Thứ hai, 00/00/2023
°

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Phòng

Ngày 22/03/2024 - 14:58:00 | 102 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

1. Nội dung kiến nghị (số 09 tại văn bản số 48/BDN): Cử tri phản ánh, hiện nay, việc giao cho cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư là chưa phù hợp, do phần lớn cán bộ, công chức tại các phòng ban chuyên môn hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã không có đủ năng lực, không am hiểu và nắm rõ quy trình thực hiện dự án... Cử tri kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 27 Luật Đầu tư công năm 2019 theo hướng mở rộng đối tượng được giao lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư cho Ban Quản lý dự án chuyên ngành hoặc Ban Quản lý dự án khu vực để dự án thực hiện sẽ đạt hiệu quả cao hơn.  

Trả lời:

Khoản 1 Điều 27 Luật Đầu tư công quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm giao cơ quan chuyên môn hoặc Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Qua đó, giúp tăng cường sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp dưới trong quá trình xây dựng các nội dung chủ yếu của Dự án, phù hợp với tình hình thực tế của ngành, lĩnh vực trên địa bàn. Luật không giao các ban quản lý dự án lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, để bảo đảm tính khách quan khi ban quản lý dự án có thể vừa là đơn vị lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, đồng thời là đơn vị thực hiện sau khi dự án được phê duyệt.

Trong quá trình thực hiện, cơ quan chuyên môn hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có thể tham mưu, lấy ý kiến của các Ban Quản lý dự án. Cơ quan chuyên môn hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có thể thuê đơn vị tư vấn để lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; chi phí thuê tư vấn được tính trong tổng mức đầu tư của dự án theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 5 và khoản 1 Điều 10 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP (đối với dự án có cấu phần xây dựng) và khoản 2 Điều 27 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP (đối với dự án không có cấu phần xây dựng).

2. Nội dung kiến nghị (số 10 tại văn bản số 48/BDN): Cử tri cho rằng, khoản 2 Điều 68 Luật Đầu tư công năm 2019 chưa xác định cụ thể các trường hợp “bất khả kháng”, gây khó khăn cho quá trình thực hiện; đồng thời quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định kéo dài đối với vốn ngân sách địa phương sẽ mất nhiều thời gian, thiếu tính chủ động cho các địa phương (cấp huyện, cấp xã) vì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thường tổ chức từ 02 đến 03 kỳ họp/năm. Cử tri kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, sửa đổi khoản 2 Điều 68 Luật Đầu tư công năm 2019 theo hướng cho phép Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31/12 năm sau đối với nguồn vốn ngân sách cấp mình quản lý; đồng thời quy định cụ thể những trường hợp nào được phép kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn.

Trả lời:

- Về đề nghị quy định cụ thể các trường hợp bất khả kháng: các trường hợp bất khả kháng rất đa dạng và phức tạp, tùy vào tính chất, đặc điểm, thời điểm khác nhau của sự kiện. Do đó, việc quy định trong luật sẽ không bao quát hết các trường hợp được coi là bất khả kháng trong thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công.

Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định khái niệm sự kiện bất khả kháng, là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Căn cứ quy định nêu trên, tình hình thực tiễn của địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm.

- Về quy định phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định kéo dài thời gian thực hiện đối với ngân sách cấp mình quản lý: Nội dung này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tư pháp trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 514/BC-CP ngày 05/10/2023 về việc rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội. Trong đó, Chính phủ đề xuất xử lý theo hướng phân cấp cho Hội đồng nhân dân các cấp quyết định kéo dài vốn ngân sách địa phương thuộc cấp mình quản lý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ nghiên cứu, đề xuất trong quá trình sửa đổi quy định của Luật Đầu tư công.

3. Nội dung kiến nghị (số 19 tại văn bản số 48/BDN): Cử tri phản ánh, thủ tục thành lập cụm công nghiệp vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định của pháp luật về đầu tư và về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, ảnh hưởng đến tiến độ thành lập cụm công nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, với quy định của Luật Đầu tư năm 2020; Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở và sử dụng các dịch vụ tiện ích công cộng; đồng thời, sửa đổi để thống nhất quy định về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp (Luật Đầu tư 2020, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP).

Trả lời:

Tại các Điều 29 và Điều 32 Luật Đầu tư đã quy định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án có đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (bao gồm dự án xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp)…

Theo quy định về thủ tục thành lập, mở rộng cụm công nghiệp tại Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 22/5/2017 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp thì dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn…  

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Đầu tư với các quy định của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư thì các quy định của Luật Đầu tư được ưu tiên áp dụng.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Công Thương phối hợp cung cấp thêm thông tin về nội dung trên và vấn đề về mua, thuê, thuê mua nhà ở, sử dụng các dịch vụ tiện ích công cộng trong cụm công nghiệp trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 68/2017/NĐ-CP để Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng trả lời kiến nghị của cử tri.

4. Nội dung kiến nghị (số 20 tại văn bản số 48/BDN): Cử tri phản ánh, hiện nay trên cả nước có rất nhiều khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động, thu hút hàng trăm nghìn lao động. Tuy nhiên, có rất ít khu công nghiệp xây dựng được thiết chế văn hóa thể thao phục vụ người lao động. Cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo từ khâu phê duyệt Dự án đến triển khai xây dựng khu công nghiệp phải gắn với xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao, xây dựng trường học, nhất là các trường mầm non tại các khu công nghiệp để công nhân lao động được rèn luyện thể lực, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội trong công nhân lao động.

Trả lời:

Nhu cầu về nhà ở, các công trình dịch vụ tiện ích cho công nhân tại mỗi khu công nghiệp và mỗi địa phương là khác nhau phụ thuộc vào việc khu công nghiệp sử dụng lao động tại địa phương hay lao động di cư.

Để đảm bảo việc phát triển đồng bộ giữa hạ tầng khu công nghiệp và nhà ở công nhân và các công trình dịch vụ tiện ích cho người lao động trong khu công nghiệp; đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân trong khu công nghiệp, tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP đã bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn so với Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, cụ thể:

- Việc lập Danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải đáp ứng điều kiện có quỹ đất tối thiểu bằng 2% tổng diện tích của các khu công nghiệp trong Danh mục các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.

- Một trong các điều kiện đầu tư hạ tầng khu công nghiệp mới là có quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp hoặc cụm các khu công nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đối với việc đầu tư hạ tầng khu công nghiệp mở rộng trên cơ sở khu công nghiệp đã được thành lập trước đó và có cùng nhà đầu tư thực hiện hoặc sử dụng vốn đầu tư công thì phải đáp ứng điều kiện đã xây dựng, đưa vào sử dụng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp hoặc cụm các khu công nghiệp đã được thành lập trước đó theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy định tại khoản 7 Điều 9 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác