Nội dung kiến nghị số 25 tại văn bản số 840/VPCP-QHĐP:
Cử tri kiến nghị tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đẩy nhanh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; triển khai các chính sách để thu hút lao động tự sản tự tiêu, lao động không tham gia hoạt động kinh tế tham gia thị trường lao động; nghiên cứu xây dựng các chương trình, chính sách đào tạo phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn lao động, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống của người dân.
Trả lời:
- Về các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đẩy nhanh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội:
Thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định, Công điện, Chỉ thị để chỉ đạo triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người lao động, cụ thể như sau:
+ Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành và địa phương rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, nhất là chính sách phân cấp về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; giải quyết các vấn đề tồn đọng, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường trái phiếu, bất động sản, quy hoạch, đầu thầu, xăng dầu, mua sắm thuốc, phòng cháy, chữa cháy...; tổ chức 26 Tổ công tác của Thành viên Chính phủ trực tiếp làm việc với các địa phương, phát huy hiệu quả của 05 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; trình Quốc hội sửa đổi các luật, đặc biệt vừa qua Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Đất đai sửa đổi, cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đấu thầu (sửa đổi),... đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; nhằm tháo gỡ tổng thể, đồng bộ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm và đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
+ Tăng cường hỗ trợ tiếp cận tín dụng: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai đồng bộ các giải pháp đồng bộ để ổn định lãi suất, giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 04 lần giảm lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân phát sinh mới ngoài thị trường đã giảm từ 1-2% so với năm 2022.
+ Cắt giảm chi phí, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp: Miễn, giảm, gia hạn thuế[1], từ ngày 01/7/2023, thuế VAT giảm 10% xuống 8% đối với một số mặt hàng, có 36 loại phí, lệ phí được giảm[2], giãn hoãn nộp tiền thuê đất thuê mặt nước, giảm thuế bảo vệ môi trường[3] đối với xăng dầu nhiều mặt hàng xuống 70%. Trong năm 2023, đã miễn, giảm, gia hạn khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng thuế, phí, tiền sử dụng đất (trong đó miễn, giảm khoảng 78,35 nghìn tỷ đồng); đẩy nhanh triển khai Đề án đầu tư 01 triệu căn nhà ở xã hội, các gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15 nghìn tỷ đồng cho vay lâm sản, thuỷ sản;
+ Thực hiện tốt chế độ, chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, chăm lo, hỗ trợ người lao động, đối tượng chính sách; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động[4]. Tăng cường kết nối cung cầu, kịp thời hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm giờ làm, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ để ổn định đời sống người dân, người lao động.
+ Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, trong đó có các nhiệm vụ giải pháp về lao động trong ngắn hạn như hỗ trợ doanh nghiệp tạo cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động; và trong trung và dài hạn: hỗ trợ tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, các bộ, ngành và địa phương đang tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được giao.
Hiện nay, nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu tác động kép từ yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế bất cập nội tại nhiều năm, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, người lao động...vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động, linh hoạt ứng phó, thích ứng với tình hình; phát huy cơ hội từ thị trường trong nước và xuất khẩu nhằm phục hồi nhanh tăng trưởng kinh tế, cụ thể các giải pháp sau:
(i) Đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính. Tiếp tục xử lý từng bước chắc chắn, tháo gỡ triệt để những tổn tại, hạn chế, vướng mắc kéo dài, nhất là trong phân cấp, phân quyền. Chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, nhất là dịch vụ công trực tuyến. Bãi bỏ, sửa đổi các quy định, điều kiện kinh doanh không cần thiết, không phù hợp với thực tiễn, khả năng áp dụng của doanh nghiệp. Tiếp tục phát huy hiệu quả các Tổ công tác của các bộ, địa phương về cải cách thủ tục hành chính; cơ chế Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
(ii) Tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tranh thủ cơ hội từ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xu hướng phục hồi của các thị trường xuất khẩu. Tăng cường xúc tiến, thu hút các dư án đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...
(iii) Bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, đảm bảo đời sống người dân. Theo dõi nắm bắt tình hình lao động, việc làm, có giải pháp hỗ trợ kịp thời, bảo dảm ổn định đời sống người lao động; tăng cường kết nối cung cầu, hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề bền vững.
- Về triển khai các chính sách để thu hút lao động tự sản tự tiêu, giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và người lao động thuộc nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương, cần tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; đồng thời, thực hiện các giải pháp thúc đẩy quá trình chính thức hóa khu vực phi chính thức nhằm giảm quy mô của lao động có việc làm phi chính thức. Cụ thể, tập trung:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về việc làm, thị trường lao động phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tăng cường đầu tư nguồn lực cho các chương trình, đề án tạo nhiều việc làm bền vững, nhất là việc làm năng suất cao; nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ tuyển dụng và sử dụng các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo tham gia thị trường lao động, có việc làm bền vững. Tăng cường các nguồn tín dụng để thúc đẩy tạo việc làm mới, việc làm cho đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và chính sách hỗ trợ để thu hẹp khu vực kinh tế phi chính thức theo hướng chính thức hóa và khuyến khích các chủ thể ở khu vực kinh tế phi chính thức chuyển sang hoạt động ở khu vực kinh tế chính thức thông qua thành lập hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động và phát triển sau khi chuyển đổi từ hộ kinh doanh, thông qua hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, tiếp cận tín dụng, nâng cao năng lực công nghệ, kỹ năng quản lý, tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, xúc tiến và mở rộng thị trường…
Thứ hai, theo dõi chặt chẽ tình hình lao động, việc làm; kịp thời xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh (lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ việc, nhất là trong các ngành sử dụng nhiều lao động, tại các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất) để có phương án hỗ trợ kịp thời, hiệu quả. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; tăng cường kết nối cung cầu lao động trong nước và thị trường lao động quốc tế; tăng cường năng lực, chủ động phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình lao động, việc làm, các vấn đề an sinh xã hội.
Thứ ba, thường xuyên rà soát, nắm tình hình lao động, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; kết nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, giữa các địa phương để kịp thời cung ứng lao động theo nhu cầu của doanh nghiệp; khắc phục tình trạng thiếu lao động cục bộ ở một số ngành nghề, thiếu lao động có trình độ kỹ năng nghề. Đồng thời, tăng cường hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động trong khu vực phi chính thức; nghiên cứu xây dựng các chương trình, phương pháp đào tạo phù hợp, bảo đảm tính thực tế, dễ tiếp cận, ít tốn kém, gắn đào tạo với việc làm và lập nghiệp; xã hội hóa hoạt động giáo dục nghề nghiệp để tăng hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của người lao động, nhất là lao động trong khu vực phi chính thức.
Thứ tư, tăng cường công tác thực thi pháp luật về lao động thông qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm, tôn trọng luật pháp đối với cả người sử dụng lao động cũng như người lao động. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về hợp đồng lao động, an toàn, vệ sinh lao động, tham gia bảo hiểm xã hội... Thực hiện tốt, kịp thời chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương; đẩy mạnh việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ưu tiên nguồn lực xây dựng hạ tầng phục vụ nhu cầu an sinh xã hội cho người lao động (như các thiết chế nhà ở, văn hóa, y tế, giáo dục…)./.
[1] Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ, Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ.
[2] Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ, Thông tư số 44/2023/TT-BTC ngày 26/9/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
[3] Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 của UBTVQH.
[4] Nghị định số 26/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư