàng thuộc nhóm vật liệu xây dựng tăng.
+ Nhóm ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) ước đạt 1,5 tỷ, tăng 4,93% so với tháng trước do nhu cầu mua sắm phương tiện phục vụ đi lại tăng cao.
+ Phương tiện đi lại trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) ước đạt 34,3 tỷ đồng, tăng 5,94% so với tháng trước, tăng 17,91% so với cùng kỳ tăng ở mặt hàng xe đạp điện, xe máy điện là chủ yếu, các mặt hàng này hiện nay rất thông dụng phổ biến.
+ Xăng, dầu, các loại ước đạt 65,9 tỷ đồng, tăng 8,66% so với tháng trước do nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu phục vụ cho vận tải cũng như các phương tiện khác tăng.
+ Đá quý, kim loại quý ước đạt 19,7 tỷ đồng, tăng 6,75% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng, trao đổi, mua bán của khách hàng và trong các dịp lễ để làm quà tặng...
+ Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác ước đạt 44,8 tỷ đồng, tăng 1,82% so với tháng trước và giảm 2,81% so với cùng kỳ năm trước.
Dự ước tổng mức bán lẻ 11 tháng năm 2021 đạt 17.359,3 tỷ đồng, tăng 11,75% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các nhóm ngành trong 11tháng năm đều tăng so với cùng kỳ ,trong đó có 02/12 nhóm hàng giảm nhẹ các nhóm hàng còn lại ổn định, không có hiện tượng khan hiếm hàng hoá, tăng đột biến về giá.
5.2. Dịch vụ
5.2.1. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành
Các tuor du lịch nước ngoài hiện nay vẫn chưa hoạt động trở lại do ảnh hưởng của dịch bệnh. Chủ yếu là du lịch nội tỉnh và khách hội thảo, hội nghị…Doanh thu du lịch lữ hành tháng 11/2021 ước đạt 0,8 tỷ đồng, tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 81,53% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính doanh thu lưu trú, ăn uống tháng 11/2021 ước đạt 174,1 tỷ đồng, tăng 8,39% so với tháng trước và tăng 14,89% so với cùng kỳ năm trước.
Dự tính doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 11 tháng năm 2021 đạt 1.544,6 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,9%. Doanh thu lữ hành dự ước 11 tháng đạt 8,4 tỷ đồng, giảm 1,46% so với cùng kỳ năm trước.
5.2.2. Doanh thu dịch vụ khác
Hoạt động các ngành dịch vụ tháng 11/2021 tăng so với tháng trước và so cùng kỳ năm trước; một số ngành dịch vụ phục vụ nhu cầu cá nhân đã ổn định và hoạt động trở lại bình thường. Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 11 năm 2021 ước đạt 38,3 tỷ đồng, tăng 6,38% so với tháng trước và tăng 0,79% so cùng kỳ năm trước. Dự ước doanh thu dịch vụ trong 11 tháng năm 2021 đạt 412,8 tỷ đồng, tăng 7,51% so với cùng kỳ năm trước.
5.3. Vận tải
Nhằm khôi phục hoạt động vận tải hành khách thận trọng, an toàn, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1322/CĐ-TTg, ngày 10/10/2021 về tổ chức hoạt động vận tải hành khách bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Bên cạnh đó, trong năm có nhiều đợt điều chỉnh giá xăng, dầu yếu tố này có tác động đến giá cước vận tải. Dự ước doanh thu từ hoạt động vận tải trong những tháng cuối năm đạt được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Cụ thể:
Dự ước doanh thu toàn ngành tháng 11/2021 đạt 170,5 tỷ đồng, tăng 6,27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu vận tải hành khách ước đạt 21 tỷ đồng, tăng 10,69%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 110,1 tỷ đồng, tăng 11,89%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ ước đạt 39,1 tỷ đồng giảm 8,47%; hoạt động chuyển phát ước đạt 0,3 tỷ đồng, giảm 13,68% so với cùng kỳ năm trước.
Dự ước 11 tháng năm 2021, doanh thu ngành vận tải của cả tỉnh ước đạt 1.508,9 tỷ đồng, tăng 8,55% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu vận tải hành khách đạt 169,8 tỷ đồng, giảm 15,03%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 5.137 nghìn khách tăng 6,05%; khối lượng luân chuyển đạt 228.933nghìn HK.Km, giảm 10,13%. Doanh thu vận tải hàng hóa đạt 912,7 tỷ đồng, tăng 8,96%, khối lượng hàng hóa vận chuyển đạt 4.458 nghìn tấn, tăng 17,45%; khối lượng hàng hóa luân chuyển đạt 517.786 nghìn tấn.km, tăng 10,65%. Hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 423,26 tỷ đồng, tăng 21,02%, để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nhu cầu lưu bãi tăng, các kho bãi đã khai thác tối đa công suất đáp ứng nhu cầu lưu giữ hàng hóa; hoạt động chuyển phát đạt 3,2 tỷ đồng, tăng 11%.
6. Chỉ số giá
6.1. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung toàn tỉnh tháng 11/2021 giảm 0,4% so với tháng trước, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước , cụ thể:
Trong 11 nhóm mặt hàng chính, có 5 nhóm hàng tăng, 5 nhóm hàng giảm và 1 nhóm hàng không thay đổi so với tháng trước.
* Nhóm hàng hóa có chỉ số giá tăng so với tháng trước, gồm:
- May mặc, mũ nón và giầy dép tăng 0,23%:Chỉ số giá tăng chủ yếu ở các mặt hàng: quần áo ấm, găng tay, bít tất, thắt lưng, mũ nón, áo mưa... Do trong tháng có đợt không khí lạnh và mưa nhiều, nhu cầu mua sắm phục vụ tiêu dùng cá nhân tăng.
- Nhóm giao thông tăng 3,44%:Do ảnh hưởng củachỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 8,66% so với tháng trước: trong kỳ có điều chỉnh tăng giá xăng vào 15 giờ 00 ngày 10/11, trong đó, giá xăng A95 III là 25.257đ/lít (tăng 2.274đ/lít); giá dầu Diezen là 19.080đ/lít (tăng 1.538đ/lít). Theo Bộ Công thương, giá xăng dầu thành phẩm thế giới trong tháng tăng do kinh tế các nước trên thế giới đang dần hồi phục, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đang khôi phục trở lại. Nhằm hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng, dầu nên liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ bình ổn giá ở mức độ cao. Dự kiến giá xăng, dầu sẽ điều chỉnh lần 2 vào ngày 26/11.Các mặt hàng còn lại của nhóm có chỉ số giá ổn định.
- Nhóm giáo dục tăng 0,26%: Chỉ số giá nhóm này tăng chủ yếu ở mặt hàng văn phòng phẩm như giấy, vở, bút viết do nhu cầu tiêu dùng của học sinh cũng như các cơ quan công sở tăng so với tháng trước.
* Nhóm hàng hóa chủ yếu có chỉ số giá giảm so với tháng trước
- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,97%:
+ Giảm chủ yếu ở những mặt hàng thực phẩm, so với tháng trước giảm 1,59%. Trong đó, giá thịt gia súc tươi sống giảm 8,79%, riêng giá thịt lợn giảm 10,42% do nguồn cung dồi dào, giá bán lẻ trên thị trường bình quân dao động ở mức từ 78.000đ/kg – 130.000đ/kg (giảm từ 7.000đ/kg – 12.000đ/kg so với tháng trước); giá thịt lợn giảm kéo theo giá thịt chế biến và giá dầu mỡ giảm. Bên cạnh đó, cũng có một số nhóm hàng thực phẩm khác giá tăng hơn so với tháng trước, cụ thể: Giá thịt gia cầm tươi sống tăng 0,48% do nhu cầu tiêu dùng tăng; giá rau tươi tăng 12,1%, chủ yếu tăng ở các mặt hàng trái vụ thu hoạch như bắp cải, su hào, cà chua .... các mặt hàng này chủ yếu được nhập từ các địa phương khác, giá tăng do chi phí vận chuyển tăng.
+ Nhóm lương thực tăng 0,83%: Chỉ số giá nhóm lương thực tăng chủ yếu ở mặt hàng gạo (tăng 0,82%) giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tích lũy của người dân lo lắng dịch bệnh Covid-19 kéo dài, mặt hàng khoai (tăng 4,58%) do lượng hàng hóa hiện tại từ cuối vụ Xuân không còn dồi dào như các tháng trước nên giá ở các mặt hàng này tăng.
+ Ăn uống ngoài gia đình tăng 0,31%: Trong tháng, nhu cầu ăn uống ngoài gia đình tăng do có ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và nhu cầu người dân tổ chức đám cưới vào thời điểm cuối năm tăng.
- Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,16%:Chỉ số giá biến động chủ yếu ở một số mặt hàng: Giá điện sinh hoạt giảm 2,6%, giá nước sinh hoạt giảm 0,1% so với tháng trước, do thời tiết chuyển mùa nên nhu cầu sử dụng điện của người dân giảm. Giá dầu hỏa tăng 7,29%, do trong kỳ liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giá vào ngày 10/11 theo diễn biến giá dầu của thế giới. Giá gas tăng 4,39% so với tháng trước, nguyên nhân giá gas thế giới tăng do nhu cầu sử dụng gas, khí đốt để sưởi ấm của các quốc gia châu Âu vào chu kỳ cuối năm tăng cao. Các mặt hàng khác trong nhóm giá ổn định.
- Nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,12%: Chỉ số giá nhóm này giảm chủ yếu ở mặt hàng rượu, bia (giảm 0,24%), nhu cầu tiêu dùng rượu, bia của người dân giảm.
* Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 năm 2021 so với cùng kỳ năm trước
CPI chung toàn tỉnh tháng 11/2021 giảm 0,28% so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng của một số nhóm hàng sau: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 7,97%; Nhóm may mặc, mũ nón giày dép giảm 0,1%; Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,03%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,7 %.
6.2. Bình quân 11 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước
CPI chung bình quân 11 tháng năm 2021 giảm 0,35% so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng của một số nhóm hàng sau: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 5,17%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,06%; Nhóm may mặc, mũ nón giày dép giảm 0,33%; Nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,05%; Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,83%.
6.3. Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ
- Chỉ số giá vàng: Trong tháng 11, giá vàng thế giới biến động mạnh hơn các tháng trước, thị trường vàng trong nước giao dịch điều chỉnh giá tăng, giảm theo giá thị trường thế giới. Giá vàng trong nước so với tháng trước tăng 2,7%, so với cùng kỳ năm trước tăng 0,19%, so với năm gốc năm 2019 tăng 35,38%. Bình quân 11 tháng năm 2021 tăng 7,76% so với cùng kỳ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ: So với tháng trước giảm 0,21%, so với cùng kỳ năm trước giảm 0,24%, so với năm gốc năm 2019 giảm 0,13%. Bình quân 11 tháng năm 2021 tăng 0,69% so với cùng kỳ.
7. Một số tình hình xã hội
7.1. Giải quyết việc làm và Bảo hiểm xã hội[3]
Tổng số người được tuyên truyền chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tư vấn việc làm, bảo hiểm thất nghiệp: 2.451 lượt người, lũy kế từ đầu năm 18.442 lượt người. số lao động đăng ký tìm việc làm là: 614 lượt người; Số người được giới thiệu việc làm: 468 lượt; Số người nhận được việc làm: 94 người.
Thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 5.057 người có công và thân nhân với kinh phí 9.597 triệu đồng . Lũy kế chi trả trợ cấp:..... 44.396 lượt người có công, kinh phí: 84.158 triệu đồng. Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân; người hoạt động kháng chiến là 133 hồ sơ; Lũy kế tiếp nhận và giải quyết hồ sơ người có công với cách mạng và thân nhân 1.493 hồ sơ. Đã thực hiện hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở người có công được 453/587 hộ đạt 77,2% kế hoạch.
Lũy kế đến ngày 11/11/2021 toàn tỉnh đã phê duyệt chi trả hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là 66.105 triệu đồng. Trong đó:
- Hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg: 43.911 triệu đồng: Giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 1.168 đơn vị với 16.389 người lao động, số tiền giảm đóng là 2.599 triệu đồng; Chi trả trực tiếp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 41.3112 triệu đồng với 16.938 người lao động.
- Hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg: 22.194 triệu đồng: Chi trả trực tiếp cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là 15.681 triệu đồng; Hỗ trợ tạm dừng đóng, điều chỉnh giảm mức đóng bảo hiểm từ Bảo hiểm xã hội tỉnh và cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất từ chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh là 6.513 triệu đồng, trong đó: giải quyết hỗ trợ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 04 đơn vị với 204 lao động; giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 2.017 đơn vị với 35.237 người lao động; giải ngân cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 39 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp để trả lương cho 1.563 lượt người lao động.
7.2. Hoạt động y tế và sức khỏe cộng đồng[4]
7.2.1. Công tác y tế dự phòng
Công tác phòng chống dich Covid-19 tính đến 15h00 ngày 24/11/2021:
- Trong tháng 11 phát hiện 209 F0, lũy tích toàn tỉnh đến nay có 425 F0; 6.385 F1. Tổng số F0 đang điều trị tại tỉnh: 71ca (TTYT huyện Hữu Lũng: 23 ca; TTYT huyện Chi Lăng: 37 ca; Phòng khám đa khoa khu vực Đồng Đăng: 07 ca; tại TTYT Văn Quan: 02 ca; tại TTYT Đình Lập: 02 ca). Tình hình điều trị ổn định. Tiên lượng: Tốt (67 ca); Trung bình (04 ca).
- Tổng số đang điều trị tại tỉnh 151 ca (TTTYT huyện Hữu Lũng: 33 ca, TTYT huyện Chi Lăng: 31 ca, Phòng khám đa khoa khu vực Đồng Đăng: 42 ca, TTYT Đình Lập: 04 ca, TTYT Văn Lãng: 30 ca; Trạm y tế lưu động Dragon: 04 ca, TTYT Lộc Bình: 01 ca, TTYT Bình Gia: 02 ca, Bệnh viện Đa khoa: 01 ca, TTYT Bắc Sơn: 01 ca, TTYT Tràng Định: 02 ca). Tình hình điều trị ổn định. Tiên lượng: Tốt (145 ca); Trung bình (06 ca).
- Tình hình cách ly: Duy trì khu cách ly tập trung của tỉnh do quân đội quản lý. Hiện tại có 153 người đang cách ly (lũy kế 19.091 người đã hoàn thành cách ly). Duy trì 01 khách sạn cách ly người nước ngoài nhập cảnh: Hiện có 09 chuyên gia Trung Quốc đang cách ly tại khách sạn (lũy kế 13.560 người đã hoàn thành cách ly).
- Tình hình tiêm chủng: Lũy kế tính đến ngày 24/11/2021, toàn tỉnh đã tổ chức tiêm được 997.835 liều đạt 97,73% liều đã tiếp nhận. Tỷ lệ đã tiêm ít nhất 1 mũi/dân số (>= 18 tuổi) đạt 95%; Tỷ lệ đã tiêm đủ 2 mũi/dân số (>= 18 tuổi) đạt 80,77%, trong đó tỷ lệ người trên 65 tuổi được đủ 2 mũi vắc xin (91,39%). Tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 12-17 tuổi được 51.021 liều.
Đánh giá cấp độ dịch của tỉnh Lạng Sơn theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế: 196/200 xã, phường, thị trấn: Cấp 1 “Vùng xanh”; 03/200 xã (xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng; xã Bắc xa, huyện Đình Lập; thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc): Cấp 2 “Vùng vàng”; 01/200 xã (xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng): Cấp 3 “Vùng cam”; 11/11 huyện, thành phố: Cấp 1. Quy mô tỉnh: Cấp 1.
* Công tác phòng, chống dịch bệnh khác
Công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác tiếp tục được kiểm soát; không để dịch lớn xảy ra. Trong tháng có 02 bệnh có số mắc tăng[5] và 09 bệnh có số mắc giảm hoặc tương đương so với cùng kỳ[6]. Các ca bệnh có số mắc tăng đều phân bố rải rác, không có yếu tố dịch tễ gây dịch hay ổ dịch.
7.2.2. Công tác khám chữa bệnh
Các đơn vị khám, chữa bệnh tổ chức trực 04 cấp, đảm bảo trực 24/24 giờ; đảm bảo cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hoá chất, hậu cần, bố trí đủ cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng đảm bảo các điều kiện để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19.
Kết quả khám và chữa bệnh công lập cả 3 tuyến trong tháng 11: Khám được 120.312 lượt; điều trị nội trú bệnh viện và lưu trú tại trạm y tế xã cho 10.323 lượt; điều trị ngoại trú cho 11.600 lượt. Cộng dồn 11 tháng: Khám được 1.188.645 lượt. Khám chữa bệnh ngoài công lập: Trong tháng khám được 15.760 lượt, trong đó số khám bảo hiểm y tế 10.976 lượt; Chuyển viện 598 lượt; Tổng số khám sức khỏe 1302 lượt. Cộng dồn 11 tháng khám được 197.055 lượt.
7.3. Hoạt động văn hoá, thể thao và du lịch[7]
Trong tháng, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh Lạng Sơn và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất, tại Lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn.
Tổ chức Lễ tôn vinh Danh hiệu “Công dân Lạng Sơn ưu tú” lần thứ Nhất; tổng kết phong trào thi đua đặc biệt và trao giải các cuộc thi chào mừng Kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh Lạng Sơn.
Tổ chức giải Bóng chuyền hơi Người cao tuổi tỉnh Lạng Sơn năm 2021. Tổ chức môn Bơi, Bóng bàn trong khuôn khổ Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) cấp tỉnh, giải Bóng chuyền hơi tỉnh Lạng Sơn năm 2021. Tổ chức Đại hội TDTT các cấp trên địa bàn tỉnh, hiện có 111/200 (55,5%) xã đã tổ chức Đại hội TDTT. Đối với hoạn động thư viện, đã tiếp nhận và xử lý nghiệp vụ sách từ các nguồn, gồm nguồn sách luân chuyển được 186 tên sách, 1116 bản sách. Nguồn biếu tặng được 48 tên sách,105 bản sách. Xử lý nghiệp vụ sách từ các nguồn bổ sung, biếu tặng, sách ngoại văn, báo tạp chí; số hóa tài liệu được 400 trang; phục vụ bạn đọc tại chỗ 2.500 lượt, luân chuyển 7.500 lượt sách; luân chuyển 45 điểm kho lưu động phục vụ 8.100 lượt độc giả, với 12.350 lượt sách, báo luân chuyển.
Hoạt động chiếu phim phục vụ tại cơ sở đạt 146 buổi chiếu, đạt 1.022 lượt tuyên truyền đến 28 lượt xã, 146 lượt thôn, phục vụ trên 12.655 lượt người. Rạp chiếu phim Đông Kinh được mở cửa trở lại, thực hiện nghiêm túc “thông điệp 5k” trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong tháng 11/2021, Rạp đã thực hiện chiếu 8 phim, với 20 suất chiếu. Tiếp tục duy trì mở cửa nhà trưng bày, phòng triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng tỉnh và đón tiếp 2.733 lượt khách tham quan.
Dự ước tổng lượng khách tháng 11/2021 đạt 116.532 lượt khách trong nước. Doanh thu ước đạt 81,2 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng năm 2021 đạt 1.210.940 lượt khách, giảm 6% so với cùng kỳ, đạt 36,92% so với kế hoạch năm 2021. Trong đó: Khách quốc tế đạt 12.285 lượt khách, giảm 95% so với cùng kỳ, đạt 3% so với kế hoạch năm 2021. Khách trong nước đạt 1.198.617 lượt khách, giảm 2% so với cùng kỳ, đạt 43% so với kế hoạch năm2021. Doanh thu ước đạt 698 tỷ đồng,tăng 33% so với cùng kỳ, đạt 37% so với kế hoạch năm 2021.
7.4. Giáo dục
Đối với lĩnh vực giáo dục, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 các cấp học; bồi dưỡng công tác tổ chức các kỳ thi và triển khai phần mềm tổ chức thi Học sinh giỏi. Triển khai tổ chức Seminar về các thiết kế bài giảng mẫu theo chủ đề giáo dục STEM cấp tiểu học, tổ chức thực nghiệm dạy học, hoạt động trải nghiệm STEM.
Hiện nay, các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đã thực hiện công tác giảng dạy, học tập trong điều kiện bình thường mới; đảm bảo an toàn, thiết thực trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Riêng tại xã Chi Lăng của huyện Chi Lăng, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong tháng 11, do đó tất cả các trường trên địa bàn thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, xã Chi Lăng đã chuyển sang hình thức học trực tuyến để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Đến ngày 22/11, các trường trở lại dạy và học bình thường.
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng các phương án, kịch bản để dạy và học trực tiếp kết hợp với trực tuyến; xác định trọng tâm, nội dung, kiến thức cốt lõi trong tổ chức dạy và học; xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch môn học trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài. Theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên nhất là những người đã tiếp xúc gần hoặc qua người trung gian với những bệnh nhân đã nhiễm Covid-19; với người đang bị cách ly, theo dõi y tế.
7.5. Trật tự - An toàn giao thông[8]
Tháng 11 năm 2021, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông đường bộ; làm 8 người chết, 8 người bị thương. Cộng dồn 11 tháng toàn tỉnh xảy ra 43 vụ tai nạn giao thông làm 39 người chết, 17 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước tăng 01 vụ (+2,38%), giảm 03 người chết (-7,14), tăng 02 người bị thương (+13,33%). Nguyên nhân tai nạn chủ yếu là do phóng nhanh vượt ẩu của người điều khiển phương tiện đã không làm chủ được tốc độ.
7.6. Môi trường
Trong tháng 11, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không có vụ vi phạm môi trường được phát hiện, vì vậy không có vụ vi phạm cần phải xử lý và tiến hành xử phạt. Lũy kế từ đầu năm đã có 04 vụ vi phạm môi trường được phát hiện, tiến hành xử lý 04 vụ và xử phạt với tổng số tiền là 280 triệu đồng, trong đó: 02 vụ vi phạm môi trường của 02 cá nhân tại thành phố Lạng Sơn về việc vận chuyển và tập kết đất không đúng địa điểm, tiến hành xử phạt mỗi cá nhân 10 triệu đồng; 01 vụ vi phạm môi trường của 01 doanh nghiệp về khai thác khoáng sản vượt công suất được cấp phép, xử phạt 200 triệu đồng; 01 vụ vi phạm môi trường của 01 doanh nghiệp về thực hiện quan trắc không đầy đủ tấn suất theo báo cáo tác động môi trường được duyệt, xử phạt 60 triệu đồng. So với tháng 11 năm 2020 cũng không có vụ vi phạm môi trường được phát hiện; so với lũy kế cùng kỳ năm 2020 giảm 04 vụ tương ứng 50%, số tiền xử phạt tăng 47 triệu, tăng 120%.
7.7. Thiệt hại do thiên tai
Trong tháng 11, do ảnh hưởng của cơn bảo số 7 gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, cụ thể: diện tích lúa mùa thiệt hại 523,35ha, trong đó thiệt hại hoàn toàn (trên 70%) là 230,10 ha, thiệt hại nặng từ 30% - 50% là 293,2 ha; ước tổng giá trị thiệt hại là 6.678 triệu đồng. Lũy kế giá trị thiệt hại từ đầu năm là 11.869,5 triệu đồng. Tháng 10 năm 2021 không xảy ra thiên tai; so với tháng 11 năm 2020 diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại tăng 327,15ha (tăng 346,13%), giá trị thiệt hại tăng 6.166 triệu đồng (tăng 1.304,3%). Thiên tai xảy ra chủ yếu trên địa bàn tỉnh là do rét đậm, rét hại dẫn đến làm chết gia súc; giông lốc, mưa đá, sét đánh làm chết gia súc, dập nát hoa màu, đổ gập, ngập úng lúa, sạt lở đường.
[1] Nguồn: Sở Tài chính
[2] Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn
[3] Nguồn: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh.
[4] Nguồn: Sở Y tế.
[5] Viêm gan virut khác 03 (tăng 02 ca); Bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona 10 ca (tăng 10 ca ).
[6] Sốt xuất huyết 0 ca (giảm 03 ca); Tay chân miệng 01 ca (giảm 10 ca); Bệnh do virut Adeno 09 ca (giảm 07 ca); Cúm 426 ca (giảm 636 ca); Lỵ Amip 02 ca (giảm 03 ca); Lỵ trực trùng 04 ca (giảm 03 ca); Quai bị 04 ca (giảm 07 ca); Thủy đậu 06 ca (giảm 25 ca); Tiêu chảy 182 ca (giảm 75 ca).
[7] Nguồn: Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh.
[8] Nguồn: Ban An toàn giao thông tỉnh.
Cục Thống kê tỉnh Lạng Sơn