Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Tháp

Ngày 19/11/2021 - 14:00:00 | 222 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị (số 12 tại văn bản số 6884/ VPCP-QHĐP):

Cử tri kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; triển khai nhanh, hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ để doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã sớm khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh; khoanh nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản.

Trả lời:

1. Các chính sách đã được ban hành nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19:

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020 đến nay, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành kịp thời nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Với vai trò là thành viên Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng các Nghị định của Chính phủ số: 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020, 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021, 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021; các Nghị quyết của Chính phủ số: 42/NQ-CP ngày 09/4/2020, 84/NQ-CP ngày 29/5/2020, 154/NQ-CP ngày 19/10/2020, 63/NQ-CP ngày 29/6/2021, 68/NQ-CP ngày 06/5/2021, 105/NQ-CP ngày 09/09/2021, 126/NQ-CP ngày 08/10/2021, 128/NQ-CP ngày 11/10/2021.

Cụ thể là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Nghị quyết số Nghị quyết gồm 59 nhiệm vụ, giải pháp chia thành 04 nhóm chính: (1) Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; (2) Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; (3) Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; (4) Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia . Nhìn chung, các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP đã được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao và kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt . Hiện nay, các giải pháp, nhiệm vụ đã và đang được các bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai thực hiện và cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ được giao.

Hiện nay, các bộ ngành và địa phương đang tích cực triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ và đã đạt được một số kết quả như sau:

- Thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; giảm 30% thuế TNDN năm 2020 cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhỏ và vừa. Đồng thời, tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ 3 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các chính sách liên quan đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; miễn tiền chậm nộp. Bên cạnh đó, chính sách giảm tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng cũng đang được xem xét. Ước tính các chính sách giãn, hoãn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí có tổng giá trị luỹ kế đến nay lên tới hơn 130 nghìn tỷ đồng.

- Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT NHNN). Theo đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, giúp khách hàng được cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền mà không bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.

- Giảm lãi suất cho vay: Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính, tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới; 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam; 04 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành thêm 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách. Lũy kế số tiền lãi miễn, giảm, hạ cho khách hàng đến nay là gần 27.000 tỷ đồng.

- Chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 154/NQ-CP (quy mô tối đa 16.000 tỷ đồng); Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 126/NQ-CP (quy mô tối đa 7.500 tỷ đồng), lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm.

- Thực hiện giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho khách hàng sử dụng điện khoảng 650 tỷ, ước tính tổng giá trị 05 đợt hỗ trợ giảm giá điện là khoảng 16.950 tỷ đồng.

- Triển khai Gói hỗ trợ các dịch vụ viễn thông được áp dụng trong 3 tháng kể từ tháng 8/2021, ước tính sơ bộ kinh phí đã hỗ trợ tính đến nay đã thực hiện khoảng 4 nghìn tỷ đồng.

- Triển khai gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP bao gồm 12 chính sách hỗ trợ đã được ban hành với tổng mức hỗ trợ khoảng 26 nghìn tỷ đồng. Ngày 24/9/2021, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành và tổ chức triển khai gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến 38 nghìn tỷ đồng cho khoảng 12,8 triệu lao động và 380 nghìn đơn vị được thực hiện giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang triển khai nhiều chính sách, giải pháp khác nhằm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp như giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, giảm thời gian hoàn trả tiền ký quỹ du lịch, giảm giá dịch vụ hạ, cất cánh đối với chuyến bay nội địa; kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng phù hợp với diễn biến dịch COVID-19 với điều kiện đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm; hướng dẫn tạo điều kiện trong việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới; hướng dẫn đảm bảo hoạt động thông quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Đặc biệt, Chính phủ đã nhanh chóng thiết lập kênh thông tin để doanh nghiệp phản ánh khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, các Tổ công tác đặc biệt Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và Tổ công tác về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư cũng đang được triển khai tích cực nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Đây là các Tổ công tác đặc biệt, liên ngành do 01 Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ phó Thường trực.

Đường dây nóng và email điện tử của các Tổ công tác đã được công bố trên website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hàng tuần, nhóm giúp việc của Tổ công tác đặc biệt Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 họp thảo luận, xem xét giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp. Đồng thời, hiện nay, các địa phương cũng đang tích cực thiết lập đầu mối phối hợp chặt chẽ với các Tổ công tác để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trên địa bàn quản lý.

* Về hỗ trợ tiêu thụ nông sản:

+ Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ban hành Công văn số 5747/NHNN-TD ngày 10/8/2021 yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn và mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để doanh nghiệp có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo, góp phần giảm thiểu tình trạng ách tắc trong lưu thông, tồn ứ thóc gạo hiện nay tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

+ Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BGTVT ngày 21/9/2021 về việc tăng cường công tác vận tải hỗ trợ tiêu thụ nông sản và các sản phẩm nông nghiệp trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19, Công điện số 18/CĐ-BGTVT ngày 24/9/2021 về việc kiểm tra, xử lý vướng mắc trong tổ chức giao thông nhằm tạo thuận lợi cho công tác vận chuyển hàng hóa, nhu cầu đi lại của người dân thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 trong giai đoạn mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

+ Bộ Công Thương: thường xuyên, tổng hợp và cập nhật tình hình sản xuất, nhu cầu tiêu dùng nông sản từ các địa phương, nhất là các địa phương đang phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 và 16. Tổ chức đoàn làm việc của Lãnh đạo Bộ (của 2 Bộ Nông nghiệp và Công Thương) với một số địa phương trọng điểm để kịp thời chỉ đạo và thống nhất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, HTX, Hộ; tạo điều kiện sớm phục hồi sản xuất và chuyển hướng sản xuất kinh doanh theo phương thức mới.

2. Một số giải pháp trong thời gian tới:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP, 125/NQ-CP, 128/NQ-CP và các chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của nhà nước và doanh nghiệp.

Để chuẩn bị cho hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế ngay sau khi khống chế, kiểm soát được dịch COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội để vừa đảm bảo nhanh chóng đưa hoạt động kinh tế của cả nước trở lại trạng thái bình thường vừa tận dụng cơ hội để phát triển nhanh và bền vững./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác