Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận

Ngày 28/02/2023 - 17:23:00 | 357 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

Nội dung kiến nghị (số 14 tại văn bản số 176/VPCP-QHĐP):

a) Cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm về việc hỗ trợ, đầu tư, cho vay vốn với doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Bởi những doanh nghiệp đầu tư vào loại hình này đang gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư sản xuất.

b) Hiện nay, hoạt động của Quỹ Tín dụng (QTD) nhân dân theo mô hình hợp tác xã (HTX), được điều chỉnh bởi 2 Luật đó là Luật Tổ chức tín dụng và Luật HTX. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng thì việc kết nạp và phát triển thành viên mới thuộc thẩm quyền của đại hội thành viên. Khi người dân muốn gia nhập thành viên của QTD để được sử dụng các sản phẩm dịch vụ của QTD phải chờ đợi đến khi QTD tổ chức đại hội mới được xét gia nhập, quy định này là không phù hợp với tình hình thực tế hoạt động của QTD, gây khó khăn trong việc thực hiện kết nạp các thành viên của QTD. Do đó, kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội cần sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung cho thống nhất giữa Luật Hợp tác xã năm 2012 với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 về việc kết nạp thành viên mới của các QTD nhân dân.

Trả lời:

a) Về hỗ trợ, đầu tư, cho vay vốn với doanh nghiệp làm NNCNC

- Về hỗ trợ, đầu tư doanh nghiệp làm NNCNC

Phát triển nền sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) là một xu hướng tất yếu và là nội dung quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn (NNNT) thông qua các văn bản quy phạm pháp luật  do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tưởng Chính phủ và các bộ ngành liên quan ban hành nhiều cơ chế chính sách về NNƯDCNC.

Ngày 17/4/2018, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐCP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NNNT. Trong đó có chính sách ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng NNCNC. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP chưa đạt mục tiêu như mong đợi của các địa phương và doanh nghiệp.

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/20218 về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào NNNT nhằm thu hút và hỗ trợ nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung và doanh nghiệp làm NNCNC nói riêng. Nghị định sửa đổi đã thay đổi căn bản những khó khăn trong quá trình triển khai, đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống. Một số điểm mới của Nghị định được thể hiện thông qua (i) Trình tự thủ tục được rà soát, chỉnh sửa rõ và đồng bộ với các Luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình triển khai chính sách; (ii) Ngân sách nhà nước tập trung hỗ trợ vào các nội dung dễ kiểm soát đối với cơ quan quản lý nhà nước; (iii) Tập trung vào hỗ trợ ngành chế biến nông lâm thủy sản gắn thị trường và vùng nguyên liệu nhằm phát triển nông nghiệp hiệu quả cao; (iv) Quy định đầy đủ, rõ các thủ tục hành chính tại Nghị định để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư NNNT. Sau khi Nghị định được thông qua sẽ tạo một động lực chính sách để thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông thôn đặc biệt là NNCNC.

 Tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có quy định các hoạt động hỗ trợ đối với DNNVV trong lĩnh vực nông nghiệp, ngoài ra, đối với các doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ theo nội dung quy định tại Điều 20, 21 và 22 của Nghị định.

Các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV khởi nghiệp sáng tạo tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất khi vay vốn trung và dài hạn tại các tổ chức tín dụng để thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh được quy định tại các Điều 23, 24, 25 và 26 của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, tại Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 có quy định việc cho vay vốn và tài trợ vốn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Về hỗ trợ vay vốn với doanh nghiệp làm NNCNC

 Phát triển NNNT là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên có nhiều chính sách phục vụ phát triển. Theo đó, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã triển khai nhiều giải pháp để tạo thuận lợi, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực NNNT, trong đó có các doanh nghiệp NNƯDCNC, cụ thể:

+ NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định riêng về tín dụng cho lĩnh vực này, thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế phù hợp với thực tế, trong đó đối với các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết.

+ Để tạo điều kiện về lãi suất vay vốn, NHNN đã có chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực NNNT thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến các tổ chức tín dụng (TCTD) áp dụng đối với khách hàng (hiện nay là 5,5%/năm).

+ Để tạo điều kiện về tiếp cận vốn vay, nâng mức cho vay cũng như giải quyết khó khăn về vấn đề tài sản bảo đảm, NHNN thường xuyên chỉ đạo các TCTD: (i) thực hiện các giải pháp khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực NNNT; (ii) rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng; (iii) nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm nhằm tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho khách hàng; (iv) đa dạng hoá sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp với lĩnh vực nông nghiệp.

Kết quả trong những năm qua tín dụng lĩnh vực NNNT luôn có mức tăng trưởng cao, đến cuối năm 2022 quy mô tín dụng đạt gần 2,96 triệu tỷ đồng, chiếm gần 25% dư nợ toàn nền kinh tế, với trên 14,4 triệu khách hàng còn dư nợ; trong đó dư nợ đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến tháng 12/2022 đạt gần 39.000 tỷ đồng và tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp NNƯDCNC.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục: (i) Điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và hoạt động của doanh nghiệp NNƯDCNC nói riêng; (ii) Điều hành tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực NNNT, NNƯDCNC; (iii) Chỉ đạo các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục đi đôi với việc tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; Phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp từng loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, trong đó có các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao; (iv) Khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới, điểm cung ứng dịch vụ của các TCTD để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng.

b) Về việc xem xét, sửa đổi, bổ sung cho thống nhất giữa Luật HTX năm 2012 với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 về việc kết nạp thành viên mới của các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND).

- Về Luật HTX: Thực hiện Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và Quyết định số 799/QĐ-TTg ngày 06/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan chủ trì soạn thảo) đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền trình dự án Luật HTX (sửa đổi) lấy ý kiến góp ý tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 4 vào tháng 11/2022.

Theo Điều 3 của Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) quy định "Trường hợp luật khác có quy định đặc thù về thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động, tiêu chuẩn cán bộ quản lý, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, hoạt động có liên quan của các tổ chức kinh tế hợp tác thì áp dụng theo quy định của luật đó". Như vậy, trường hợp Luật Các tổ chức tín dụng có quy định khác về tổ chức hoạt động, kết nạp thành viên của QTDND thì áp dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Ngoài ra, Dự thảo Luật HTX (sửa đổi) kế thừa Luật HTX năm 2012, giữ quy định thẩm quyền kết nạp thành viên thuộc Hội đồng quản trị nhằm tạo điều kiện thuận lợi thành viên gia nhập vào tổ chức kinh tế hợp tác.

          - Về việc kết nạp thành viên mới của các QTDND: được thực hiện theo Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 của NHNN xây dựng trên cơ sở quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, cụ thể:

+ Tại điểm đ khoản 2 Điều 80 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: “2. Đại hội thành viên thảo luận và quyết định những vấn đề sau đây: đ) Thông qua danh sách kết nạp thành viên mới và cho thành viên ra khỏi ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân theo đề nghị của Hội đồng quản trị; quyết định khai trừ thành viên”.

+ Tại khoản 7 Điều 82 Luật Các tổ chức tín dụng: “7. Xét kết nạp thành viên mới và giải quyết việc thành viên xin ra, trừ trường hợp khai trừ thành viên và báo cáo để Đại hội thành viên thông qua”.

Theo các quy định nêu trên, Hội đồng quản trị có trách nhiệm, quyền hạn xét, kết nạp (thẩm định cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân đủ điều kiện kết nạp, thành viên của QTDND), lập danh sách kết nạp thành viên mới và đề nghị Đại hội thành viên thông qua. Trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản trị, Đại hội thành viên QTDND là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc kết nạp thành viên mới, sau khi Đại hội thành viên thông qua danh sách kết nạp thì thành viên đó mới đủ tư cách là thành viên của QTDND. Việc sửa đổi các quy định kết nạp thành viên mới của QTDND cần phải được thực hiện thông qua việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng.

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã giao tại Mục 3 Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về Chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 12/2022, NHNN đang tiếp tục hoàn thiện và có công văn gửi Bộ Tư pháp đề nghị đưa Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác