Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng

(MPI) - Tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đã trao Quyết định quy hoạch và tặng hoa chúc mừng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: VGP

Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ, ban, ngành trung ương. Về phía tỉnh Lâm Đồng có Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thái Học cùng lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN tỉnh; đại diện các sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo các tỉnh, thành, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp đang đầu tư tại Lâm Đồng.

Tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã giới thiệu các nội dung của quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thành và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1727/QĐ-TTg ngày 29/12/2023. Theo đó, quy hoạch đưa ra mục tiêu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao.

Phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hiện đại, hiệu quả cao, hữu cơ, hướng đến hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn; trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế. Phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, logistics dựa trên nền tảng số, chất lượng cao và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ.

Ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn; phát triển không gian đô thị hiệu quả, bền vững, hình thành các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, phát triển đô thị mới gắn với động lực, tiềm năng, thế mạnh từng vùng với tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; bảo đảm tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch.

Phát triển mạnh giáo dục, y tế và khoa học công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, theo hướng hiện đại; nâng cao vai trò văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

Để thực hiện thành công các mục tiêu Quy hoạch tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; trong đó, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhà nước, tư nhân và xã hội để đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tiếp tục tập trung thu hút đầu tư, trọng tâm là phát triển hướng tới năm 2030: Là tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá.

Cùng với đó, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, luôn mở rộng cửa để chào đón các nhà đầu tư và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật cho phép để các doanh nghiệp thực hiện thành công các dự án đầu trên địa bàn tỉnh và phát triển thịnh vượng.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng khẳng định, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục suy nghĩ và hành động với tư duy đổi mới và quyết tâm cao, biến những ý tưởng quy hoạch thành hiện thực; đồng thời cam kết, tỉnh sẽ luôn đồng hành, hợp tác cùng các doanh nghiệp, tạo lập một môi trường kinh doanh công bằng và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu của quy hoạch đề ra, để tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

Phát biểu chỉ đạo tại Lễ Công bố, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Lâm Đồng, đặc biệt là Đà Lạt có yếu tố văn hóa rất đặc sắc, đặc biệt là về đất và người nơi đây. Do vậy, Phó Thủ tướng mong muốn tỉnh Lâm Đồng giữ được điều này và như vậy, tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến những tiềm năng và lợi thế của tỉnh Lâm Đồng và cho biết, trong thời gian tới, có nhiều đường cao tốc kết nối tỉnh Lâm Đồng với các địa phương, trong đó có các tỉnh Đông Nam Bộ. Cùng với đó, trên cơ sở những thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao mà Lâm Đồng đã làm được đã tạo nên niềm tin để phát triển mạnh mẽ. Có thể xem Lâm Đồng là nơi khởi đầu và là một ví dụ mẫu mực của nông nghiệp công nghệ cao và sẽ sự thay đổi tích cực trong thời gian tới.

Về vấn đề quy hoạch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh cần ghi nhớ 8 chữ: Tuân thủ; Linh hoạt; Đồng bộ và Thấu hiểu. Trong đó, tuân thủ là để đảm bảo đúng hướng, đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai; cần linh hoạt trong cách làm; đồng bộ với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng; người dân và doanh nghiệp cũng cần thấu hiểu để đồng hành với chính quyền. Có như vậy mới thực hiện thành công quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngay sau lễ công bố quy hoạch, UBND tỉnh đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản ghi nhớ đầu tư cho các nhà đầu tư./.

Tùng Linh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư