Thứ hai, 00/00/2023
°

Đề xuất xem xét sửa đổi Nghị định số 25/2020/NĐ-CP

Tỉnh Hà Nam | 21/11/2023 | 19:00:00 | Đã trả lời

Nội dung hỏi đáp

Quy trình lựa chọn nhà đầu tư, triển khai thực hiện các dự án có sử dụng đất (đặc biệt là nhóm dự án khu đô thị, nhà ở…): Hiện nay, theo quy định Luật Đầu tư 2020, có 03 hình thức lựa chọn nhà đầu tư (khoản 1 Điều 29); các quy định về Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án sử dụng đất phải qua bước đánh giá sơ bộ năng lực kinh nghiệm (quy định tại Điều 13 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP).

* Trường hợp có 01 nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ năng lực kinh nghiệm được chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định Luật Đầu tư; trình tự, thủ tục được thực hiện theo Điều 29, Điều 30 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP; hồ sơ, nội dung thẩm định theo Điều 33 Luật Đầu tư 2020. Tuy nhiên, theo Quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 09/2021/TT-BKHĐT ngày 16/11/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư “Yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm chỉ được nêu các nội dung nhằm mục đích duy nhất là lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm; không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư hoặc tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà đầu tư gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”. Do vậy trường hợp chỉ có 01 nhà đầu tư đáp ứng sơ bộ năng lực kinh nghiệm chưa được coi là đã tham gia đấu thầu; song tại Điều 29 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP lại hướng dẫn trình tự công nhận nhà đầu tư theo khoản 3 Điều 29 Luật Đầu tư; điều này dẫn đến mâu thuẫn khi triển khai thực hiện các bước tiếp theo của dự án, gây khó khăn trong thực hiện các thủ tục tiếp theo của nhà đầu tư theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 33 Luật Đầu tư “khả năng đáp ứng điều kiện giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư;…”.                                

Như vậy bước đánh giá sơ bộ năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư chỉ mang tính chất khảo sát sự quan tâm của các nhà đầu tư và xác định hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước/quốc tế, không mang ý nghĩa xác định danh sách ngắn để rút ngắn quy trình tại bước đấu thầu do bước đánh giá hồ sơ dự thầu tiếp tục phải đánh giá hồ sơ năng lực kinh nghiệm của các nhà đầu tư ngoài danh sách nhà đầu tư đã qua bước đánh giá sơ bộ, làm kéo dài thời gian thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, gây khó khăn trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ năng lực kinh nghiệm.

Kiến nghị: Đề xuất xem xét sửa đổi Nghị định 25/2020/NĐ-CP, trong đó bỏ bước đánh giá yêu cầu sơ bộ năng lực kinh nghiệm, sau khi quyết định chủ trương đầu tư, đăng tải danh mục dự án mời gọi các nhà đầu tư quan tâm và triển khai thực hiện ngay các trình tự đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Cơ quan chức năng trả lời

Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 Luật Đấu thầu năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024), hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu gồm: dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai; dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực. Trong đó, đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, khoản 3 Điều 96 Luật Đấu thầu quy định: Trong thời gian kể từ ngày 01/01/2024 đến ngày Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực thi hành, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Căn cứ quy định nêu trên, bước đánh giá sơ bộ năng lực kinh nghiệm đối với nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT ngày 16/11/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bước đánh giá sơ bộ năng lực kinh nghiệm chỉ nhằm thăm dò thị trường, xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm nên các yêu cầu đối với nhà đầu tư tại bước này chỉ sơ bộ, chưa thực sự đánh giá được đầy đủ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư. Việc đấu thầu rộng rãi sau khi thực hiện mời quan tâm sẽ làm tăng tính cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Điều 46 Luật Đấu thầu năm 2023 quy định về quy trình, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà không cần xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm và trong trường hợp pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý ngành, lĩnh vực quy định phải đấu thầu khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm (cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ mời quan tâm, thông báo mời quan tâm, tổ chức đánh giá hồ sơ đăng ký thực hiện dự án và phê duyệt kết quả mời quan tâm trước khi thực hiện bước chuẩn bị đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư).

Do đó, sau thời điểm Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực thi hành, quy trình, thủ thục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất cần tuân thủ quy định tại Điều 46 Luật Đấu thầu năm 2023. Việc xác định dự án đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà không cần xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm hay đấu thầu khi có từ 02 nhà đầu tư trở lên quan tâm cần căn cứ pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý ngành, lĩnh vực sẽ được nghiên cứu trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế hoặc sửa đổi Nghị định số 25/2020/NĐ-CP.

Phản ánh kiến nghị cùng chủ đề