[Canon Việt Nam] Kiến nghị cho Dự thảo Nghị quyết áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao
Công ty TNHH Canon Việt Nam xin kiến nghị cụ thể như sau:
1. Về đối tượng hỗ trợ:
Chúng tôi nhận thấy rằng Dự thảo chỉ quy định duy nhất một đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu là những doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, có quy mô lớn, đồng thời có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Việc quy định hỗ trợ cho một đối tượng duy nhất là chưa hợp lý, không đảm bảo theo chủ trương, quy định về đảm bảo ưu đãi tại Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện tại vì Luật Đầu tư quy định các đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư gồm nhiều lĩnh vực ngành nghề, quy mô và địa bàn đầu tư như sản xuất sản phẩm điện tử, sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành….Thêm vào đó, quy định cũng chưa phù hợp với tình hình thực tiễn khi có nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng chỉ duy nhất một đối tượng doanh nghiệp được hỗ trợ.
Vì vậy, chúng tôi xin đề xuất bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ tại khoản 5, Điều 2 của Dự thảo nhằm đảm bảo ưu đãi đầu tư theo chủ trương, quy định tại điểm c, khoản 1, điều 16 về ngành nghề ưu đãi đầu tư; điểm a, khoản 1, Điều 18 về hình thức hỗ trợ của Luật Đầu tư và khoản 1, Điều 14 về thời gian miễn, giảm thuế và khoản 1, 2, Điều 15 về các trường hợp giảm thuế khác của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và nhà nước, nhiều doanh nghiệp có thể thụ hưởng từ chính sách hỗ trợ này đồng thời vẫn phù hợp với việc chọn lọc đối tượng theo hướng dẫn của OECD. Cụ thể đề xuất như sau:
“Điều 2: Đối tượng áp dụng
5. Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm điện tử có quy mô vốn đăng ký đầu tư từ 7.000 tỷ đồng trở lên và sử dụng từ 15.000 lao động thường xuyên trở lên.”
Việc đề xuất bổ sung đối tượng này là vì các lý do sau:
- Đảm bảo chủ trương, quy định về đảm bảo ưu đãi đầu tư và công bằng cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi Trụ cột 2 như đã trình bày chi tiết ở trên.
- Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng là những doanh nghiệp có quy mô lớn, không chỉ đóng góp vào duy trì, tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động mà còn đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội thông qua duy trì và phát triển chuỗi nhà cung ứng, đảm bảo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trong chuỗi cung ứng đó. Cụ thể, Canon Việt Nam chúng tôi hiện có 130 nhà cung cấp linh kiện, nguyên, vật liệu trực tiếp cho sản xuất sản phẩm tại VN trong tổng hơn 330 nhà cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu và tổng hơn 600 nhà cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện và dịch vụ trên toàn cầu.
2. Về hình thức hỗ trợ đầu tư:
Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 18 về hình thức hỗ trợ đầu tư tại Luật Đầu tư 2020 và tinh thần của OECD trong việc khuyến khích đầu tư thực chất, chúng tôi đề xuất bổ sung thêm hình thức hỗ trợ đầu tư vào Dự thảo Nghị quyết:
“Điều 3: Hình thức hỗ trợ đầu tư
1. Hình thức hỗ trợ đầu tư:
b, Hỗ trợ chi phí tạo tài sản cố định & hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án đầu tư”.
3. Tên gọi của Dự thảo:
Để đảm bảo tính logic của Dự thảo, chúng tôi đề xuất sửa đổi tên Dự thảo Nghị quyết thành “Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao & sản xuất sản phẩm điện tử quy mô lớn”.
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn và rất mong nhận được sự thấu hiểu, hỗ trợ của quý Cơ quan!
Mọi thông tin, vui lòng liên hệ với đại diện công ty:
Bà Đào Thị Thu Huyền
PGĐ Bộ phận Đối ngoại & Trách nhiệm xã hội
Điện thoại: 0985.228.582
Email: pl-nego@canon-vn.com.vn