Hội thảo xây dựng Dự thảo “Báo cáo thu hút và xúc tiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Ưu tiên, rào cản và cơ hội chính sách”
(MPI) – Ngày 07/11/2023, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Viện Tony Blair (TBI) đã tổ chức Hội thảo xây dựng Dự thảo “Báo cáo về thu hút và xúc tiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Ưu tiên, rào cản và cơ hội chính sách” để lấy ý kiến các đơn vị liên quan về nội dung dự thảo Báo cáo phục vụ Tổng kết 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia của Viện Tony Blair và đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
 |
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu chào mừng, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hội thảo nhằm lắng nghe các ý kiến từ các chuyên gia để tìm ra những rào cản trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để tìm ra hướng xử lý, giúp cho những dự án lớn của các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam.
Ông Rich D.McClellan, Giám đốc Quốc gia Viện Tony Blair tại Việt Nam cho biết, để thảo luận cho chủ đề của hội thảo Viện Tony Blair đã huy động đội ngũ chuyên gia về thu hút và xúc tiến đầu tư chất lượng cao trong khu vực và quốc tế. Trong những năm qua, Việt Nam có tăng trưởng đều đặn về chất lượng đầu tư, nhưng với xung đột giữa các nước làm làm đứt gãy chuỗi cung ứng, để nâng cao tiêu chuẩn chất lượng đầu tư thì Việt Nam cần cải thiện được phương pháp tiếp cận trong thời gian tới để giữ được động lực tăng trưởng.
Hội thảo đã được nghe chuyên gia đến từ Viện Tony Blair trình bày Báo cáo về xu hướng đầu tư toàn cầu, các thông lệ tốt nhất về tạo thuận lợi FDI và chiến lược FDI chủ động tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam.
Mục tiêu Báo cáo TBI nhằm cung cấp các phân tích chuyên sâu về xu hướng thu hút và xúc tiến đầu tư nước ngoài trên toàn cầu; các lĩnh vực chiến lược Việt Nam nên ưu tiên; rào cản mà nhà đầu tư hiện đang đối mặt; các thực tiễn tốt nhất từ các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới và giới thiệu một bộ đòn bẩy chính sách tổng thể để giải quyết các rào cản.
Báo cáo trình bày cũng nêu ra xu hướng thu hút và xúc tiến FDI trên toàn cầu hiện nay chuyển dịch sang các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển trong 5 năm qua. Các thay đổi địa chính trị và dịch chuyển sang phát triển nền công nghiệp trong nước vừa là cơ hội và thách thức cho các quốc gia như Việt Nam. Các nhà đầu tư Trung Đông đang tăng cường đầu tư vào châu Á. Xu hướng tại Việt Nam đó là FDI liên quan đến năng lượng chiếm ưu thế trong 10 phân ngành FDI hàng đầu tính theo tổng vốn đầu tư. Trong khi năng lượng tái tạo là lĩnh vực thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nhất, đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch không ngừng tăng trong thời gian này. FDI liên quan đến điện tử đã giúp tạo nhiều việc làm nhất và đứng thứ ba trong các ngành thu hút đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng phân loại chính sách FDI thành 5 nhóm đó là hành trình đầu tư, lao động, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và nghiên cứu, phát triển. Ở nhóm hành trình đầu tư, cơ quan đầu tư Ấn Độ và Đài Loan triển khai công tác xúc tiến đầu tư một cách hiệu quả với hệ thống trực tuyến hiện đại và các dịch vụ trong nước dành riêng cho nhà đầu tư toàn cầu; Ban điều phối đầu tư Indonesia sử dụng hệ thống nộp hồ sơ một cửa, đơn giản hóa quy trình cấp phép và giấy phép; Cơ quan xúc tiến đầu tư Hàn Quốc có nhiệm vụ phân công nhân sự giúp giải quyết tranh chấp, dịch các quy định và hướng dẫn tổng quan cho các nhà đầu tư. Ở nhóm chuỗi cung ứng, Thái Lan cung cấp các ưu đãi đặc biệt cho những nhà sản xuất xe ô tô điện sử dụng linh kiện nội địa; Chính phủ Ấn Độ phân loại các nhà cung cấp trong nước đủ điều kiện được hưởng ưu đãi, các nhà cung cấp trong nước loại I có ít nhất 50% nguyên vật liệu có nguồn gốc từ Ấn Độ, các nhà cung cấp trong nước loại II là 20%; Indonesia hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô nhằm đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị hạ nguồn.
Báo cáo cũng chỉ ra rào cản thu hút và xúc tiến FDI ở Việt Nam như thiếu khả năng tiếp cận vốn, các quy định hạn chế chuyển lợi nhuận về nước, không đủ nhân lực cần thiết trong nước cho việc hỗ trợ và phát triển các ngành chiến lược có giá trị gia tăng cao, ưu đãi thuế không có mục tiêu và không đủ cho các lĩnh vực ưu tiên, tính đồng bộ của khung chính sách vẫn tiếp tục là khó khăn, thách thức ...
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự và các chuyên gia đã cùng chia sẻ về chính sách thu hút FDI của các quốc gia, xu hướng đầu tư về năng lượng tái tạo, kinh nghiệm xử lý, cân bằng giữa bảo hộ lao động trong nước và luồng lao động từ bên ngoài. Bổ sung thêm phương pháp luận và dữ liệu để phân tích về không gian, làm thế nào để gia nhập thị trường các bon hiện nay. Qua đó, sẽ giúp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp được những kinh nghiệm, thực tiễn hay để xây dựng Dự thảo “Báo cáo về thu hút và xúc tiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam: Ưu tiên, rào cản và cơ hội chính sách” nhằm thiết kế chính sách cho phù hợp để thu hút các nhà đầu tư trên thế giới đến Việt Nam./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư