Góp ý dự thảo Nghị định lựa chọn nhà thầu
I. Ý kiến chung
Dự thảo Nghị định quy định khá nhiều thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan nhà nước phát sinh thêm trong đấu thầu, trong bối cảnh Chính phủ nỗ lực đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục hành chính nội bộ. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bỏ các bước, thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện cho công tác đấu thầu trong tổng thể 1 dự án, nhiệm vụ mua sắm.
Cùng với quy định nhiều thủ tục, dự thảo Nghị định không quy định rõ chi tiết đối với từng thủ tục (thành phần hồ sơ, thời gian, các bước, chủ thể thực hiện) dẫn tới quá trình áp dụng sẽ gây lúng túng cho các cơ quan, đơn vị hoặc dẫn tới cách hiểu khác nhau về cùng một vấn đề. Đề nghị với mỗi việc, thủ tục cần quy định rõ tên công việc, thời gian thực hiện, đơn vị chủ trì thực hiện, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, hồ sơ cần đáp ứng, mẫu biểu, kết quả (sản phẩm).
II. Ý kiến cụ thể đối với dự thảo Nghị định
1. Điều 3, bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu:
- Khoản 1 Điều 3: đề nghị sửa đổi, bổ sung
“1. Nhà thầu tham dự thầu gói thầu thi công, triển khai xây lắp, mua sắm hàng hóa, phi itw vấn phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây:
a) Nhà thầu tư vấn lập, tư vấn thẩm tra, tư vấn thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế chi tiết, thiết kế kỹ thuật, …, tư vấn kiểm định, nhà thầu kiểm thử độc lập, tư vấn quản lý hợp đồng, …”.
- Khoản 6 Điều 3: Đề nghị sửa đổi, bổ sung:
“6. Nhà thầu tư vấn có thể được phép tham gia cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ tư vấn cho cùng một dự án, gói thầu bao gồm:
…
c) Lập, thẩm tra, thẩm định khảo sát nếu pháp luật chuyên ngành có quy định, báo cáo nghiên cứu khả thi
d) Lập, thẩm tra, thẩm định khảo sát nếu pháp luật chuyên ngành có quy định, báo cáo kinh tế kỹ thuật;
đ) Lập, thẩm tra, thẩm định khảo sát bổ sung nếu pháp luật chuyên ngành có quy định, hồ sơ thiết kế, dự toán;
2. Điều 14, Trình tự, thẩm định và phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu cho dự án
a) Quy định tại Điều này TRÁI với quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Đấu thầu. Cụ thể:
- Khoản 1 Điều 36 Luật Đấu thầu quy định “Căn cứ quy mô, tính chất công tác đấu thầu của dự án, chủ đầu tư hoặc cơ quan chuẩn bị dự án CÓ THỂ trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu”. Nghĩa là Luật quy định không bắt buộc.
- Khoản 1 Điều 14 dự thảo Nghị định quy định “Căn cứ quy mô, tính chất công tác đấu thầu của dự án, ….chủ đầu tư CÓ TRÁCH NHIỆM trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc lập kế hoạch tổng thể….”. Nghĩa là Nghị định quy định bắt buộc phải lập, trình, phê duyệt kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu.
=> Đề nghị cơ quan soạn thảo tuân thủ đúng quy định của Luật và hướng dẫn, quy định theo hướng trường hợp Chủ đầu tư lựa chọn thì thực hiện theo quy định chi tiết của Nghị định. Trường hợp không lựa chọn việc này thì bỏ qua, không phải áp dụng quy định của Nghị định.
Đồng thời, quy định tại khoản 1 Điều 14 cũng chưa đồng nhất với các quy định khác của dự thảo Nghị định này về kế hoạch lựa tổng thể lựa chọn nhà thầu được duyệt. Cụ thể: điểm a khoản 1 Điều 22 dự thảo Nghị định quy định “Kế hoạch tổng thể …(nếu có)”, nghĩa là không bắt buộc phải có.
b) Quy định tại Điều này làm phát sinh thủ tục hành chính khi triển khai dự án trong bối cảnh chủ trương, kế hoạch của Chính phủ trong việc đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan nhà nước. Cụ thể:
- Phát sinh thủ tục trình, xem xét, phê duyệt CHỦ TRƯƠNG lập kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu. Trong khi đó không quy định cụ thể hồ sơ, nội dung phê duyệt chủ trương, thời gian phê duyệt chủ trương, hình thức thể hiện, ghi nhận đồng ý chủ trương là gì? (văn bản quyết định phê duyệt chủ trương hay bút phê chỉ đạo, hay công văn hành chính?).
- Phát sinh thủ tục, sau khi đồng ý chủ trương, chủ đầu tư phải làm thêm bước lập kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, ở bước này lại có thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn lập kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu. Để phê duyệt được nhà thầu tư vấn lập kế hoạch tổng thể lại cần lập, trình, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể => Quá nhiều thủ tục cho việc lập kế hoạch đấu thầu tổng thể.
- Phát sinh thủ tục, sau khi lập được kế hoạch đấu thầu tổng thể, chủ đầu tư phải trình người có thẩm quyền xem xét => người có thẩm quyền thành lập Tổ thẩm định kế hoạch đấu thầu tổng thể, trong khi không quy định thành viên của Tổ, yêu cầu, tại sao không giao cho đơn vị có thẩm quyền thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu mà lại phát sinh thêm Tổ thẩm định => Tổ thẩm định trình người có thẩm quyền xem xét, phê duyệt kế hoạch đấu thầu tổng thể, trong khi đó không quy định rõ thời gian thẩm định, hồ sơ Tổ thẩm định trình phê duyệt.
- Phát sinh thủ tục phê duyệt kế hoạch đấu thầu tổng thể mà không quy định rõ thời gian phê duyệt, hồ sơ trình phê duyệt (sau thẩm định).
3. Điều 16, Lập giá gói thầu
a) Đề nghị xem xét tính đồng nhất giữa quy định tại khoản 1 và Khoản 3 Điều 16 dự thảo Nghị định. Cụ thể:
- Khoản 1 quy định giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư của dự án, dự toán mua sắm. Đối với gói thầu có dự toán được lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành, giá gói thầu căn cứ vào dự toán đã duyệt. Nghĩa là, nếu tổng mức đầu tư, dự toán của dự án đã duyệt thì giá gói thầu được xác định dựa trên mức kinh phí đã được duyệt trong tổng mức đầu tư, dự toán.
- Khoản 3 quy định giá gói thầu được lập theo một trong các (05) cách thức sau:…
Như vậy, nếu chủ đầu tư áp dụng khoản 1 thì có trái với khoản 3 không? Áp dụng 1 trong 2 khoản hay áp dụng cả hai khoản này khi lập giá gói thầu?
b) Đề nghị xem xét tính đồng nhất trong từng quy định tại khoản 3. Cụ thể:
- Quy định tại điểm a khoản 3 hẹp hơn quy định tại khoản 1 Điều này (chỉ quy định căn cứ trên dự toán mà không có căn cứ trên tổng mức đầu tư được duyệt).
- Quy định tại điểm b khoản 3 căn cứ trên kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu tương tự nhưng lại quy định “giá thị trường tại thời điểm mua sắm” => Không rõ mối liên hệ giữa kết quả lựa chọn gói thầu tương tự với giá thị trường tại thời điểm mua sắm là gì? Đề nghị bỏ đoạn “Giá thị trường tại thời điểm mua sắm được tham khảo từ các nguồn thông tin do cơ quan có thẩm quyền, tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố được khai thác qua mạng internet”.
- Quy định tại điểm c khoản 3: Đề nghị quy định trường hợp chỉ có 01 báo giá thì xử lý như thế nào? Trường hợp có nhiều hơn 01 báo giá thì đề nghị không quy định 01 trường hợp như dự thảo Nghị định (lấy giá trung bình) vì sẽ khiến các cơ quan chỉ dám áp dụng giá trung bình. Đề nghị quy định nhiều cách thức xử lý, có thể lấy giá trung bình hoặc giá thấp nhất hoặc giá cao nhất nhưng không vượt giá gói thầu được duyệt và chủ đầu tư quyết định.
Đề nghị giải thích rõ thế nào là báo giá, tránh trường hợp các cơ quan hiểu khác nhau khi áp dụng (Nếu theo cách hiểu 1: báo giá là giá mà DN ghi trên bảng chào giá gửi cho chủ đầu tư thì căn cứ xác định chỉ cần bảng/thư chào giá của DN. Nếu theo cách hiểu 2: Báo giá là giá đã được thực hiện giao dịch thành công trên thị trường thì căn cứ xác định là hợp đồng đã ký kết trước đó hoặc hóa đơn chứng từ thể hiện giá đã bán trước đó của hàng hóa, dịch vụ).
- Quy định tại điểm d khoản 3: Đề nghị làm rõ kết quả thẩm định giá là kết hợp của báo giá + thẩm định giá hay như thế nào? Vì để có thẩm định giá thì phải có 1 mức giá đã được xác định. Thẩm định giá là thẩm định của giá nào, giá theo báo giá hay giá theo dự toán hay giá tương tự hay giá kê khai, niêm yết?
- Quy định tại điểm đ khoản 3: Đối với căn cứ “giá kê khai, niêm yết của nhà sản xuất”, đề nghị quy định mở rộng đối với giá kê khai, niêm yết của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp. Lý do, sản phẩm CNTT có nhiều thiết bị của nhà sản xuất nước ngoài được DN trong nước cung cấp, phân phối nên có thể không lấy được giá kê khai, niêm yết của nhà sản xuất.
c) Đề nghị bỏ đoạn này của khoản 4 Điều 16 “Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, giá gói thầu được xác định trên cơ sở các thông tin về giá trung bình theo thống kê của các dự án đã thực hiện trong khoảng thời gian xác định; ước tính tổng mức đầu tư theo định mức suất đầu tư; sơ bộ tổng mức đầu tư hoặc xác định trên cơ sở định mức lương chuyên gia và số ngày công”. Lý do, pháp luật chuyên ngành đã có quy định cách thức lập dự toán đối với các chi phí tư vấn này. Nếu quy định như dự thảo Nghị định sẽ mâu thuẫn với pháp luật chuyên ngành và mâu thuẫn với khoản 1 và các căn cứ xác định giá gói thầu tại khoản 3 Điều này của dự thảo (quy định giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư của dự án, dự toán mua sắm. Đối với gói thầu có dự toán được lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành, giá gói thầu căn cứ vào dự toán đã duyệt).
d) Khoản 5 Điều 16: Đề nghị rà soát làm rõ điểm a (dự toán ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán) khác gì với điểm d (Dự toán mua sắm)?
đ) Khoản 6: Đề nghị chuyển nội dung của khoản 6 sang Điều khác vì Điều này đang quy định lập giá gói thầu, không liên quan gì đến các mốc thời gian đối với các công việc.
4. Điều 119, điều kiện năng lực, kinh nghiệm đối với cá nhân tham gia hoạt động đấu thầu
Đề xuất chọn phương án 2.