Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 94/2020/NĐ-CP

(MPI) - Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Thông báo số 75/TB-VPCP ngày 16/3/2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi thăm, làm việc tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Công văn số 4249/VPCP-KTTH ngày 18/6/2024 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đãxây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21/8/2020 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được thành lập theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Ngày 21/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Qua 04 năm triển khai thực hiện, các quy định tại Nghị định 94/2020/NĐ-CP đã đi vào thực tiễn, giúp xây dựng, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam; bước đầu tạo lập, dẫn dắt và kết nối hoạt động đổi mới sáng tạo trong các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị định đã phát sinh một số nội dung đòi hỏi phải nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 94/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, sau khi Nghị định được ban hành, Luật Đầu tư năm 2020 đã bổ sung các quy định mới đối với hoạt động đổi mới sáng tạo và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cần được bổ sung, quy định chi tiết vào Nghị định 94/2020/NĐ-CP.

Nghị định số 94/2020/NĐ-CP chủ yếu tập trung vào việc tập hợp những cơ chế, chính sách đã được quy định tại pháp luật hiện hành để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai, áp dụng. Nghị định còn thiếu những cơ chế, chính sách được xây dựng thuộc thẩm quyền của Chính phủ để tạo đột phá đối với mô hình, cơ cấu tổ chức và hoạt động đổi mới sáng tạo tại Trung tâm nên còn hạn chế vai trò dẫn dắt đổi mới sáng tạo của Trung tâm cũng như thu hút hoạt động của các doanh nghiệp, đối tác hoạt động tại Trung tâm.

Thực tế quá trình đầu tư xây dựng, tổ chức nghiên cứu cơ chế vận hành đang cho thấy nhiều cơ chế, chính sách cần kịp thời bổ sung để vận hành hiệu quả Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Hoạt động của Trung tâm luôn có sự kết nối với các trung tâm đổi mới sáng tạo khác tạo thành mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Do đó, cần bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các trung tâm đổi mới sáng tạo khác có sự kết nối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để liên thông chính sách, phát huy hiệu quả của mạng lưới này, tạo sự đồng bộ về cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo cả nước.

Do vậy, nhằm tiếp tục thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng và xu hướng các nước trên thế giới đang triển khai xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21/8/2020 của Chính phủ là cần thiết, tạo nền tảng pháp lý thuận lợi và phù hợp hơn cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia hoạt động, huy động được nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, phát huy hiệu quả, góp phần tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thực hiện chủ trương, định hướng nêu tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 và Bộ Chính trị.

Mục đích xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia nhằm tạo ra cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi, đột phá, thông thoáng, thuận lợi trong khuôn khổ pháp luật hiện hành; tạo sức hấp dẫn để thu hút trí thức, chuyên gia trong và ngoài nước, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn từ các nước có trình độ công nghệ phát triển, đóng góp tích cực vào việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn. Việc xây dựng Nghị định góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Dự thảo Nghị định gồm 03 Chương, 18 điều. Trong đó, Chương I. Quy định chung. Chương II. Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm và cá nhân, tổ chức hoạt động tại Trung tâm. Chương III. Tổ chức thực hiện.

Quan điểm xây dựng Nghị định bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và các quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh có liên quan, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đất đai, đầu tư công, đấu thầu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.

Phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam; chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách; khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Tạo khuôn khổ pháp lý cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia vận hành hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách để hội tụ trí tuệ, lan tỏa lợi ích đổi mới sáng tạo; tạo dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; các vườn ươm sáng tạo; hỗ trợ ban đầu cho các startup có trí tuệ, quyết tâm như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 75/TB-VPCP ngày 16/3/2023./.

Minh Hậu

Bộ Kế hoạch và Đầu tư