Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa

Ngày 27/10/2021 - 15:15:00 | 371 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị (số 16 tại văn bản số 6230/ VPCP-QHĐP):

a) Nhiều cử tri kiến nghị, để thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề nghị sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng tỉnh Thanh Hóa thành cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

b) Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, có cơ chế chính sách mới để hỗ trợ các địa phương như: Chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng; chính sách tích tụ đất đai; tăng cường nhiều hơn các chương trình, dự án Quốc gia về giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn; ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng trong sản xuất, đầu tư khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tích cực hỗ trợ nông dân về vốn, kiến thức về thị trường, về hội nhập để nông dân có thể sản xuất ra những mặt hàng theo nhu cầu của thị trường, vừa đáp ứng nhu cầu tại chỗ, vừa thúc đẩy sản xuất hàng hóa, góp phần tăng thu nhập cho người lao động khu vực nông thôn...

Trả lời:

a) Về cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng tỉnh Thanh Hóa thành cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành và UBND tỉnh Thanh Hóa xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020. Chính phủ đã thống nhất và ban hành Nghị quyết số 87/NQ-CP ngày 12/8/2021 thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa và có Tờ trình số 299/TTr-CP ngày 17/8/2021 trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại văn bản số 7200/VPCP-QHĐP ngày 05/10/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 3 (tháng 9/2021) về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

b) Về tiếp tục quan tâm, có cơ chế chính sách mới để hỗ trợ các địa phương

- Vấn đề tích tụ đất đai là một trong những chủ trương lớn cần có chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang được Chính phủ giao nghiên cứu, đánh giá để sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013 và sẽ nghiên cứu những góp ý của cử tri trong quá trình phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá, tổng kết Luật Đất đai năm 2013; trên cơ sở đó nghiên cứu để quy định nội dung này trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

- Về cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng trong sản xuất: Hiện nay, chưa có các cơ chế, chính sách chung phát triển sơ sở hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp thông qua các Chương trình, dự án theo quy định của Luật Đầu tư công… Giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn đầu tư qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khoảng 63 nghìn tỷ đồng để hoàn thành 35 dự án thủy lợi, 21 dự án thủy sản và nhiều công trình nông lâm nghiệp khác. Giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao Bộ NN& PTNT quản lý 78 nghìn tỷ đồng để triển khai thực hiện 249 dự án; trong đó có 132 dự án thủy lợi, 22 dự án hạ tầng thủy sản… Một số dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

- Về đầu tư khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, tập trung vào vào các nhiệm vụ: bảo tồn, lưu giữ nguồn gen; nghiên cứu chọn tạo giống; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao, công nghệ số, thông tin, viễn thông, viễn thám... Nhờ vậy, thời gian qua đã có nhiều giống và quy trình công nghệ mới được ứng dụng vào thực tế sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Để đẩy nhanh việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; ngày 24/5/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp thông qua các hoạt động: bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo; thông tin tuyên truyền; xây dựng và nhân rộng mô hình; khuyến khích hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông… Hàng năm, ngân sách Nhà nước các cấp được cân đối cho các hoạt động khuyến nông và chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất. Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thông qua nhiều Chương trình, Đề án quan tâm đầu tư khoa học công nghệ nông nghiệp.

- Hỗ trợ nông dân về vốn: Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ nông dân về vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành một số chính sách đặc thù như quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn thấp hơn 1-2% so với lãi suất thương mại.

- Hỗ trợ kiến thức về thị trường, hội nhập: Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang duy trì phát hành Bản tin thị trường nông sản hàng tháng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, báo chí, doanh nghiệp, để thông qua các kênh thông tin hỗ trợ kiến thức về thị trường cho doanh nghiệp, nông dân; phối hợp với các cơ quan truyền thông sản xuất các chương trình, định hướng thông tin tuyên truyền về thị trường nông sản thường xuyên trên Đài truyền hình, Kênh truyền hình kỹ thuật số VTC16 (tập trung vào các thời điểm mùa vụ thu hoạch, diễn biến bất lợi về thị trường nông sản). Ngoài ra, thông qua các hoạt động của chương trình xúc tiến thương mại; doanh nghiệp và nông dân được các Bộ, các địa phương nâng cao kiến thức về thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Về xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ địa phương đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nông nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi: Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và trình Quốc hội thông qua nhiều cơ chế, chính sách về đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi để KH&CN thực sự đồng hành và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành nông nghiệp, nông thôn. Trong thời gian gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản tiếp tục thúc đẩy hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ; thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong giai đoạn 2011-2020, nhiều chương trình, đề án KH&CN cấp quốc gia, chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điển hình là các nhiệm vụ thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (gọi tắt là Chương trình Nông thôn miền núi). Với cơ chế đặc thù tạo sự gắn kết giữa 4 nhà “nhà quản lý - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông”, Chương trình Nông thôn miền núi đã đưa nhiều công nghệ và tiến bộ kỹ thuật chuyển giao về địa phương; hỗ trợ người dân trồng trọt, chăn nuôi bằng các giống mới; thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản một cách khoa học; hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân thoát đói, giảm nghèo; nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm giàu, đứng vững ở địa bàn nông thôn, làm hạt nhân cho phong trào chuyển giao, ứng dụng KH&CN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển nền nông nghiệp hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.

Các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi đã giúp các địa phương tiếp nhận, làm chủ và phát triển các công nghệ tiên tiến, phù hợp; xây dựng những mô hình ứng dụng KH&CN có hiệu quả tập trung giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội có tầm quan trọng đối với địa phương; góp phần hiện thực hóa chính sách của Đảng, Nhà nước ưu tiên đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn dựa trên phát triển KH&CN; tạo nguồn động lực củng cố và phát triển tiềm lực KH&CN của các địa phương trong những năm qua. Qua đó, Chương trình đã xây dựng được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý thường xuyên bám sát địa bàn, hỗ trợ nông dân tiếp tục mở rộng việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ đã được chuyển giao.

Trong giai đoạn 2020-2021, Chính phủ đã ban hành các Chương trình/Đề án KH&CN quốc gia đến năm 2030, tích cực triển khai tái cơ cấu các Chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Một trong những định hướng ưu tiên nghiên cứu của các Chương trình là nghiên cứu ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, miền núi trong đó ưu tiên phát triển các mô hình sinh kế gắn với đặc thù của vùng, địa phương, có hệ thống các giải pháp công nghệ gắn với khai thác tài nguyên và chế biến đặc sản của vùng, miền và gắn với chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế, chính sách để bảo đảm phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng nhanh, bền vững, kết hợp chuyển đổi số./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác