Nội dung kiến nghị (số 13 tại văn bản số 19/BDN): Cử tri phản ánh hiện tại một số địa phương vốn đầu tư công đã được Chính phủ phân bổ nhưng chưa được giải ngân hoặc giải ngân chậm, thậm chí có địa phương vì một số lý do không thực hiện giải ngân được phải hoàn trả lại cho Chính phủ, việc này gây ra sự lãng phí lớn. Đề nghị tăng cường chỉ đạo các địa phương quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công đã được phân bổ, kịp thời triển khai các công trình, dự án đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng mà nhân dân đang rất trông đợi, vừa giúp cho kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, vừa tạo ra công ăn việc làm cho người dân.
Trả lời:
Trong thời gian qua, công tác giải ngân vốn đầu tư công luôn được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao; Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ trong tháo gỡ các khó khăn về thể chế, tạo điều kiện cho thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Năm 2022 là năm quan trọng trong thực hiện các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, việc triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2022 có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo năng lực sản xuất mới, thu hút đầu tư, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Căn cứ Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, các Nghị quyết của Quốc hội số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và số 40/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về Phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 2048/QĐ-TTg ngày 06/12/2021 về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 và số 97/QĐ-TTg ngày 06/12/2021 về việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 8691/BKHĐT-TH ngày 9/12/2021 về đôn đốc giải ngân năm 2021 và triển khai kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022; Công điện số 08/CĐ-BKHĐT ngày 24/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư điện Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước năm 2022; Công điện số 01/CĐ-BKHĐT ngày 11/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo tình hình kết quả phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2022; trong đó có một số giải pháp, tiến độ liên quan đến công tác phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 theo quy định tại Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như sau:
a) Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương:
- Khẩn trương phân bổ và giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cho dự án đảm bảo nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 40/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về Phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 2048/QĐ-TTg ngày 06/12/2021 và số 97/QĐ-TTg ngày 06/12/2021.
- Ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu... đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án.
- Ban hành kế hoạch giải ngân cho từng chủ đầu tư, yêu cầu chủ đầu tư cam kết tiến độ giải ngân của từng dự án, trường hợp giải ngân không đạt tiến độ theo cam kết, xem xét điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo thẩm quyền.
- Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án, thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ giải ngân của từng dự án, có giải pháp cụ thể, kịp thời để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình, dự án qua đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án đường cao tốc, các dự án trọng điểm, kết nối, có tác động liên vùng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững….
- Lựa chọn những cán bộ có năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt và tinh thần trách nhiệm để thực hiện triển khai kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022. Cá thể hoá trách nhiệm tới từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022. Kết quả giải ngân của từng dự án được phân công theo dõi là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2022.
- Xử lý kịp thời các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công gây cản trở, chậm trễ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân thì kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đầu đứng đầu, cá nhân liên quan.
b) Cơ quan chủ quản Chương trình mục tiêu quốc gia: khẩn trương xây dựng phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch năm 2021 đã được Quốc hội cho phép chuyển nguồn sang năm 2022 để thực hiện) cho từng bộ, cơ quan trung ương và từng địa phương tham gia thực hiện Chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trước khi báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội theo quy định.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 đảm bảo đúng pháp luật, nhanh và hiệu quả.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư