Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Nam Định

Ngày 03/03/2022 - 17:28:00 | 195 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị (số 01 tại văn bản số 19/BDN): Cử tri phản ánh và kiến nghị hiện nay, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân các xã, thị trấn thuộc khu vực biên giới biển còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân thấp, lại thường xuyên bị ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, dịch bệnh; khí hậu thường xuyên có độ mặn cao của nước và gió biển vào nên các trang thiết bị văn phòng, cơ sở hạ tầng, trụ sở làm việc của xã, các trường học, trạm y tế… nhanh xuống cấp, hư hỏng; người dân canh tác lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn, năng suất thấp trong khi ngân sách địa phương hàng năm phải chi rất nhiều cho công tác phòng chống thiên tai. Đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ ban hành chính sách riêng đối với các xã thuộc khu vực biên giới biển như chính sách riêng đối với các xã khu vực biên giới đất liền qua đó giúp các địa phương ổn định dân cư, phát triển kinh tế, củng cố cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống dân sinh, phục vụ tốt cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.

Trả lời:

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm, ưu tiên hỗ trợ các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, biên giới và vùng an toàn khu…, bảo đảm tương quan hợp lý giữa phát triển các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn khác; góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng miền trong cả nước.

Về kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, tại Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quy định các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn cho các bộ, ngành, địa phương, trong đó có tiêu chí vùng để tính điểm phân bổ vốn, gồm: các vùng chịu tác động lớn của thiên tai, biến đổi khí hậu (sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng,…). Ngày 14/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14.

Trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Nghị quyết 973/2020/UBTVQH14 và các quy định liên quan, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó giao kế hoạch trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 cho vùng Đồng bằng sông Hồng là 471.180,19 tỷ đồng (bằng 28% tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương), trong đó vốn ngân sách trung ương là 74.924,69 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 396.255,5 tỷ đồng. Riêng tỉnh Nam Định đã được bố trí 17.318,444 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 4.150,544 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 13.167,9 tỷ đồng.

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các tỉnh ven biển đã tiếp tục được quan tâm bố trí khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách trung ương để đầu tư các tuyến đường ven biển, tạo kết nối giao thông hành lang ven biển, phát triển kinh tế biển, du lịch, dịch vụ biển, khu kinh tế ven biển, kết nối cảng biển… đồng thời mở rộng quỹ đất cho đầu tư sản xuất, khai thác hiệu quả tài nguyên biển; thúc đẩy liên kết vùng; tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống cứu hộ, cứu nạn ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, củng cố quốc phòng, an ninh khu vực. Trong đó, tỉnh Nam Định đã được bố trí 1.070 tỷ đồng cho 01 dự án xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định.

Ngoài ra, ngày 15/3/2021, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 07/CT-TTg về thu hút các nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới đất liền, trên biển và hải đảo, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương liên quan: (i) Rà soát, thống kê, phân loại cơ chế, chính sách theo các nhóm gồm: cơ chế chính sách về đầu tư phát triển, tín dụng, văn hóa - xã hội, phát triển nông nghiệp, nông thôn, củng cố quốc phòng, an ninh; (ii) Đánh giá hệ thống các cơ chế chính sách hiện có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhiệm vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới đất liền, trên biển và hải đảo; kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, ban hành mới các cơ chế chính sách bảo đảm phù hợp, khuyến khích mọi nguồn lực xã hội cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới đất liền, trên biển và hải đảo, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh khu vực.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác