Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến góp ý Dự thảo Báo cáo tình hình, kết quả 3 năm thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam

(MPI) - Thực hiện Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 10/9/2023 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự thảo Báo cáo về tình hình, kết quả 3 năm thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nghiên cứu, góp ý và cung cấp các thông tin liên quan (nếu có) đối với cấu trúc, nội dung để Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Báo cáo.

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Theo đó, Dự thảo Báo cáo nêu ra nhiều kết quả quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg trong giai đoạn 2020-2030. Thứ nhất, nhận thức của các bộ, ngành, địa phương về chủ trương, quan điểm, mục tiêu và các giải pháp phát triển kinh tế ban đêm đã có những chuyển biến quan trọng. Các kế hoạch hành động, tài liệu nghiên cứu, nội dung truyền thông đều đồng thuận với khái niệm kinh tế ban đêm gắn với khung thời gian mở nhất (từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau), và phân biệt với các hoạt động sản xuất kéo dài sang ca đêm. Không dừng ở các kinh nghiệm quốc tế tổng kết trong Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, một số bộ, địa phương đã có những nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế bổ sung liên quan đến kinh tế ban đêm, đặc biệt là kinh nghiệm mới của các nước trong giai đoạn dịch bệnh. Các rủi ro đối với phát triển kinh tế ban đêm đã được nhìn nhận đầy đủ, đa chiều với số liệu minh chứng cụ thể hơn.

Mô hình kinh tế ban đêm đã được nhận diện đầy đủ như là một mô hình kinh tế mới. Tư duy chính sách và cách tiếp cận nghiên cứu mô hình kinh tế ban đêm có sự song hành, bổ trợ với các mô hình khác như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ để cùng tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tư duy chính sách đối với mô hình kinh tế ban đêm cũng đã được lồng ghép hiệu quả vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội như chính sách về phát triển du lịch, giao thông, ...

Thứ hai, trên cơ sở nhận thức được cải thiện, các địa phương đã đã mạnh dạn trong triển khai và tạo đột phá phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn. Các kế hoạch, đề án thực hiện Quyết định 1129/QĐ-TTg đều được xây dựng khá chi tiết, bám sát Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam và những cân nhắc về đặc thù, yêu cầu cụ thể của địa phương....

Thứ ba, quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong thực hiện các giải pháp tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg đã đi vào thực chất hơn, hướng tới hiệu quả triển khai của các giải pháp. Các địa phương đã chủ động tham vấn Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các nội dung liên quan đến Đề án, Kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm và các nội dung liên quan. Bộ Tài chính đã nghiên cứu chi tiết về kinh nghiệm quốc tế và tham vấn các bộ ngành về các nội dung liên quan đến đề xuất chính sách ưu đãi thuế, phí cho phát triển kinh tế ban đêm. ...

Thứ tư, các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm đã được lồng ghép vào các đối thoại công - tư về môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, ... Các quy định về phòng cháy chữa cháy và hướng dẫn thực thi và ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh karaoke ở một số địa bàn đã được thảo luận trực diện, rộng rãi. Tại các hội nghị, hội thảo về du lịch, các ý kiến của doanh nghiệp liên quan đến tổ chức dịch vụ cho du khách nói chung và các dịch vụ du lịch đêm nói riêng đã được trình bày cởi mở, chi tiết hơn. Trên cơ sở đó, một số địa phương đã lồng ghép nội dung kiến nghị về tham gia danh sách thí điểm kéo dài thời gian cung cấp dịch vụ đêm trong các bản kiến nghị về cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Thứ năm, các địa phương đã chia sẻ được một số cách làm mới, điển hình tốt về phát triển kinh tế ban đêm như tổ chức phố đi bộ truyền thống gắn với các dịch vụ mới hơn của kinh tế ban đêm.

Thứ sáu, Việt Nam đã có một số dịch vụ tương đối mới gắn với kinh tế ban đêm trong bối cảnh dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Dự thảo Báo cáo cũng nêu ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân để từ đó đưa ra các định hướng, giải pháp chính sách nhằm thực hiện hiệu quả hơn Quyết định số 1129/QĐ-TTg trong thời gian tới. Cụ thể, các Bộ, ngành và UBND các cấp tổ chức thực hiện sớm, đầy đủ, thực chất và với hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg và các Đề án, Kế hoạch thực hiện phát triển kinh tế ban đêm ở địa phương.

Giao một đồng chí Lãnh đạo Chính phủ chủ trì thực hiện tổng rà soát các quy định pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm, trên cơ sở đó tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo trong các quy định liên quan, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh ở mức độ phù hợp nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế ban đêm, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết.

Tiếp tục nâng cao nhận thức, tư duy của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và người dân đối với phát triển kinh tế ban đêm, thông qua các mô hình, hoạt động cụ thể, sáng tạo, gắn với bối cảnh và các nền tảng, công cụ mới như ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Hoàn thiện hệ thống thông tin thống kê các cấp có tính kết nối, liên thông liên quan đến các hoạt động kinh tế ban đêm, hướng trực tiếp tới phục vụ đánh giá tác động của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm.

Đẩy mạnh tuyên truyền nội dung và kết quả thực hiện Quyết định số 1129/QĐ-TTg cho cộng đồng doanh nghiệp và các bên có liên quan; qua đó, khuyến khích sự vào cuộc và hưởng ứng mạnh mẽ của các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp trong việc tích cực, chủ động phản ánh các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, những rào cản, bất hợp lý, không phù hợp của các quy định pháp luật có liên quan; thúc đẩy sự vào cuộc tích cực và mạnh mẽ của đội ngũ phóng viên, các cơ quan truyền thông trên cả nước trong phổ biến kết quả tích cực cũng như phản ánh những mặt hạn chế.

Tăng cường năng lực nghiên cứu, đánh giá, dự báo xu hướng phát triển của các mô hình kinh tế nói chung và kinh tế ban đêm nói riêng ở Việt Nam, mức độ tương tác giữa mô hình kinh tế ban đêm và các mô hình kinh tế mới khác, các cơ hội, thách thức đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.

Tăng cường nghiên cứu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế ban đêm ở các nước, các đô thị lớn ở các nước trên thế giới, trên cơ sở đó đề ra các định hướng, giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, lồng ghép các giải pháp hay vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của địa phương, cũng như kiến nghị định hướng hợp tác với các nước về các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế ban đêm.

Tăng cường đối thoại giữa các cơ quan bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp về các nội dung, điều kiện kinh doanh, yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình thực hiện chính sách phát triển kinh tế ban đêm, trên cơ sở đó báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền hướng xử lý phù hợp./.

Minh Hậu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư