Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số nội dung được đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội
(MPI) - Phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 diễn ra ngày 01/6/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cảm ơn các ý kiến tâm huyết, sâu sắc của các vị đại biểu, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao đối với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, đánh giá cao kết quả đạt được, những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu mà Quốc hội giao.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn |
Các ý kiến chia sẻ những khó khăn, thách thức của nền kinh tế; chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong một số lĩnh vực, gợi ý nhiều vấn đề, giải pháp có giá trị rất xác đáng. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ tiếp thu tối đa để nâng cao công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2023 tình hình kinh tế thế giới rất khó khăn, nhưng các số liệu, chỉ tiêu cao hơn so với số đã báo cáo với Quốc hội. Đây là tín hiệu rất tích cực, kết quả này rất đáng trân trọng và tự hào; được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và đặc biệt được Nhân dân đồng tình, ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, hệ thống pháp luật đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nên trong quá trình chuyển đổi có mâu thuẫn, chồng chéo hay xung đột, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ không tránh khỏi. Quan trọng là phải phát hiện kịp thời và kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, năng lực chống chịu thích ứng và ứng phó trước các biến động bên ngoài, cũng như năng lực cạnh tranh đang còn hạn chế; Hậu quả COVID-19 để lại hết sức nặng nề và các doanh nghiệp phải gồng mình chống chịu trong thời gian qua; quy mô nền kinh tế không ngừng tăng lên trong thời gian gần đây; một số bộ phận cán bộ đang có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trong xử lý công vụ.
Về một số giải pháp thực hiện nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ cơ bản đã nhận diện được những tồn tại, hạn chế, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, tận dụng cơ hội mới để phát triển đạt được mục tiêu cao nhất.
Về tình hình khó khăn của doanh nghiệp và người lao động, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay tập trung vào ba vấn đề, thứ nhất là thị trường, thứ hai là dòng tiền và thứ ba là thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào, các chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí gia nhập thị trường cũng còn cao. Các khó khăn của doanh nghiệp đều ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề lao động, việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động.
Đây là những vấn đề mà Chính phủ đặc biệt quan tâm, trong thời gian qua cũng đã có rất nhiều các chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân như giảm lãi suất cho vay, điều kiện vay, giảm thuế, phí, lệ phí, xúc tiến mở rộng thị trường. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để chỉ đạo, có những biện pháp, những chính sách mạnh hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp và người lao động để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Về đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “Tôi xin khẳng định lại một lần nữa trước Quốc hội là đến nay, tất cả những vấn đề phân cấp, phân quyền của đầu tư công đã triệt để, giao hết tất cả các quyền cho các bộ, ngành và địa phương”, cụ thể như phân cấp triệt từ khâu lựa chọn dự án, lập dự án, chuẩn bị dự án cho đến giải ngân đầu tư công, điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng, đấu thầu dự án, triển khai, tổ chức thi công.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay các cơ quan trung ương chỉ làm công tác tổng hợp và rà soát, đúng thì báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội để phân giao và phân giao một cục về cho địa phương, trên cơ sở kế hoạch trung hạn 5 năm địa phương phân chi tiết cho từng dự án,Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Tại sao cùng một mặt bằng pháp lý mà địa phương này, bộ kia thì triển khai tốt, tỷ lệ cao, mà địa phương khác, ngành khác tỷ lệ lại thấp, vấn đề do khâu tổ chức thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và đề nghị đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp quan tâm và giám sát địa phương mình, ngành mình, cùng với Chính phủ tạo chuyển biến tích cực hơn trong vấn đề giải ngân đầu tư công trong thời gian tới, để góp phần phát triển kinh tế.
Về công tác quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nhờ có Nghị quyết số 61/2022/QH15 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, các vấn đề vướng mắc trong công tác cơ bản để giải quyết và đến nay không còn ách tắc trong thể chế. Vấn đề hiện nay là tập trung lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch. Hiện đã hoàn thành 65 quy hoạch và đang triển khai là 39 quy hoạch, phấn đấu trong năm 2023 hoàn thành 5 quy hoạch vùng còn lại và các quy hoạch tỉnh được lập, thẩm định và phê duyệt.
Về các vấn đề về dài hạn, trung hạn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện rà soát các quy định pháp luật, đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển đổi số tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao các dịch vụ du lịch, giáo dục, y tế...
Chính phủ sẽ chỉ đạo nghiên cứu theo hai hướng là những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ phân cấp ngay cho địa phương, những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì sẽ nghiên cứu và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét như lĩnh vực về xây dựng, về đánh giá tác động môi trường, tách giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích đất lúa, đất rừng, giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia…
|
Hình ảnh tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn |
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các ý kiến thảo luận thẳng thắn và trách nhiệm, các ý kiến phong phú, toàn diện, sâu sắc về các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước và các vấn đề cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn đảng, toàn quân, toàn dân, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, các ngành các cấp và ghi nhận đóng góp to lớn của cả dân tộc, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế để vượt qua những khó khăn, thách thức năm 2022, kinh tế nước ta đạt kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung nêu trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về kinh tế - xã hội, Ngân sách nhà nước năm 2022, các tháng đầu năm 2023 và chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Các đại biểu cũng đề nghị triển khai các giải pháp miễn giảm, gia hạn thuế phí, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; các giải pháp để giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém; bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa, cân đối về điện, than, xăng dầu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để đưa các nội dung quan trọng vào Nghị quyết chung của kỳ họp gửi đại biểu cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư