Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng

Ngày 28/02/2023 - 08:54:00 | 193 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

  1. Nội dung kiến nghị (số 7 tại văn bản số 2081/BDN): Về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Cử tri phản ánh, theo Luật Đấu thầu năm 2013 thì không có quy định về việc ủy quyền phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 72 Luật Xây dựng năm 2014 thì: “Người quyết định đầu tư xây dựng có các quyền: (a) Phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán xây dựng và quyết toán vốn đầu tư xây dựng”... Để đơn giản hóa quy trình, thủ tục trong công tác lựa chọn nhà thầu, đề nghị tham mưu Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, bổ sung nội dung về phân cấp, ủy quyền phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu (đối với gói thầu có quy mô nhỏ) cho Chủ đầu tư trong Luật Đấu thầu hoặc giao cho Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn nội dung này.

Cử tri phản ánh, hình thức chỉ định thầu được quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu năm 2013 và được hướng dẫn tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ. Theo đó, hạn mức chỉ định thầu được quy định tại Điều 54 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP: “(1) Không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; (2) Không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên”. Từ năm 2013 đến nay giá vật tư, hàng hoá, nhân công đã tăng nhiều, mặt khác, để đơn giản hóa quy trình, thủ tục trong công tác lựa chọn nhà thầu và phù hợp với thực tiễn, đề nghị tham mưu Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét nâng hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu.

Cử tri phản ánh, tại điểm c, khoản 3, Điều 5 dự thảo Luật quy định về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư là cá nhân, trong đó nêu rõ là “Có chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, quy định như trên còn mang tính chung chung, đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, quy định cụ thể chứng chỉ chuyên môn cho phù hợp với từng lĩnh vực.

Trả lời:

- Về nội dung phân cấp, ủy quyền phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu:

Trong quá trình xây dựng Luật Đấu thầu sửa đổi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội XV, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến cử tri theo hướng bổ sung nội dung ủy quyền trong phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Theo đó, người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền xem xét, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

- Về nội dung xem xét nâng hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu:

Trong quá trình xây dựng Luật Đấu thầu sửa đổi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội XV, Chính phủ đã tiếp thu các ý kiến của cử tri theo hướng sửa đổi, hoàn thiện các quy định liên quan đến quy trình, thủ tục đấu thầu theo hướng đơn giản, rút gọn thời gian trong đấu thầu, bổ sung một số trường hợp chỉ định thầu bao gồm: (i) các gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia cần triển khai ngay theo Nghị quyết của Quốc hội; (ii) các gói thầu tư vấn; (iii) gói thầu di dời công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ giải phóng mặt bằng, gói thầu tái định cư; (iv) các gói thầu mua vật tư, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm, linh kiện, phụ tùng thay thế trong trường hợp trang thiết bị, máy móc chỉ sử dụng được duy nhất loại hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế này mới vận hành được; (v) các gói thầu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu người bệnh....

Đối với nội dung hạn mức chỉ định thầu, theo dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, Chính phủ quyết định hạn mức chỉ định thầu theo từng thời kì trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội. Theo đó, trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, đề xuất hạn mức chỉ định thầu cho phù hợp với điều kiện thực tế.

- Về nội dung hội xem xét, quy định cụ thể chứng chỉ chuyên môn cho phù hợp với từng lĩnh vực:

Luật Đấu thầu áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Nội dung chứng chỉ chuyên môn (nếu có) đối với từng lĩnh vực cụ thể cần thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật chuyên ngành. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cử tri để hoàn thiện dự thảo Luật Đấu thầu trình Quốc hội xem xét, thông qua.

2. Nội dung kiến nghị (số 8 tại văn bản số 2081/BDN): Về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Cử tri đề nghị tham mưu Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét giảm bớt các quy định trong việc giải thể Hợp tác xã đã ngừng hoạt động, đồng thời có cơ chế riêng đối với các Hợp tác xã không đủ điều kiện giải thể theo quy định.

Trả lời:

Tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội và trên cơ sở tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi theo hướng bỏ thành lập hội đồng giải thể, giao Chính phủ quy định riêng đối với các trường hợp khó khăn khi giải thể trước khi Luật mới có hiệu lực thi hành nhằm khắc phục các vướng mắc hiện nay trong việc giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Chính phủ hoàn thiện các quy định về giải thể hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

3. Nội dung kiến nghị (số 9 tại văn bản số 2081/BDN): Cử tri đề nghị tiếp tục kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030 cho các địa phương để tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trả lời:

Nhằm đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26-8-2022 thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16-6-2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-203 (Nghị quyết số 108/NQ-CP), trong đó giao các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương “…ưu tiên tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp bách nhằm kịp thời thực hiện Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành hạ tầng quan trọng trong năm 2022, phấn đấu cơ bản hoàn thành các quy hoạch ngành quốc gia còn lại, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh trong năm 2022 trên cơ sở bảo đảm chất lượng các quy hoạch”.

Theo nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 108/NQ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương xây dựng kế hoạch, tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 theo Luật Quy hoạch bảo đảm khả thi và chất lượng theo yêu cầu tại điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15.

4. Nội dung kiến nghị (số 10 tại văn bản số 2081/BDN): Cử tri đề nghị sớm ban hành chính sách, quy định, hướng dẫn các địa phương lập quy hoạch, phê duyệt quy hoạch song phải đảm bảo tính khoa học, sát thực tiễn và có tính dự báo cao để hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch.

Trả lời:

1. Tại điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 61/2022/UBTVQH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, quy định cho phép Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch được thực hiện ngay các giải pháp sau để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch và bảo đảm chất lượng công tác quy hoạch lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh khác có quy định về quy hoạch; tập trung ưu tiên lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Quy hoạch được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn giữa quy hoạch thấp hơn với quy hoạch cao hơn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.

Trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp, căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các văn kiện của Đảng, chiến lược phát triển ngành và từ yêu cầu thực tiễn, cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch quyết định điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 trong trường hợp có mâu thuẫn được thực hiện như sau:

- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch rà soát nội dung mâu thuẫn cần điều chỉnh; lập báo cáo điều chỉnh quy hoạch kèm theo dự thảo văn bản quyết định hoặc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch gửi xin ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan có liên quan;

- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch cần điều chỉnh có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan có liên quan, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch và chịu trách nhiệm về nội dung điều chỉnh; trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch; công bố điều chỉnh quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

2. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức lập quy hoạch 05 vùng (Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Đông Nam Bộ và Tây Nguyên). Ngoài ra các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành đã được phê duyệt; các Bộ ngành đang khẩn trương triển khai lập, hoàn thiện các quy hoạch ngành được giao (theo Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09/8/2018) để đáp ứng tiến độ trình phê duyệt theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 760/TTg-CN ngày 31/8/2022.

3. Tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành hoàn thành văn bản về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian trên địa bàn quốc gia, vùng, tỉnh các hoạt động của ngành theo quy định của Luật Quy hoạch; ngoài ra căn cứ Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp triển khai lập đồng thời các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để các địa phương làm cơ sở triển khai lập quy hoạch tỉnh, khai thác tiềm năng nổi trội, lợi thể cạnh tranh, bảo đảm được tính thống nhất với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng.

Do vậy, đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng chủ động tăng cường phối hợp trao đổi thông tin với các Bộ ngành trung ương nhằm đảm bảo kết nối đồng bộ, tính thống nhất với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trong quá trình lập quy hoạch tỉnh để bảo đảm nội dung quy hoạch tỉnh phù hợp và bám sát với định hướng của quy hoạch cấp cao hơn./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác