Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn

Ngày 30/12/2021 - 12:25:00 | 134 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

1. Nội dung kiến nghị (số 11 tại văn bản số 418/BDN): Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch Vùng để các tỉnh có cơ sở xây dựng nội dung về liên kết vùng và tích hợp các nội dung quy hoạch vùng vào quy hoạch tỉnh, hoàn thành trong năm 2022 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 27/8/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Trả lời:

Ngày 24/9/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1226/QĐ-TTg, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhiệm vụ Chủ đầu tư lập quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng.

Việc phân vùng kinh tế - xã hội để tổ chức lập quy hoạch vùng được quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ. Tuy nhiên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2020/NĐ-CP ngày 03/01/2020 bãi bỏ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP.

Để triển khai việc lập quy hoạch vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành xây dựng “Báo cáo nghiên cứu phân vùng phục vụ quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030” báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau khi có kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030 (Văn bản số 352/TB-VPCP ngày 04/10/2020 của Văn phòng Chính phủ), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung triển khai xây dựng quy hoạch vùng, trong đó có quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Trên cơ sở kế hoạch vốn được giao để xây dựng Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1329/QĐ-BKHĐT ngày 24/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn chỉnh các thủ tục để lựa chọn nhà thầu tư vấn xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn thành việc lập quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc trong năm 2022 theo nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 của Chính phủ.

2. Nội dung kiến nghị (số 63 tại văn bản số 418/BDN): Cử tri kiến nghị cần sớm hoạch định chính sách riêng, đặc thù đối với các xã vùng biên giới, nhằm bảo đảm đời sống cho người dân, ổn định dân cư, phát triển kinh tế tại chỗ, đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Trả lời:

Thời gian qua, các cấp có thẩm quyền đã dành sự quan tâm, ưu tiên hỗ trợ các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, biên giới và vùng an toàn khu…, bảo đảm tương quan hợp lý giữa phát triển các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn khác để góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng miền trong cả nước.

Tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các tiêu chí như số người dân tộc thiểu số, đơn vị hành chính cấp huyện vùng cao, hải đảo, đơn vị hành chính cấp huyện biên giới đất liền, xã biên giới đất liền để tính điểm hỗ trợ cho các địa phương thuộc vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc; các chính sách hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: 2021-2025.

Ngày 15/3/2021, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 07/CT-TTg về thu hút các nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới đất liền, trên biển và hải đảo, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương liên quan: (i) Rà soát, thống kê, phân loại cơ chế, chính sách theo các nhóm gồm: cơ chế chính sách về đầu tư phát triển, tín dụng, văn hóa - xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn, củng cố quốc phòng, an ninh; (ii) Đánh giá hệ thống các cơ chế chính sách hiện có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhiệm vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới đất liền, trên biển và hải đảo; kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, ban hành mới các cơ chế chính sách bảo đảm phù hợp, khuyến khích mọi nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới đất liền, trên biển và hải đảo, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh khu vực.

Ngày 29/10/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình số 7468/TTr-BKHĐT trình Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế khu vực biên giới. Tại dự thảo Nghị quyết đã đưa ra các mục tiêu: (i) Phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng biên giới gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; giảm nghèo bền vững, thu hẹp chênh lệch vùng, miền; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân; (ii) Từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên thông, tổng thể, mang tính hiện đại tại các khu vực biên giới, nhất là hệ thống giao thông; (iii) Phát triển toàn diện y tế, giáo dục và đào tạo, gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp, tinh thần tự lực, ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và nguồn lực nội sinh của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới; (iv) Phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù, khác biệt của vùng biên giới để phát triển các lĩnh vực kinh tế, nhất là du lịch cộng đồng, thương mại biên giới, thu hút đầu tư, tổ chức lại sản xuất phù hợp, hiệu quả; (v) Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố và giữ vững niềm tin của đồng bào với Đảng, chính quyền; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh vùng biên giới; đoàn kết, hợp tác biên giới với các nước láng giềng; (vi) Sắp xếp đồng bộ dân cư, giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn ở khu vực biên giới; (vii) Thúc đẩy ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phục vụ cho việc phát triển các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội cho người dân khu vực biên giới./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác