Thứ hai, 00/00/2023
°

Những chính sách ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế

Ngày 25/09/2024 - 17:52:00 | 555 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Tại Phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo các tỉnh, thành phố với các khách mời, các tập đoàn trong nước và quốc tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã chia sẻ về những chính sách ưu tiên của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế, trước hết là đối với ngành công nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp cả lớn, cả nhỏ có thể chuyển đổi được.

Phiên đối thoại diễn ra chiều ngày 25/9/2024 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đối thoại nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại Thành phố cũng như vấn đề chiến lược quốc gia, đồng thời kiến nghị với Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.

Tiếp tục rà soát các quy định hiện hành liên quan đến hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi xanh

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại phiên đối thoại. Ảnh: Chinhphu.vn

Chia sẻ về những chính sách ưu tiên Chính phủ đã, đang và sẽ làm để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế, trước hết là đối với ngành công nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp cả lớn, cả nhỏ có thể chuyển đổi được, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, chính sách tổng thể chúng ta đã có những cấp độ văn bản khác nhau đối với chuyển đổi nền kinh tế nói chung ở khái niệm rộng và chuyển đổi công nghiệp nói riêng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về đổi mới, sáng tạo.

Hiện nay, những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm đã được Đại hội Đảng XIII thông qua; đã vạch rõ đường lối, chủ trương, quyết sách liên quan đến chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế gắn với các mục tiêu cụ thể về nâng cao chất lượng hiệu quả nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cụ thể, việc cơ cấu lại nền kinh tế tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm, gồm, cơ cấu lại ngân sách nhà nước; cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước; cơ cấu lại đầu tư công. Đây là 3 trọng tâm để thúc đẩy tác động đến chuyển đổi nền kinh tế. Bên cạnh đó, có những chính sách cụ thể của từng ngành, lĩnh vực trong ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại…

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh hai quá trình thúc đẩy chuyển đổi với ngành công nghiệp (chuyển đổi kép), đó là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đi song hành với nhau. Để thực hiện thành công thì thúc đẩy đổi mới sáng tạo là yêu cầu bức thiết.

Về các chính sách đã ban hành, Thứ trưởng Trần Quốc Phương thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hai quyết định quan trọng là, Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" và Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 về “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030”. Đây là hai quyết định mang tính then chốt để chúng ta bước sang giai đoạn mới thúc đẩy sự chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Đối với chuyển đổi xanh, hiện đã có những quy định cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường với những tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức để xác định thế nào là doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh, dự án xanh… những điều này sẽ quyết định đến việc áp dụng cơ chế, chính sách hiện nay trong các quy định của pháp luật để hỗ trợ các doanh nghiệp đang thực hiện quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong nền kinh tế.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ và rà soát các quy định hiện hành liên quan đến hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp thúc đẩy chuyển đổi xanh. Qua đó, kiến nghị điều chỉnh những chính sách không còn phù hợp và ban hành những chính sách mới.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ trình chính sách mới được Thủ tướng chỉ đạo sớm ban hành là Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Nhấn mạnh thêm về các chính sách ưu tiên để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nền kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Hệ thống chính trị của Việt Nam do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra đường lối phát triển công nghiệp, như Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ phải thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết này để thực hiện hiệu quả, với một số nhiệm vụ như Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại đối thoại. Ảnh: Chinhphu.vn

Việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải phù hợp với điều kiện Việt Nam và xu thế thế giới. Chính phủ phải nắm chắc tình hình quốc tế, khu vực và trong nước liên quan tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo đó, phải xây dựng và hoàn thiện thể chế, vừa qua Chính phủ đã báo cáo Quốc hội sửa nhiều luật như Luật Giao dịch điện tử, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản... và đang xây dựng nhiều luật khác như Luật Dữ liệu. Trong kỳ họp thứ 8 sắp tới của Quốc hội, số lượng luật thông qua và thảo luận là nhiều nhất từ trước tới nay. Chính phủ cũng ban hành các nghị định, các quyết định quy phạm pháp luật.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực; thúc đẩy phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và không thể không có hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa; hình thành quản trị phù hợp với chuyển đổi; có lộ trình, kế hoạch, bước đi đào tạo nguồn nhân lực.

Ngoài ra, phải huy động sự giúp đỡ, chia sẻ của bạn bè, đối tác quốc tế về kinh nghiệm, nguồn lực…, bởi chuyển đổi là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là theo hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Chính sách cụ thể để thu hút đầu tư FDI thế hệ mới

Tại phiên đối thoại, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng chia sẻ về chính sách cụ thể để thu hút đầu tư các doanh nghiệp "đầu đàn" về chip, bán dẫn… đặc biệt lĩnh vực đầu tư FDI thế hệ mới. Thứ trưởng cho biết, định hướng chỉ đạo chung tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 là thu hút những dự án có quy mô lớn, dự án thân thiện với môi trường, dự án có công nghệ cao để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Để triển khai các định hướng của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng chương trình hành động, các cơ chế, chính sách cụ thể. Hiện nay, để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cần phải bảo đảm các điều kiện căn bản để các nhà đầu tư có thể nhìn vào và đến với Việt Nam.

Đầu tiên là các định hướng phát triển và chính sách phải rõ ràng, minh bạch. Theo đó, định hướng trong chiến lược phát triển của Việt Nam cũng như là trong các kế hoạch cụ thể phát triển ngành, lĩnh vực để các nhà đầu tư quan tâm.

Thứ hai, liên quan các điều kiện căn bản của đầu tư nước ngoài, bao gồm điều kiện về đất đai, điều kiện về nguồn nhân lực, điều kiện về năng lượng… Trong thời gian qua, Việt Nam có rất nhiều thay đổi đối với việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến ba yếu tố này để thu hút các nhà đầu tư, đón nhận các thay đổi về dòng vốn đầu tư trong bối cảnh mới, bao gồm sửa đổi Luật Đất đai để tăng cơ hội tiếp cận đất đai cho các nhà đầu tư.

Đối với nguồn năng lượng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050  (Quy hoạch Điện VIII) và Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo rất quyết liệt trong triển khai đường dây 500 kV mạch 3 với một mục tiêu cao nhất là không để thiếu điện cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Đối với đào tạo nguồn nhân lực, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, đây cũng là một định hướng, đột phá lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong phát triển nguồn nhân lực, đối với việc thu hút, hấp dẫn các dự án đầu tư thế hệ mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bán dẫn, hay các lĩnh vực mới, thì có các chính sách bổ sung. Mới đây nhất là các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" và “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2040, đào tạo được trên 100 nghìn kỹ sư, cử nhân ngành bán dẫn để phục vụ định hướng thu hút đầu tư mới.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết thêm, hiện nay, để duy trì được môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, Thủ tướng Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư và trong đó đối tượng của quỹ hỗ trợ đầu tư là hướng tới thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp mới về chip bán dẫn, hydrogen xanh… để hỗ trợ cho doanh nghiệp có tính khả thi trong việc mở rộng đầu tư ở Việt Nam, giữa các dự án hiện hành mà doanh nghiệp đang vận hành với việc mở rộng, đầu tư thêm dự án mới mà doanh nghiệp đã triển khai ở Việt Nam.

Cũng liên quan đến vấn đề thu hút FDI, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong phát triển đất nước thì nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. FDI mang lại nguồn vốn, công nghệ, quản trị, góp phần đào tạo nhân lực và thị trường.

Trong điều kiện hiện nay của chúng ta, nguồn vốn FDI rất quan trọng và mang tính đột phá vì nguồn lực bên trong có hạn. Từ đầu năm tới nay, FDI toàn cầu suy giảm nhưng Việt Nam vẫn thu hút 21 tỷ USD nguồn vốn FDI đăng ký và giải ngân 14 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, như vậy việc thu hút của chúng ta có hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh, muốn thu hút FDI phải có thể chế thông thoáng, tháo gỡ các vướng mắc, cản trở về thủ tục đầu tư, giảm thủ tục, phân cấp, phân quyền cho địa phương nhiều hơn. Cùng với đó, hạ tầng phải thuận tiện, thông suốt, việc này ngoài tạo không gian phát triển mới, tăng giá trị đất đai thì còn giảm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và nền kinh tế. Đồng thời, quan tâm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành mới nổi như chíp bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây….

“Chúng tôi kêu gọi các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào Việt Nam vì đang xây dựng cơ chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, con người và quản trị thông minh. Việt Nam cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự. Tôi tin Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn hiện nay và tương lai”, Thủ tướng nhấn mạnh./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác