Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Phú Thọ
1. Nội dung kiến nghị (số 27 tại văn bản số 19/BDN): Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, nghiên cứu rút ngắn thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) để tạo điều kiện cho nhà đầu tư nhanh chóng triển khai thực hiện dự án, không bở lỡ cơ hội thu hút đầu tư. Theo phản ánh của cử tri, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có KCN Tam Nông và Hạ Hoà đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch phát triển KCN Việt Nam tại văn bản số 992/TTg-CN ngày 24/7/2020; đã có 02 nhà đầu tư hạ tầng KCN nghiên cứu đầu tư từ năm 2019 và nộp hồ sơ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 4/2021 nhưng đến nay nhưng vẫn chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Trả lời:
KCN Tam Nông và KCN Hạ Hòa là 02 KCN có diện tích lớn (400 ha và 350 ha) và có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ có ý kiến khác nhau về sự phù hợp của các dự án với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh nên cần được trao đổi, làm rõ thêm. Đồng thời, tỉnh cũng chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án dẫn đến kéo dài thời gian xem xét, thẩm định chủ trương đầu tư.
2. Nội dung kiến nghị (số 29 tại văn bản số 19/BDN): Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 làm gián đoạn các chuỗi cung ứng sản xuất thì ngành nông nghiệp được coi là trụ đỡ trong việc ổn định và hỗ trợ cho phát triển kinh tế - xã hội; rất nhiều Hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả góp phần thúc đẩy an sinh xã hội. Cử tri mong muốn trong thời gian tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tham mưu với Chính phủ bố trí nguồn vốn hỗ trợ HTX trong tổng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 góp phần phát triển kinh tế tập thể.
Trả lời:
Thời gian qua, HTX đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Trong quá trình xây dựng các chính sách hỗ trợ, phục hồi nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội bổ sung HTX là đối tượng thụ hưởng các chính sách, bình đẳng đối với các thành phần khác trong nền kinh tế như doanh nghiệp, hộ kinh doanh (Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19; Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội).
Bên cạnh đó, vai trò của HTX trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là rất quan trọng và đã được Bộ Chính trị khẳng định tại Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020. Trong 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, HTX đều là đối tượng thụ hưởng và đối tượng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tại văn bản số 8085/VPCP-NN ngày 04/11/2021 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương: “Cân đối, bố trí vốn ngân sách nhà nước, vốn chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn vốn hợp pháp khác theo thẩm quyền để triển khai thực hiện Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 03/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 - 2025”.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận kiến nghị của cử tri, sẽ tiếp tục huy động các nguồn hợp pháp để hỗ trợ phát triển các HTX (bao gồm cả nguồn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia); đồng thời đề nghị các địa phương ưu tiên nguồn lực (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp) để thực hiện các chương trình, đề án phát triển HTX theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu trên.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư