Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Nam

Ngày 22/03/2024 - 14:52:00 | 269 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

1. Nội dung kiến nghị (số 04 tại văn bản số 48/BDN): Cử tri đề nghị trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 và sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hướng bỏ bước đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm; cụ thể: sau khi quyết định chủ trương đầu tư, đăng tải danh mục dự án mời gọi các nhà đầu tư quan tâm sẽ triển khai thực hiện ngay các trình tự đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Trả lời:

Tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành và địa phương liên quan đến các nội dung được quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi tại dự thảo Nghị định hướng dẫn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh để thay thế Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 09/2024 để bảo đảm phù hợp với thời điểm Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực thi hành  từ ngày 01/01/2025.

 Do đó, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cơ quan trực thuộc nghiên cứu để góp ý các nội dung cần đề xuất sửa đổi gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 trình Chính phủ xem xét theo quy định.

2. Nội dung kiến nghị (số 05 tại văn bản số 48/BDN): Cử tri đề nghị nghiên cứu, trình Chính phủ bổ sung quy định về chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các dự án BT sang hình thức khác. Hiện nay một số dự án BT đã ký hợp đồng thực hiện dự án, đã triển khai thực hiện đầu tư, do nhiều nguyên nhân khách quan việc triển khai thực hiện dự án theo hợp đồng BT không còn phù hợp (do thay đổi quy hoạch, mục tiêu phát triển…), cần nghiên cứu chuyển sang hình thức đầu tư khác. Tuy nhiên quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) hiện hành chưa có quy định về chuyển hình thức thực hiện dự án BT sang hình thức đầu tư khác.

Trả lời:

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 477/TB-VPCP ngày 20/11/2023 về tình hình thự hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản số 118/BKHĐT-QLĐT ngày 04/01/2024 tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng Chính phủ phương án sửa đổi, bổ sung các Nghị định có liên quan đến đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có đề cập vướng mắc các dự án BT nêu trên. Theo đó, đề nghị cử tri Hà Nam theo dõi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và những điều chỉnh, bổ sung trong quy định của pháp luật về PPP (bao gồm cả đầu tư theo hình thức hợp đồng BT trước đó) để triển khai thực hiện. Đồng thời, pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP không quy định chuyển đổi phương thức đầu tư BT sang phương thức đầu tư khác.

3. Nội dung kiến nghị (số 06 tại văn bản số 48/BDN): Cử tri đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật về đầu tư và về quản lý cụm công nghiệp chưa thống nhất trong việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp để các địa phương triển khai thực hiện đảm bảo thống nhất, cụ thể: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư năm 2020 và khoản 2 Điều 33 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 21/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, do đó phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Tuy nhiên tại điểm a khoản 1 Điều 18 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp quy định: “Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp… không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư”.

Trả lời:

Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật này và thủ tục thành lập, mở rộng cụm công nghiệp theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020) là hai thủ tục khác nhau. Do vậy, về nguyên tắc, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp phải thực hiện cả thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục thành lập cụm công nghiệp theo các quy định này.

Theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP với các quy định của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Nghị định số 66/2020/NĐ-CP về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư thì các quy định của Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP được ưu tiên áp dụng.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác