Thứ hai, 00/00/2023
°

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp

Ngày 07/10/2022 - 09:57:00 | 1214 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) – Ngày 06/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 131/NQ-CP về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI·

Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu tổng hợp về Khung đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Quyết định số 288/QĐ-TTg ngày 28/02/2022 với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo Tổng cục Thống kê phối hợp với Văn phòng Chính phủ kết nối, tích hợp, liên thông hệ thống thông tin thống kê quốc gia với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung thúc đẩy triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu đề ra. Theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương cập nhật, thông tin về kết quả cải cách quy định và cải cách thực thi, bảo đảm đầy đủ, chính xác, đúng yêu cầu của các tổ chức quốc tế đánh giá xếp hạng.

Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, thứ nhất, về cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng  lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 30/9 hàng năm. Trong đó, tiếp tục thúc đẩy cải cách quy định trong các lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đăng ký đất đai và quản lý hành chính đất đai theo các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.

Tổ chức thực thi ngay các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/ 8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên áp dụng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ được phê duyệt đối với các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước theo Kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/ 9/2022…

Thứ hai, về nâng cao hiệu quả thực thi thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm 100% thủ tục hành chính được công bố, công khai đầy đủ, đúng hạn và 100% các hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận, giải quyết tại các cơ quan, đơn vị được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Giao thông vận tải; Tư pháp; Y tế tích hợp, đồng bộ các dữ liệu phân theo từng địa phương, cấp hành chính, cơ quan, đơn vị của các Hệ thống: Đăng ký doanh nghiệp; Quản lý đầu tư nước ngoài; Giấy phép lái xe; Giấy phép kinh doanh vận tải; Cấp (đổi) biển hiệu, phù hiệu xe ô tô; Hộ tịch điện tử; Lý lịch tư pháp; Đăng ký, cấp phép hành nghề khám, chữa bệnh với Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp của Cổng Dịch vụ công quốc gia phục vụ đánh giá các nhóm chỉ số theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Phấn đấu hoàn thành trong tháng 11/2022, chậm nhất trong quý I/2023.

Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Công khai kết quả đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tại các bộ, ngành, địa phương theo Quyết định số 766/QĐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tổ chức và định kỳ hàng tháng công khai danh sách cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm muộn trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trên Cổng Thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương. 100% hồ sơ thủ tục hành chính để chậm, muộn đều phải có báo cáo giải trình lý do với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và thực hiện xin lỗi người dân theo đúng quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Thực hiện việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về vướng mắc, bất cập trong thực hiện thủ tục hành chính, tránh để trường hợp phản ánh, kiến nghị kéo dài, vượt cấp.

Thứ ba, về hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, Văn phòng Chính phủ có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước chuẩn hóa thông tin, dữ liệu và xây dựng khung Bộ chỉ số điều hành phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền cấp tỉnh; kết nối, tích hợp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 1498/QĐ-TTg ngày 11/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan xây dựng ấn phẩm đồ họa (Infographic) về thông tin kinh tế - xã hội chủ yếu phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng.

Về tổ chức thực hiện, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Sử dụng Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp để chỉ đạo, điều hành việc giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tại bộ, ngành, địa phương mình quản lý; kịp thời chấn chỉnh kỷ cương, xử lý nghiêm cán bộ vi phạm và tăng cường mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết; tuyên truyền, hướng dẫn tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của người dân, doanh nghiệp./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác