Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Long An

Ngày 03/03/2022 - 17:33:00 | 203 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị (số 03 tại văn bản số 19/BDN): Kiến nghị rà soát là chỉ số giá tiêu dùng đã đúng với tình hình thực tế chưa, vì hiện nay theo cử tri giá cả mặt hàng tiêu dùng tăng rất cao.

Trả lời:

Phương pháp tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam hoàn toàn theo đúng phương pháp luận quốc tế và sát với tình hình thực tế Việt Nam. Tổng cục Thống kê đang áp dụng theo Tài liệu hướng dẫn biên soạn Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ban hành năm 2004 và được các Tổ chức quốc tế cập nhật vào năm 2019.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2021 của cả nước tăng 1,84% so với năm 2020, đây là mức tăng bình quân năm thấp nhất kể từ năm 2016. Kết quả này phản ánh sát với biến động giá tiêu dùng trên thị trường. Lạm phát năm 2021 thấp do:

Một là, giá các mặt hàng thực phẩm năm 2021 giảm 0,54% so với năm trước do nguồn cung dồi dào, làm CPI giảm 0,12 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 10,52%; giá thịt gà giảm 0,28%.

Hai là, Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, như: giảm giá điện, tiền điện cho người dân tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020. Do đó, giá điện sinh hoạt bình quân năm 2021 giảm 0,89% so với năm 2020, tác động làm CPI chung giảm 0,03 điểm phần trăm.

Ba là, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người dân hạn chế đi lại, theo đó giá vé máy bay năm 2021 giảm 21,15% so với năm trước; giá du lịch trọn gói giảm 2,32%.

Bốn là, nền tảng kinh tế vĩ mô, tỷ giá ổn định với các chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt và thận trọng.

Năm là, tổng cầu yếu, sức mua bị sụt giảm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,8% so với năm 2020. Mặc dù giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng nhưng chỉ số giá tiêu dùng chưa thể tăng do sức cầu yếu, nhiều doanh nghiệp, người bán hàng giữ nguyên giá hoặc giảm giá bán để kích cầu, chấp nhận biên lợi nhuận giảm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Sáu là, sự chủ động trong công tác dự báo, đánh giá tác động, xây dựng kịch bản điều hành và tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương là then chốt giúp kiểm soát lạm phát năm 2021 ở mức thấp, tạo cơ sở cho việc triển khai đồng bộ về các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác