(MPI) - Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Điều phối Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ lần thứ 4 diễn ra ngày 19/5/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện thành công Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình hành động theo Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 01/8/2022 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị và quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành để điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển vùng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đề xuất rà soát 06 nhóm cơ chế, chính sách, cụ thể về đầu tư các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng; về phát triển các ngành kinh tế biển, cụm liên kết ngành; về phát triển doanh nghiệp và thu hút dự án đầu tư quy mô lớn; về tài chính để huy động, phân bổ và chia sẻ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu chung của vùng; về đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng: giao thông, y tế, giáo dục,…; về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: MPI |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, thể hiện sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ đối với việc xây dựng Quy hoạch của các vùng trong cả nước.
Để triển khai có hiệu quả Quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ các nội dung cần tập trung triển khai, thực hiện. Theo đó, thứ nhất, cần phổ biến bản Quy hoạch vùng này một cách rộng rãi, công khai, minh bạch tới người dân, doanh nghiệp các thành phần kinh tế trong và ngoài nước nhằm thu hút sự tham gia của các bên liên quan một cách hiệu quả nhất.
Thứ hai là, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có kế hoạch cụ thể, tăng cường phối hợp với đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương trong vùng; phá bỏ tư duy cục bộ trước hết là trong việc triển khai thực hiện dự án có vai trò vùng.
Thứ ba là, cần đổi mới tư duy, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của từng bộ, ngành và địa phương, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển của Vùng. Phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển.
Thứ tư là, tăng cường liên kết vùng, hình thành các cụm liên kết ngành, khu kinh tế ven biển lớn gắn với các đô thị, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái ven biển có sức hấp dẫn cao khách quốc tế. Phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, nhất là cảng biển chuyên dụng gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp lọc hóa dầu.
Thứ năm là, phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây nhằm kết nối hiệu quả các cảng biển, khu kinh tế, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị ven biển, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.
Về tình hình triển khai một số dự án quan trọng, liên kết vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với các dự án đang triển khai và chưa có khó khăn vướng mắc như dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông; dự án Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột; dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 của Khánh Hòa, đề nghị các Bộ, địa phương tập trung hoàn thành theo đúng tiến độ.
Dự án trọng điểm quốc gia Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam: Dự án chưa hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư. Tỉnh Bình Thuận đang hoàn chỉnh hồ sơ Bác cáo nghiên cứu khả thi để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định. Tiến độ tiển khai dự án chậm, chưa đạt yêu cầu so với kế hoạch đề ra. Đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về các dự án đường ven biển: Tuyến đường bộ ven biển tại các địa phương trong Vùng dài 1.636 km (cả nước 3.034 km) đã được ưu tiên bố trí nguồn vốn NSTW trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Các địa phương đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đến nay đã hoàn thành một số dự án: đoạn tuyến Nga Sơn - Hoằng Hóa; đoạn tuyến từ điểm giao Quốc lộ 46 đến Tỉnh lộ 535, tỉnh Nghệ An; đoạn tuyến Dung Quất – Sa Huỳnh (giai đoạn I).
Tuy nhiên, hiện nay một số dự án đường ven biển có khối lượng thực hiện và giải ngân thấp, chậm tiến độ, như: đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia (Thanh Hóa) theo hình thức BOT; Đường ven biển và Cầu Nhật Lệ 3 (Quảng Bình); Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây (Quảng Trị); Dự án Trục ven biển ĐT.719B đoạn Hòn Lan - Tân Hải (Bình Thuận).
Đối với các dự án đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng phương án đầu tư kêu gọi vốn đầu tư: đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để tính toán kỹ phương án, phương thức đầu tư, các nguồn vốn đầu tư và phân kỳ đầu tư đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, đồng thời chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc và có đề xuất cụ thể, khả thi.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, với vai trò là Thường trực Hội đồng điều phối vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị các bộ, địa phương tiếp tục triển khai 11 nhiệm vụ đã giao trong năm 2023 và đề xuất các nhiệm vụ cần thiết cho hoạt động của Hội đồng điều phối vùng, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan đến đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các nội dung: các dự án động lực phát triển vùng; tổ chức và cơ chế hoạt động của các tiểu vùng; hình thức và chính sách phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển; cơ chế điều phối, liên kết trong các lĩnh vực du lịch, môi trường, tìm kiếm cứu nạn; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ Hội đồng Vùng, nghiên cứu phần mềm chuyên dụng, kết nối liên thông.
Về cơ chế, chính sách đặc thù: Các Bộ, ngành, địa phương tham gia ý kiến cho từng cơ chế, chính sách cụ thể để tiếp tục hoàn thiện.
Về quy hoạch vùng: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng; các Bộ, địa phương thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quy hoạch Vùng.
Về các dự án quan trọng, liên kết vùng: Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã khởi công.
Đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư hoặc nghiên cứu triển khai: Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sáchđặc thù để sớm triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư