Quốc hội thảo luận ở Hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
(MPI) - Ngày 20/6/2024, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận.
 |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn |
Dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Hà Nội là thành phố "Văn hiến, Văn minh, Hiện đại", xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm đi đầu đối với nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ; thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế...
Tầm nhìn đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa; có trình độ phát triển ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; là thành phố kết nối toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng; là nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến.
Quy mô dân số thường trú đến năm 2050 khoảng 13-13,5 triệu người; GRDP bình quân đầu người năm 2050 đạt 45.000-46.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa 80-85% vào năm 2050. Dự báo biến động dân số: Dân số thường trú đến năm 2030 khoảng 10,5 triệu người; đến năm 2045 khoảng 12,5 triệu người và đến năm 2050 khoảng 13 triệu người. Thành phần dân số khác (dân số quy đổi) đến năm 2030 khoảng 1.450.000 người; đến năm 2045 khoảng 2.100.000 người và đến năm 2050 khoảng 2.500.000 người…
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm: 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế, 5 trục động lực, 5 vùng kinh tế - xã hội, 5 vùng đô thị.
Quy hoạch Thủ đô đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá phát triển về bảo vệ môi trường; Về giao thông, phát triển đô thị, nông thôn; Về kinh tế; Về xã hội; Về an ninh, an toàn; Về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực.
Quy hoạch Thủ đô cũng nêu 5 vùng kinh tế - xã hội là: vùng trung tâm, vùng phía Bắc sông Hồng, vùng phía Nam Thủ đô, vùng phía Tây Nam Thủ đô, vùng phía Tây Bắc Thủ đô; 5 vùng đô thị: đô thị trung tâm, thành phố phía Tây, vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì, thành phố phía Bắc, đô thị phía Nam.
Tham gia thảo luận, các đại biểu đánh giá cao và cho rằng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065 được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, coi đây là công cụ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý quy hoạch, xây dựng và phát triển Thủ đô; đây là nhiệm vụ rất quan trọng để định hướng phát triển Thủ đô trước mắt và lâu dài.
Ý kiến của các đại biểu nhấn mạnh đến các nội dung lập quy hoạch như căn cứ lập quy hoạch, về quan điểm, mục tiêu, lựa chọn phương án phát triển Thủ đô Hà Nội, về phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn và phương hướng phát triển các ngành lĩnh vực khác,… Đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo hai nhiệm vụ quy hoạch tuân thủ Luật quy hoạch, phù hợp với chủ trương của Đảng, có tầm nhìn mới, tư duy mới, toàn cầu, Thủ đô và hành động Hà Nội tạo ra cơ hội mới, giá trị mới trong phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại cả trước mắt và lâu dài; rà soát, hoàn thiện thêm các nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực thực hiện, danh mục dự án, thứ tự ưu tiên, tính thống nhất, đồng bộ của số liệu, hồ sơ, tài liệu trong hai nhiệm vụ quy hoạch./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư