Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng

Ngày 08/03/2023 - 17:06:00 | 244 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị (số 15 tại văn bản số 272/VPCP-QHĐP):

Cử tri kiến nghị có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh và kết nối cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước; tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng về Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để nâng cao nhận thức của các cơ quan liên quan về vai trò và ý nghĩa việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Trả lời:

Thời gian qua, với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) theo Luật Hỗ trợ DNNVV.

1. Về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống công nghệ thông tin quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh:

- Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó có nội dung hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, cụ thể: (i) Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh; (ii) Hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số.

- Triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10/5/2022 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP; đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (chi thường xuyên) hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.

- Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động và tích cực triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT ngày 07/01/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Chương trình). Sau hơn 02 năm triển khai, Chương trình đạt được một số kết quả cụ thể như:

+ Gần 2 triệu lượt tiếp cận thông tin Chương trình; hơn 500.000 lượt tiếp cận các tài liệu, video đào tạo, chia sẻ hướng dẫn chuyển đổi số;

+ Hơn 1000 doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng trên Cổng thông tin Chương trình;

+ 150 doanh nghiệp đã được hỗ trợ tư vấn, đào tạo chuyên sâu để trở thành các doanh nghiệp tiêu biểu về chuyển đổi số thành công.

+ Mạng lưới 100 tổ chức, cá nhân cung cấp giải pháp, tư vấn, đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp đã được rà soát, phân loại và chuẩn hóa để có thể cung cấp những thông tin cần thiết cho doanh nghiệp khi quyết định lựa chọn.

Các kết quả trên đã giúp các doanh nghiệp xác định hướng đi đúng, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức khi triển khai chuyển đổi số, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Mọi thông tin, hoạt động, tài liệu của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 đã được công bố rộng rãi tại Cổng thông tin Chương trình địa chỉ https://digital.business.gov.vn/, một bộ phận của Cổng thông tin quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp.

- Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông: Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Quyết định số 1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 phê duyệt Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số. Đề án giúp từng doanh nghiệp xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số để có lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp, giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, mạnh hơn; tạo được bức tranh tổng thể về chuyển đổi số doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp số trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn cũng như toàn quốc phục vụ công tác quản lý và chính sách phát triển; thực hiện đánh giá mức độ chuyển đổi số; tạo lập được cơ sở dữ liệu chuyển đổi số doanh nghiệp với các thông tin, số liệu xác thực để giúp các cơ quan, đơn vị chức năng đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp, phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, địa phương và quốc gia.

Ngày 26/3/2022, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 377/QĐ-BTTTT phê duyệt Chương trình hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số, với mục tiêu là đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong DNNVV thông qua việc sử dụng các nền tảng số xuất sắc do Chương trình lựa chọn; các hoạt động của Chương trình nhằm giúp các DNNVV tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn. Trong năm 2022, đã có 680.000 DNNVV tiếp cận và 77.000 DNNVV sử dụng các nền tảng của Chương trình.

2. Về hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước:

Điều 25 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 quy định DNNVV tham gia chuỗi giá trị được hỗ trợ nhiều nội dung chính sách để tăng cơ hội trở thành nhà cung ứng của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, bao gồm: hỗ trợ đào tạo chuyên sâu; hỗ trợ nâng cao năng lực liên kết sản xuất và kinh doanh; hỗ trợ thông tin, phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường; hỗ trợ tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng.

Bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động huy động các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV Việt Nam kết nối với các doanh nghiệp đầu chuỗi, từng bước tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

3. Về Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV:

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể, như: tổ chức diễn đàn, hội nghị trực tiếp và trực tuyến hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Quốc hội tổ chức các Chương trình phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp; xây dựng và phát sóng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19; xây dựng bài giảng điện tử bồi dưỡng nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; xây dựng chương trình phóng sự về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo... Chương trình không chỉ hỗ trợ pháp lý cho DNNVV mà còn nâng cao nhận thức của các cơ quan liên quan về vai trò và ý nghĩa việc hỗ trợ pháp lý cho cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, Bộ đã phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan chỉ đạo các cơ quan báo, đài quan tâm, tuyên truyền về Luật Hỗ trợ DNNVV và Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV để nâng cao nhận thức của các cơ quan liên quan về vai trò và ý nghĩa việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành cung cấp thông tin tại giao ban báo chí hằng tuần về việc cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương nói chung và liên quan đến DNNVV nói riêng. Trong năm 2022, đã có gần 3.000 tin, bài thông tin về Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DNNVV./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác