Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Bình
Nội dung kiến nghị (số 2 tại văn bản số 21/BDN): Đề nghị khẩn trương triển khai đồng bộ và đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường cao tốc Bắc – Nam, đường ven biển để sớm đưa vào sử dụng, khai thác. Có lộ trình để sớm hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc – Nam.
Trả lời:
1. Việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong nội dung quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi, phát triển kinh tế, được cử tri cả nước hết sức quan tâm. Trong điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 12 nghị quyết với 03 Nghị quyết chuyên đề, 04 công điện, 07 văn bản; tổ chức 03 Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; duy trì hoạt động của 06 tổ công tác do 4 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và giải quyết, ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh, và đến nay đã đạt được kết quả khả quan.
2. Đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông do Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện theo chủ trương đầu tư đã được Quốc hội phê duyệt theo hai giai đoạn.
- Giai đoạn 1 gồm 11 dự án thành phần, đến nay đã đưa vào khai thác đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (dài 15 km) đầu năm 2022, đang triển khai thi công 10 dự án thành phần, trong đó: 04 dự án thành phần (Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) với chiều dài 361 km hoàn thành, đã thông xe kỹ thuật trong năm 2022; 04 dự án thành phần (QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm và cầu Mỹ Thuận 2) với chiều dài 148 km dự kiến hoàn thành năm 2023; 02 dự án thành phần (Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo) với chiều dài 128 km dự kiến hoàn thành năm 2024.
- Giai đoạn 2 gồm 12 dự án thành phần với tổng chiều 729 km đã khởi công đồng loạt vào ngày 01/01/2023. Hiện nay, đang tổ chức triển khai thi công theo tiến độ đã được duyệt, phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
3. Về lộ trình hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam:
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021, đến năm 2030 sẽ cải tạo nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế; hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt mới trong đó ưu tiên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, sân bay quốc tế, đường sắt đầu mối tại thành phố lớn, nghiên cứu để triển khai tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Mục tiêu đến năm 2050, hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các tỉnh Tây Nguyên, đường sắt ven biển, đường sắt kết nối quốc tế. Duy trì, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa.
Trong thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm, ưu tiên bố trí vốn để từng bước đầu tư nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 và giai đoạn 2021-2025 (các tuyến Hà Nội - Vinh, Vinh - Nha Trang, Nha Trang - Sài Gòn, các cầu trên tuyến).
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải đang tập trung hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để dự kiến trình quốc hội trong năm 2023. Bên cạnh đó, các dự án đường sắt tạo động lực cho thời gian sắp tới như đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Ngọc Hồi - Lạc Đạo cũng đang được triển khai lập Báo cáo cáo nghiên cứu tiền khả thi làm cơ sở báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2025-2030. Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, địa phương liên quan để hoàn thành những nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra, sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực có tuyến đi qua./.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư