Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lai Châu

Ngày 09/02/2021 - 13:42:00 | 182 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

1. Nội dung kiến nghị: Đề nghị quan tâm, ưu tiên bố trí vốn đầu tư công (nguồn vốn nằm ngoài định mức kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn nguồn vốn NSTW mà địa phương được phân bổ) để tỉnh thực hiện đầu tư dự án: Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu để giảm bớt khó khăn về giao thông, tạo động lực để thúc đẩy Lai Châu phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch,... Vì Lai Châu kết nối với tỉnh Lào Cai, thành phố Hà Nội và các tỉnh thông qua tuyến đường Quốc lộ 4D, với địa hình đồi núi, độ dốc lớn và nhiều khúc cua, đặc biệt tuyến đường đi qua đỉnh đèo Hoàng Liên/Ô Quý Hồ là điểm nghẽn lớn về giao thông.

Trả lời:

Hiện nay, căn cứ Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (số 135/2020/QH14 ngày 17 tháng 01 năm 2020); nhu cầu, đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và các quy định pháp luật liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng phương án phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2022 trình Thủ tướng Chính phủ để sớm thông báo dự kiến tổng mức vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14, vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 sẽ dành một phần để phân bổ cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án cụ thể bao gồm: chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhiệm vụ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, nghĩa vụ thanh toán của ngân sách trung ương, các chính sách khác sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là rất lớn, vượt khả năng cân đối nguồn vốn trong giai đoạn 2021-2025. Để đảm bảo sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đầu tư tập trung, tránh dàn trải, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025,... tại Báo cáo số 533/BC-CP ngày 17 tháng 10 năm 2020 về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội sử dụng ngân sách trung ương hỗ trợ mỗi địa phương đầu tư hoàn thành 01 dự án khởi công mới trọng điểm, có tính kết nối, tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp theo hướng dự kiến hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương cho mỗi địa phương đầu tư 01 dự án khởi công mới phù hợp với định hướng nêu trên. Đề nghị tỉnh Lai Châu rà soát, đề xuất dự án phù hợp. Ngoài ra, đối với các nhiệm vụ cần thiết khác, đề nghị tỉnh căn cứ khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, chủ động rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên bố trí vốn thực hiện theo quy định.

2. Nội dung kiến nghị: Đề nghị xem xét, sớm giao tổng mức vốn hỗ trợ trung hạn và hằng năm cho địa phương để hỗ trợ sau đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, trong giai đoạn 2021-2025 các dự án chưa được đăng ký sẽ khó xác định nhu cầu vốn, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Trả lời:

Đối với việc xác định nhu cầu vốn để thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tại khoản 1 Điều 14 của Nghị định quy định "Ngân sách trung ương dành khoản ngân sách tương đương tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hàng năm cho ngành nông nghiệp; ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách địa phương hàng năm cho ngành nông nghiệp để thực hiện. Ngoài ra, các bộ ngành và địa phương được sử dụng nguồn vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội và các quỹ hợp pháp để thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này". Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có hướng dẫn thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP tại Thông tư số 04/2018/NĐ-CP.

Về vốn từ ngân sách trung ương để thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP trong giai đoạn 2021-2025, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp, rà soát nhu cầu của địa phương để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. Trường hợp được cấp thẩm quyền cho phép và có nguồn vốn bố trí thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP giai đoạn 2021-2025 sẽ sớm thông báo cho các địa phương được biết và triển khai.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác