Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị cử tri thành phố Đà Nẵng

Ngày 03/03/2022 - 17:46:00 | 280 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

1. Nội dung kiến nghị (số 17 tại văn bản số 19/BDN): Cử tri kiến nghị nghiên cứu trình Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan đến vấn đề hợp tác công tư, nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ và đảm bảo thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Trả lời:

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã được ban hành ngày 18/6/2020. Tiếp đó, ngày 29/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT ngày 16/11/2021 hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và dự án đầu tư có sử dụng đất.

Ngoài ra, ngày 23/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì hướng dẫn chi tiết các nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình; hoàn thành trong Quý II/2022.

Đề nghị thành phố Đà Nẵng nghiên cứu các quy định nêu trên và tiếp tục theo dõi, cập nhật các quy định mới trong quá trình triển khai thực hiện dự án PPP.

2. Nội dung kiến nghị (số 18 tại văn bản số 19/BDN): Cử tri kiến nghị, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo và điều hành tích cực hơn trong vấn đề liên kết vùng, nhằm phát huy ưu thế và hiệu quả của cơ chế này.

Trả lời:

Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã luôn quan tâm tới vấn đề liên kết phát triển vùng, nhiều cơ chế về liên kết vùng đã được tham mưu và ban hành như: Quyết định số 941/QĐ-TTg ngày 25/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 2059/QĐ-TTg ngày 24/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 2360/QĐ-TTg ngày 22/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế tổ chức hoạt động và phối hợp của Tổ chức điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành cơ chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2020; Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025... Các cơ chế, chính sách về liên kết vùng vẫn tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu xây dựng để hoàn thiện thể chế về liên kết vùng.

Liên kết vùng trong giai đoạn vừa đã đạt được một số kết quả tích cực như sau:

- Chính phủ tập trung nhiều chỉ đạo điều hành cũng như bố trí nguồn lực cho liên kết vùng, trong giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025 đã hoàn thiện nhiều dự án huyết mạnh, tạo kết nối từ Bắc vào Nam, các trục cao tốc trọng điểm để tạo sự liên kết vùng chặt chẽ, thông qua đó nhiều, tuyến cao tốc đã hoàn thành, đi vào sử dụng.

- Các Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm trở thành diễn đàn quan trọng để các địa phương trong vùng trao đổi các vấn đề cùng quan tâm, thảo luận và ký kết các chương trình, kế hoạch hợp tác, liên kết trong giai đoạn 2016-2020. Tại một số vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương đã phối hợp xây dựng đề án hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên. Thông qua Hội đồng vùng, các địa phương cũng nhất trí kiến nghị, đề xuất với Trung ương các cơ chế, chính sách và dự án quan trọng, mang tính động lực thúc đẩy phát triển vùng. Qua đó, một số công trình đã được đầu tư xây dựng, góp phần tạo điều kiện thúc đẩy liên kết vùng.

- Các địa phương đã phối hợp cùng các bộ, ngành tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn trao đổi về các vấn đề kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ hàng hóa, hợp tác phát triển du lịch, nhất là tổ chức các diễn đàn về xúc tiến đầu tư của vùng...

- Bên cạnh việc liên kết giữa các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm, nhiều liên kết tự nguyện đã được hình thành như: Liên kết ABCD Mê Kông gồm 04 tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp; liên kết phát triển các tỉnh duyên hải miền Trung đã được hình thành trên quan điểm liên kết bình đẳng, tự nguyện, các tỉnh trong vùng cùng hài hòa về lợi ích.

Cùng với các kết quả đạt được, tình hình liên kết vùng vẫn còn những hạn chế nhất định, cần được hoàn thiện trong giai đoạn tới như:

- Các chương trình, kế hoạch, thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương được ký kết khá nhiều nhưng việc triển khai còn chậm.

- Các công trình, dự án mang tính liên vùng, liên tỉnh chủ yếu được thực hiện bằng nguồn vốn Trung ương. Số lượng các công trình, dự án được thực hiện trên cơ sở hợp tác giữa các địa phương còn rất khiêm tốn.

Các hạn chế kể trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân liên quan tới khung khổ thể chế chung như:

- Các vùng kinh tế trọng điểm đã có Ban Chỉ đạo, Hội đồng vùng nhưng các chủ thể này chưa thực sự có thẩm quyền về điều phối và nhất là về phân bổ nguồn lực, do vậy vai trò điều phối còn hạn chế. Bên cạnh đó, ngoại trừ vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có Hội đồng điều phối vùng, thì các vùng còn lại chưa có Hội đồng điều phối vùng.

 - Các quy hoạch vùng chưa thực sự thể hiện được vai trò là công cụ cho điều phối phát triển và liên kết vùng.

- Ngân sách nhà nước hiện nay theo hai cấp là ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, chưa có ngân sách cấp vùng. Đối với ngân sách địa phương, hầu hết các tỉnh, thành phố vẫn đang tập trung giải quyết các vấn đề trong phạm vi nội bộ của địa phương mình.

Để cơ chế liên kết vùng được thực thi hiệu quả, việc quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội được xây dựng theo từng vùng trên cơ sở phù hợp với quy hoạch quốc gia và quy hoạch ngành.

Tại văn bản số 9605/VPCP-KTTH ngày 30/12/2021 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đồng ý phương án thành lập và ban hành quy chế hoạt động của 5 hội đồng điều phối vùng cho 5 vùng kinh tế - xã hội còn lại trên cơ sở kế thừa mô hình Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Tờ trình số 6773/TTr-BKHĐT ngày 06/10/2021 trình Thủ tướng Chính phủ về Đề án thể chế liên kết vùng và văn bản số 8172/BKHĐT-KTĐPLT ngày 22/01/2021 về việc báo cáo tình hình các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và đề xuất cơ chế hoạt động các vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2021-2025.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác