Tình hình kinh tế-xã hội tháng 01 năm 2024 của tỉnh Hà Tĩnh
I. LĨNH VỰC KINH TẾ
1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Sản xuất nông nghiệp tháng 01 năm 2024 diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, thời điểm này bà con nông dân chủ yếu chăm sóc cây vụ Đông và tranh thủ thời tiết nắng ráo đẩy nhanh tiến độ làm đất để gieo cấy lúa vụ Xuân 2024; Hoạt động chăn nuôi có dấu hiệu tăng nhẹ, người dân tích cực chăm sóc cho vật nuôi để kịp thời cung ứng thị trường Tết Nguyên đán năm 2024; Hoạt động lâm nghiệp chủ yếu tranh thủ khai thác những vườn cây đến chu kỳ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác trồng rừng năm 2024; Hoạt động thủy sản không có nhiều biến động so với cùng kỳ.
1.1 Sản xuất nông nghiệp
*Trồng trọt
Kết quả sản xuất vụ Đông 2023: Tổng diện tích các loại cây trồng vụ đông đạt 13.653,81 ha, bằng 97,47%, giảm 353,57 ha so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích ngô đạt 4.994 ha, bằng 95,36%, giảm 243 ha, diện tích khoai lang đạt 1.238 ha, bằng 95,08%, giảm 64 ha, diện tích rau các loại đạt 4.819 ha, bằng 98,51%, giảm 73 ha so với cùng kỳ năm trước. Diện tích gieo trồng vụ Đông giảm do lịch nông vụ bắt đầu từ tháng 10 năm 2023 nhưng do thời tiết các tháng 10, 11 có mưa nhiều khó xuống giống nên các loại cây màu diện tích đều giảm.
Sản xuất vụ Xuân 2024: Mục tiêu sản xuất vụ Xuân phấn đấu diện tích gieo trồng cây lúa 59.107 ha, năng suất đạt trên 58,94 tạ/ha, sản lượng phấn đấu đạt 35 vạn tấn; diện tích ngô 6.059 ha, năng suất đạt trên 55,21 tạ/ha, sản lượng phấn đấu đạt trên 33 nghìn tấn; diện tích khoai lang 1.557 ha, năng suất đạt trên 84,81 tạ/ha, sản lượng phấn đấu đạt trên 13,2 nghìn tấn; diện tích lạc 7.599 ha, năng suất dự kiến đạt trên 27,66 tạ/ha, sản lượng phấn đấu đạt 21 nghìn tấn; diện tích đậu 355 ha, năng suất đạt trên 9,87 tạ/ha, sản lượng phấn đấu đạt 350 tấn; diện tích rau 5.784 ha, năng suất đạt khoảng 79,13 tạ/ha, sản lượng phấn đấu đạt trên 45 nghìn tấn.
Tính đến ngày 15/01/2024, tiến độ gieo cấy lúa vụ Xuân đạt 9.316 ha, đạt 15,8% kế hoạch, giảm 40,515 so với cùng kỳ năm trước, trong đó, diện tích gieo thẳng là 9.134 ha, diện tích cấy 182 ha.
Thiên tai, dịch bệnh: Tháng 01/2024 thời tiết khá ấm áp, cuối tháng có mưa rét, tình hình sâu bệnh trên cây có xuất hiện một số loại như bọ trĩ, đốm lá, rệp muội, sâu keo, sâu cuốn lá, sương mai... nhưng diện tích gây hại nhỏ, hầu như không ảnh hưởng lớn đối với các loại cây trồng.
*Chăn nuôi
Hiện nay ngành chuyên môn Hà Tĩnh đang tăng cường kiểm soát hoạt động giết mổ động vật với mục tiêu đảm bảo an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi và an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau tết. Đẩy mạnh tuyên truyền các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hiện tốt quy trình giết mổ bảo đảm vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
Chăn nuôi trong tháng cơ bản ổn định, kết quả sản xuất chăn nuôi cụ thể: Đàn trâu hiện có 67.010 con, bằng 99,05%; đàn bò hiện có 167.515 con, bằng 99,42% so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn hiện có 401.150 con, bằng 101,20%; đàn gia cầm hiện có 10.187 ngàn con, bằng 101,77% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh việc đàn lợn, đàn gia cầm có dấu hiệu tăng nhẹ phục vụ dịp Tết đang cận kề thì đàn trâu, bò có xu hướng giảm vì hiện nay chi phí chăn nuôi tăng trong khi giá bán thấp nên người dân không tăng tổng đàn.
Tình hình dịch bệnh, thiệt hại: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, tính từ đầu năm đến ngày 16/01/2024, Dịch tả lợn Châu Phi xẩy ra tại 2 xã của huyện Cẩm Xuyên làm cho 20 con lợn mắc bệnh, chết, buộc tiêu huỷ, khối lượng: 1.113kg, đến nay dịch bệnh chưa qua 21 ngày.
1.2 Lâm nghiệp
Công tác trồng rừng, khai thác và bảo vệ rừng tiếp tục được sự quan tâm của các cấp, các ngành nhằm phát triển rừng trồng gắn với khai thác hiệu quả rừng nguyên liệu để ổn định sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngành chức năng thường xuyên kiểm tra quy trình trồng rừng, khai thác rừng trồng và rừng được giao khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh nhằm đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích các chủ rừng và người dân đẩy mạnh phát triển trồng rừng nguyên liệu theo hướng tăng diện tích thâm canh.
Trồng rừng: Trong tháng 01/2024 chủ yếu tập trung các khâu chuẩn bị cho trồng rừng vụ Xuân năm 2024 với các khâu như: cây giống, cuốc hố, vệ sinh vườn bãi; áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, xác định mật độ trồng, bón phân, chăm sóc rừng để nâng cao năng suất, chất lượng rừng.
Kết quả sản xuất lâm nghiệp đạt được trong tháng: Diện tích rừng trồng mới ước đạt 467 ha, bằng 102,19% và trồng được 260 nghìn cây phân tán, bằng 98,11% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng gỗ khai thác ước đạt 20.526 m3, bằng 102,75%, tăng 549 m3 so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng củi ước đạt 20.372 ste, bằng 95,46%, giảm 969 ste so với cùng kỳ năm trước.
Thiệt hại rừng: Công tác tuần tra, quản lý bảo vệ rừng thường xuyên được quan tâm thực hiện. Tính từ đầu năm đến ngày 15/01/2024, trên địa bàn tỉnh không xẩy ra cháy rừng nhưng đã xẩy ra 4 vụ phá rừng, với diện tích rừng bị phá là 0,24 ha (tăng 1 vụ nhưng giảm 2,15 ha) so với cùng kỳ năm 2023.
1.3 Thủy sản
Kết quả hoạt động thủy sản trong tháng 01/2024: Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng ước đạt 4.872 tấn, bằng 101,68%, tăng 81 tấn so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng thủy hải sản khai thác ước đạt 3.958 tấn, bằng 102,21%, tăng 86 tấn so với cùng kỳ năm trước, chiếm 81,2% tổng sản lượng thủy hải sản tháng 01/2024; sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 914 tấn, bằng 99,46%, giảm 5 tấn so với cùng kỳ năm trước, chiếm 18,8% tổng sản lượng thủy hải sản tháng 01 năm 2024. Các sản phẩm thủy sản nuôi trồng đang chuẩn bị xuất bán phục vụ dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Dịch bệnh: Trong tháng không xẩy ra dịch bệnh đối với các loại thủy sản nuôi trồng trên địa bàn.
2. Sản xuất công nghiệp
Bước sang năm mới 2024, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh tập trung bắt tay vào sản xuất kinh doanh với kỳ vọng một năm thuận lợi, hoạt động sản xuất hiệu quả, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01 năm 2024 dự ước tăng 3,32% so với tháng trước và tăng 17,31% so với cùng kỳ năm trước.
2.1. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP)
Trong đó: Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tháng 01 năm 2024 giảm 15,08% so với tháng trước và tăng 75,51% so với cùng kỳ; ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2,71% so với tháng trước và tăng 15,43% so với tháng 01/2023; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,01% so với tháng trước và tăng 25,88% so với cùng kỳ năm trước; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,45% so với tháng trước và tăng 17,87% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 20 nhóm ngành công nghiệp cấp II, có 14 nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước, một số ngành tăng đóng góp chủ yếu vào mức tăng chung toàn ngành công nghiệp như: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 86,35%; khai khoáng khác tăng 78,04%; sản xuất đồ uống tăng 53,44%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 137,41%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 37,11%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 35,37%; khai thác quặng kim loại tăng 27,68%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 25,88%; sản xuất trang phục tăng 25,78%; dệt tăng 25,63%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 21,42%; sản xuất kim loại tăng 14,01%; ...
Bên cạnh đó có 4 nhóm ngành có chỉ số sản xuất giảm làm ảnh hưởng tới tốc độ tăng toàn ngành: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 16,75%; sản xuất chế biên thực phẩm giảm 7,67%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải, tái chế phế liệu giảm 6,51%.
Mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất công nghiệp của Hà Tĩnh vẫn duy trì đà tăng trưởng, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng. Điểm sáng của sản xuất công nghiệp trong tháng đầu tiên của năm 2024 là cả 4/4 ngành công nghiệp cấp 1 đều có chỉ số sản xuất tăng trưởng khá so với cùng kỳ, tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp trong những tháng tiếp theo của năm 2024 góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2.2. Một số sản phẩm chủ yếu
Trong số 20 nhóm sản phẩm chủ yếu được tổng hợp, có 12 nhóm sản phẩm tháng 01/2024 tăng so cùng kỳ và có 6 nhóm sản phẩm có chỉ số giảm trong tổng số sản phẩm công nghiệp chủ yếu. Một số sản phẩm công nghiệp tháng 01/2024 tăng so với năm trước: Quặng inemit và tinh quặng inemit tăng 117,39%; đá xây dựng khác tăng 90,89%; vỏ bào, dăm gỗ tăng 85,14%; bia đóng lon tăng 53,44%; bê tông tươi tăng 39,48%; điện sản xuất tăng 26,99%; ...
Một số sản phẩm công nghiệp tháng 01 năm 2024 giảm so với cùng kỳ năm trước: mực đông lạnh giảm 65,71%; thức ăn cho gia súc giảm 20,09%; dịch vụ sản xuất dược giảm 16,75%; quặng zircon và tinh quặng zircon giảm 10,71%; ...
2.3 Tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp
Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp tháng 01/2024 giảm 0,47% so với tháng trước; tăng 14,32% so với cùng kỳ năm trước. Do hiện nay các dự án, nhà máy mới đi vào hoạt động sản xuất đã góp phần tăng số lượng lao động trên địa bàn so với năm trước. Trong đó, chỉ số sử dụng lao động tháng 01 năm 2024 của ngành khai khoáng tăng 10,91% so với năm trước. Chỉ số sử dụng lao động ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 18,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,54% và ngành cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 3,82% so với cùng kỳ năm 2023.
3. Vốn đầu tư
Tháng 01 năm 2024 là tháng đầu năm, nguồn vốn chưa được giao theo các công trình cụ thể, các đơn vị đang tập trung hoàn thành hồ sơ thủ tục về vốn và kỹ thuật để triển khai thực hiện tiếp các công trình chuyển tiếp trong năm 2023, những công trình mới thuộc kế hoạch năm 2024 chủ yếu mới thi công phần mặt bằng. Bên cạnh đó kế hoạch vốn năm 2024 giảm mạnh so với năm trước. Tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 01/2024 giảm 76,51 % so với tháng trước và giảm 17,73% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý dự ước tháng 01/2024 đạt 219,39 tỷ đồng, bằng 23,49% so với tháng trước và bằng 82,27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 150,91 tỷ đồng, bằng 19,03% so với tháng trước và bằng 72,26% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 59,57 tỷ đồng, bằng 51,49% so với tháng trước và bằng 112,51% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách nhà nước cấp xã ước đạt 8,91 tỷ đồng, bằng 35,18% so với tháng trước và bằng 182,78% so với cùng kỳ năm trước.
Kế hoạch vốn đầu tư ngân sách thuộc ngân sách nhà nước do địa phương quản lý năm 2024 là 4.482,65 tỷ đồng, giảm 27,65% so với năm 2023. Vốn đầu tư ngân sách cấp tỉnh được giao 2.701,22 tỷ đồng, giảm 44,54% so với năm trước, trong đó vốn cân đối ngân sách tỉnh giảm 38,39%, vốn Trung ương hỗ trợ theo mục tiêu giảm 51,88%, vốn vay nước ngoài ODA giảm 29,65%. Kế hoạch vốn ngân sách cấp huyện được giao 1.393,30 tỷ đồng, tăng 46,98%, kế hoạch vốn ngân sách cấp xã được giao là 388,13 tỷ đồng, tăng 2,83%, nguồn vốn cân đối ngân sách cấp huyện, xã chủ yếu là vốn thu từ quỹ sử dụng đất.
4. Thương mại, dịch vụ
4.1. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tháng 01 năm 2024 là tháng cận kề dịp tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm và giá cả các nhóm hàng hóa đều có xu hướng tăng dần, nhất là về thời điểm giữa và cuối tháng. Thói quen mua sắm tài sản, đồ dùng gia đình vào dịp cuối năm của người dân, giá nhiên liệu cùng với tình hình dịch bệnh là những yếu tố chính tác động đến cung cầu hàng hóa tiêu dùng trong tháng. Với tính hình thời tiết khá thuận lợi, và thời điểm cuối năm nên các nhu cầu về dịch vụ, du lịch, vận tải hành khách, hàng hóa cũng tăng khả quan.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa: ước đạt 6.232,72 tỷ đồng, tăng 5,78% so với tháng trước và tăng 18,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Bán lẻ tại các trung tâm thương mại, siêu thị ước đạt 49,90 tỷ đồng, tăng 26,56% so với tháng trước và tăng 21,23% so với cùng kỳ năm trước. Trong tất cả các nhóm hàng hóa chỉ có 4 nhóm hàng có doanh thu giảm so với tháng trước là vật phẩm văn hóa giáo dục, gỗ và vật liệu xây dựng, xăng, dầu các loại và phương tiện đi lại trừ ô tô con có doanh thu giảm so với tháng trước. Còn lại các nhóm hàng đểu có doanh thu tăng so với tháng trước và tăng mạnh so với cùng kỳ, trong đó, nhóm hàng thiết yếu và chiếm tỷ trọng lớn là lương thực, thực phẩm tăng 9,80% so với tháng trước, tăng 14,97% so với cùng kỳ năm trước và khả năng sẽ tiếp tục tăng mạnh về cuối tháng từ gạo các loại cho đến các loại thịt, bánh kẹo, đồ uống phục vụ nhu cầu mua sắm phục vụ tiêu dùng phục vụ dịp tết Nguyên đán. Nhóm hàng xăng, dầu đã hạ nhiệt khi giá đã giảm sau mấy kỳ điều chỉnh gần đây, tình hình thị tường ô tô con đã có nhiều khởi sắc ở những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024 khi các nhà kinh doanh thực hiện các chương trình khuyến mãi sau 1 năm khá trầm lắng của thị trường. Các nhóm hàng bán lẻ khác cũng tăng khả quan khi nhu cầu về cuối năm bắt đầu tăng dần.
Nhìn chung, các nhóm hàng đều có doanh thu tăng so với cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất, do ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, tháng cận tết Nguyên đán nên càng về cuối tháng, nhu cầu tiêu dùng và giá hàng hóa tăng; Thứ hai, tình hình kinh tế, chính trị trong nước cũng như thế giới tiếp tục bất ổn ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, tác động đến nhiều nhóm hàng hóa như xăng, dầu, khí đốt, vàng, đồ dùng gia đình giá trị cao; Thứ ba, do thói quen mua sắm của người dân thay đổi trong dịp cuối năm. Cùng với ảnh hưởng của các chính sách điều hành từ Chính phủ về thuế, giá nhiên liệu xăng, dầu các loại.
Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành: Những tháng đầu năm là thời điểm các lễ hội văn hóa bước vào mùa sôi động, nhu cầu tham quan du lịch có xu hướng tăng lên. Hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch, ăn uống tháng 01/2024 tăng nhẹ so với tháng trước.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành tháng 01/2024 dự tính đạt 664,37 tỷ đồng, tăng 2,18% so với tháng trước, tăng 28,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động lưu trú ước đạt 11,93 tỷ đồng, giảm 10,71% so với tháng trước, giảm 38,95% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ ăn uống ước đạt 649,41 tỷ đồng, tăng 2,42% so với tháng trước, tăng 31,42% so với cùng kỳ năm trước; Dịch vụ du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 3,03 tỷ đồng, tăng 8,62% so với tháng trước và tăng 47,56% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ ăn uống tăng mạnh do trong tháng trùng vào mùa cưới hỏi và có nhiều ngày nghỉ lễ, Tết Dương lịch, tổng kết cuối năm nên nhu cầu ăn uống, đặt tiệc vẫn được duy trì ổn định. Tuy nhiên, về dịch vụ lưu trú do từ đầu quý 4 năm 2023 tới nay, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú lớn trên địa bàn tiến hành sữa chữa nên lượng khách lưu trú giảm mạnh so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch mặc dù không lớn nhưng về cuối năm vẫn tăng khá đáng kể do lượng đặt tour du lịch trong và ngoài trong dịp Tết Dương lịch, đặc biệt là loại hình du lịch tâm linh tăng.
Dịch vụ khác: Doanh thu kinh doanh dịch vụ tháng 01/2024 dự tính đạt 416,03 tỷ đồng, tăng 0,33% so với tháng trước và tăng 10,79% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung tình hình kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh trong tháng có những thay đổi tùy theo từng nhóm ngành hàng do tính chất thời vụ dịp tết Nguyên đán, ngành dịch vụ hành chính hỗ trợ, giáo dục, đào tạo giảm trong khi tăng mạnh ở nhóm ngành dịch vụ khác như vui chơi giải trí, dịch vụ cho thuê đồ dùng cá nhân, các dịch vụ chăm sóc, làm đẹp.... Bên cạnh đó, ảnh hưởng thời tiết và giá cả thị trường cũng tác động nhiều đến các loại hình kinh doanh dịch vụ.
4.2. Hoạt động vận tải
Trong tháng là cao điểm về nhu cầu vận tải hành khách trong năm, lượng hành khách vận chuyển thời điểm trước Tết Nguyên đán thường tăng cao nhưng trên địa bàn tỉnh không xảy ra hiện tượng thiếu phương tiện đưa đón người dân đi lại. Vận tải hàng hóa trong tháng này giảm với biên độ đáng kể, đối với vận tải đường bộ, mặc dù nhu cầu vận tải thời điểm cận Tết tăng cao nhằm phục vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình. Tuy nhiên, do đặc thù các phương tiện vận tải hàng vật liệu xây dựng và cơ sở bán buôn nghỉ Tết sớm dẫn đến doanh thu chung cả tháng dự kiến giảm mạnh.
Doanh thu vận tải, kho bãi tháng 01/2024 ước đạt 640,47 tỷ đồng, giảm 2,23% so tháng trước và tăng 27,26% so cùng kỳ năm trước, trong đó: Vận tải hành khách ước đạt 128,30 tỷ đồng, tăng 15,79% so với tháng trước và tăng 48,86% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng hành khách vận chuyển ước đạt 1.237,32 nghìn HK, tăng 6,14% so với tháng trước và tăng 13,73% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển ước đạt 231,02 triệu HK.km, tăng 6,26% so với tháng trước, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do yếu tố thời vụ, thời điểm đầu tháng trùng với dịp nghỉ lễ Tết dương lịch nên lượng người đi lại về quê thăm thân, vui chơi tăng hơn tháng trước. Bên cạnh đó, là tháng cận kề dịp tết Nguyên đán, thời điểm trước Tết lượng khách đi lại ở mức cao, tình trạng cháy vé các tuyến xe đường dài xảy ra, cùng với việc tăng giá để bù chiều chạy rỗng. Bên cạnh đó, lượng khách di chuyển nội tỉnh qua hình thức xe bus, xe taxi cũng tăng mạnh.
Vận tải hàng hóa ước đạt 392,49 tỷ đồng, giảm 8,37% so với tháng trước và tăng 23,42% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng hóa vận chuyển ước tính đạt 4.128,56 nghìn tấn, giảm 6,52% so với tháng trước và tăng 18,28% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển ước đạt 129,84 triệu tấn.km, giảm 3,21% so với tháng trước và tăng 20,12% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa giảm doanh thu do càng về cuối tháng, nhu cầu vận chuyển một số nhóm hàng hóa như vật liệu xây dựng cũng như hoạt động của các cơ sở kinh doanh bán buôn hàng hóa giảm. Mặc dù nhu cầu vận chuyển hàng tiêu dùng có tăng nhằm phục vụ dịp Tết nhưng tổng chung doanh thu vận tải hàng hoá giảm mạnh so tháng trước.
Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 114,53 tỷ đồng, tăng 2,77% so với tháng trước và tăng 30,18% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu kho bãi, hỗ trợ vận tải tăng do tăng lượng hàng hóa thông qua các cảng biển trên địa bàn tỉnh.
4.3. Xuất nhập khẩu hàng hóa
Tình hình nhập khẩu trong tháng giảm nhẹ so với tháng trước do đơn vị gần như hạn chế nhập hàng để tập trung bán hàng chuẩn bị nghỉ Tết, Formosa vẫn cầm chừng việc nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất. Bên cạnh đó xuất khẩu đã có dầu hiệu tăng trở lại, cho thấy sự phục hồi của các nhóm hàng xuất khẩu như dệt và may mặc, chè, dăm gỗ.... Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tính chung tháng 01/2024 đạt 547 triệu USD giảm 3,96% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 23,80% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu: Tháng 01/2024 ước đạt 196,50 triệu USD, tăng 3,44% so với tháng trước nhưng giảm 3,28% so với cùng cùng kỳ. Có 2 nhóm hàng xuất khẩu tăng mạnh so với tháng trước và cùng kỳ là chè, dệt và may mặc cho thấy thị trường các mặt hàng này đang có nhiều khởi sắc, mặt hàng khó khăn như xơ, sợi giảm 44,44% so với tháng trước nhưng so với cùng kỳ tăng 316,67%. Tính riêng, mặt hàng thép, phôi thép ước đạt 175,40 triệu USD (chiếm 89,26% kim ngạch xuất khẩu chung toàn tỉnh) tăng 0,65% so với tháng trước nhưng giảm 3,59% so với cùng kỳ. Nhìn chung kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đều ở mức cầm chưng do tháng này các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nghỉ 2 dịp Tết khá dài ngày.
Kim ngạch nhập khẩu: Tháng 01/2024 ước đạt 350,50 triệu USD, giảm so với tháng trước (giảm 7,66%) nhưng so với cùng kỳ vẫn tăng khá (tăng 46,86%). Nguyên nhân chủ yếu do công ty Formosa cắt giảm bớt việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào (ước đạt 190,80 triệu USD, giảm 4,48% so với tháng trước và giảm 10,92% so với cùng kỳ) do giảm sản lượng sản xuất khi ngày nghỉ trong tháng khá nhiều.
Dự báo hoạt động xuất, nhập khẩu trong tháng 2 sẽ giảm hơn do trùng dịp nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày. Thời gian tới của năm 2024 xuất nhập khẩu của tỉnh sẽ ưu tiên phát triển theo hướng đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu với chính sách đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng ngoài thép trong bối cảnh tình hình thế giới còn khá nhiều biến động.
5. Chỉ số giá tiêu dùng
Tháng 01 là tháng trùng với dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, giá cả nhiều mặt hàng tăng, nhất là các nhóm lương thực thực phẩm, đồ dùng gia đình. Thị trường hàng hoá đa dạng, nhiều mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, không xảy ra hiện tượng khan hiếm. Nhiều chương trình khuyến mãi cũng liên tục được các nhà sản xuất, điểm kinh doanh đưa ra nhằm thu hút người tiêu dùng. Các cơ quan quản lý nhà nước tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp chủ động đảm bảo nguồn hàng hóa, không để xẩy ra tình trạng thiếu, khan hiếm hàng hóa trên thị trường Hà Tĩnh.
Chỉ số CPI chung tăng 0,39% so với tháng trước và tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có:
Có 07 nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng so với tháng trước: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,64% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 3,22%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,11% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 1,73%; hàng may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,6% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 1,5%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,47% so tháng trước, so cùng tháng năm trước giảm 2,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1% so tháng trước, so cùng tháng năm trước tăng 0,32%; giao thông tăng 0,36% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 0,12%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,84% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 5,55%.
Có 01 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước: Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,17% so tháng trước, tăng 4,66% so cùng tháng năm trước. Có 03 nhóm ổn định về chỉ số so với tháng trước là Bưu chính viễn thông; thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục.
Sự biến động giá cả thị trường tiêu dùng hàng hoá, dịch vụ trong tháng 01/2024 chủ yếu do các nguyên nhân chính như: Thứ nhất, do yếu tố mùa vụ là tháng trùng dịp Tết Nguyên đán rơi vào cuối tháng 01 năm 2024, nhu cầu tiêu dùng và giá cả đa số các nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng, nhất là về cuối tháng; Thứ hai, do ảnh hưởng của các chính sách điều hành từ Chính phủ về thuế, giá nhiên liệu xăng, dầu các loại; Thứ ba, tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, ảnh hưởng đến giá thịt lợn và các mặt hàng chế biến từ thịt lợn giảm.
Thị trường vàng và ngoại tệ trong tháng bình quân tăng mạnh theo xu hướng của thị trường thế giới. Giá vàng bình quân trong tháng ở mức 6.330 nghìn đồng/chỉ 9999, giá đô la Mỹ bình quân 2.470.993 đồng/100 USD. Dự kiến CPI tháng 02/2024 tiếp tục tăng mạnh, do Tết Nguyên đán rơi vào thời điểm giữa tháng. Do đó, chỉ số giá cả hàng hóa dự kiến tăng mạnh thời điểm đầu và giữa tháng, sau đó giảm dần về cuối tháng. Mức tăng chủ yếu tập trung các nhóm lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, hàng may mặc, cước vận tải hành khách, vật phẩm trang trí nhà ở.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội
Tháng 01 năm 2024 là tháng cận kề dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm và giá cả các nhóm hàng hóa đều có xu hướng tăng dần. Thị trường tiêu dùng hàng hoá Tết trên địa bàn Hà Tĩnh diễn ra khá sôi động với lượng hàng hóa phong phú, đa dạng về mẫu mã, chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tăng cường tuyển dụng lao động nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Tất cả điều đó đã góp phần làm cho đời sống người dân ổn định. Đến thời điểm 14/01/2024 toàn tỉnh đang triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, tri ân, thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội vì vậy số liệu phát sinh sẽ được cập nhật vào tháng tiếp theo.
2. Hoạt động y tế
- Công tác phòng chống HIV/AIDS: Để hạn chế nhiễm HIV/AIDS, Hà Tĩnh đang tập trung tăng cường các hoạt động truyền thông và dự phòng chống lây nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, nhất là đối tượng thanh niên.
Trong tháng, phát hiện 2 người nhiễm mới HIV, 2 người chuyển thành AIDS, 1 người chết vì AIDS. So tháng trước: tăng 2 người nhiểm mới HIV (tháng trước không xẩy ra); tăng 1 người chuyển thành AIDS (tăng 100%) và giảm 1 người chết vì AIDS (giảm 50%). So cùng kỳ năm trước: giảm 1 người nhiểm mới HIV (giảm 33,33%); tăng 1 người chuyển thành AIDS (tăng100%); tăng 1 người chết vì AIDS (tăng 100%).
- Công tác an toàn thực phẩm:
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết và nguy cơ ngộ độc do mất vệ sinh an toàn thực phẩm có thể xảy ra, cơ quan chuyên ngành (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) đã chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm hạn chế tối đa nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến các ngộ độc thực phẩm có thể xẩy ra trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu xuân năm 2024.
Trong tháng, không xảy ra các vụ ngộ độc tập thể (tháng trước và cùng kỳ năm trước đều không xẩy ra các vụ ngộ độc tập thể nào); chỉ có 51 ca ngộ độc thực phẩm đơn lẻ, so với tháng trước giảm 9 ca (giảm 15%) và giảm 2 ca so với cùng kỳ năm trước (giảm 3,8%); không có người chết vì các ca ngộ độc đơn lẻ (tháng trước và cùng kỳ năm trước đều không có người chết vì các ca ngộ độc đơn lẻ).
Tình hình dịch bệnh khác:
Trong tháng, không có bệnh nào tạo thành dịch, trên địa bàn chỉ có một số ca mắc các bệnh đơn lẻ, gồm: 1 ca sốt xuất huyết (giảm 4 ca so với cùng kỳ), 1 ca sốt rét (cùng kỳ năm trước không xẩy ra), 47 ca quai bị (tăng 36 ca so với cùng kỳ), 2 ca lỵ trực trùng (giảm 15 ca so với cùng kỳ), 10 ca lỵ amip (giảm 13 ca so với cùng kỳ), 47 ca thủy đậu (tăng 28 ca so với cùng kỳ), 1.649 ca mắc bệnh cúm (tăng 422 ca so với cùng kỳ), 144 ca tiêu chảy đơn lẻ (tăng 1 ca so với cùng kỳ). Tất cả các ca bệnh trên không tạo thành dịch, chỉ là các ca bệnh đơn lẻ và không có người chết do các bệnh trên.
3. Hoạt động văn hoá, thể thao
Về văn hóa:
Trong tháng, nhiều hoạt động văn hóa diễn ra khá sôi nổi. Đặc biệt vào dịp Tết Dương lịch, Hà Tĩnh đã tổ chức chương trình nghệ thuật đặc sắc “
Hà Tĩnh chào năm mới 2024
”; đã tổ chức chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm cao. Chương trình đã mang lại nhiều cảm xúc hứng khởi, truyền đến nhiều thông điệp ý nghĩa về một năm mới với nhiều khát vọng tươi sáng. Đây cũng là lần đầu tiên, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức chương trình nghệ thuật đón năm mới với quy mô lớn. Bên cạnh đó, tập trung chuẩn bị tuyên truyền mừng Đảng mừng Xuân, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và tháng lễ hội Xuân sắp tới với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng và linh hoạt như: làm mới và treo pa nô, băng rôn, ma két, lắp mới hệ thống đèn led trang trí tại khu vực công viên và các trục đường chính,...
Về thể dục thể thao:
Trong tháng, đoàn thể thao tỉnh Hà Tĩnh đã giành được 1 HCV và 3 HCĐ bộ môn điền kinh, trong đó: 1 HCV giải bán Marathon Quốc tế; 2 HCĐ giải Việt dã chào năm mới BTV 2024 và 1 HCĐ giải VĐQG Leo Núi.
Công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động văn hóa:
Trong tháng, đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra văn hóa trên địa bàn, nhất là các dịch vụ vui chơi giải trí karaoke, dịch vụ kinh doanh văn hóa tranh ảnh, băng đĩa nhạc,… nhằm đảm bảo việc tiếp cận các giá trị văn hóa của người dân nhất là trong dịp tết được tốt hơn, loại trừ các văn hóa phẩm đi lệch với các thuần phong mỹ tục của quê hương, đất nước.
4. Tình hình trật tự và toàn giao thông
Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) cho Nhân dân vui đón Tết Dương lịch, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024, UBND tỉnh và cơ quan, lực lượng chuyên môn đã ban hành các văn bản chỉ đạo, thắt chặt các nút giao thông trọng điểm trên địa bàn nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn toàn tỉnh.
Tính từ ngày 15/12/2023-14/01/2024 xảy ra 40 vụ tai nạn đường bộ, làm 16 người chết, 41 người bị thương; 1 vụ tai nạn đường sắt, không làm thiệt hại về người; tai nạn đường thủy không xẩy ra. Tổng giá trị thiệt hại ước tính của 41 vụ (gồm cả tai nạn đường bộ và đường sắt) là 310 triệu đồng. So với tháng trước: Số vụ tai nạn đường bộ giảm 2 vụ (giảm 4,76%), giảm 1 người chết (giảm 5,88%) và tăng 14 người bị thương (tăng 51,85%); số vụ tai nạn đường sắt tăng 01 vụ (tháng trước không xẩy ra); số vụ tai nạn đường thủy không thay đổi (không xẩy ra). So với cùng kỳ năm trước: Số vụ tai nạn đường bộ tăng 15 vụ (tăng 60%), giảm 4 người chết (giảm 20%) và tăng 32 người bị thương (tăng 355,56%); số vụ tai nạn đường sắt tăng 1 vụ.
5. Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ
Tình hình cháy: Từ ngày 15/12/2023-14/01/2024 trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy 1 vụ cháy, không làm thiệt hại về người, ước tính giá trị thiệt hại tài sản 1 triệu đồng; so với tháng trước: giảm 1 vụ cháy (giảm 50%), thiệt hại về người không thay đồi (không xẩy ra); so với cùng kỳ năm trước giảm 8 vụ cháy (giảm 88,88%), thiệt hại về người không thay đổi (không xẩy ra).
Tình hình nổ: Trong tháng không xẩy ra vụ nổ.
Vi phạm môi trường: Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương đấy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân trong việc phát triển kinh tế phải gắn với công tác bảo vệ môi trường, nên người dân ngày càng ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với hoạt động bảo vệ môi trường, do đó tình hình vi phạm môi trường tháng 01/2024 có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, Hà Tĩnh phát hiện 64 vụ vi phạm môi trường và đã xử lý 21 vụ, với tổng số tiền xử phạt 35,60 triệu đồng; tăng 58 vụ phát hiện (tăng 10,67 lần), tăng 17 vụ đã xử lý (tăng 5,25 lần), giảm 242,90 triệu đồng (giảm 87,22%) tiền xử phạt so với tháng trước và giảm 86 vụ phát hiện (giảm 57,33%), giảm 150 vụ đã xử lý (giảm 87,72%), giảm 303,10 triệu đồng (giảm 89,49%) số tiền xử phạt so với cùng kỳ năm trước.
6. Tình hình thiên tai
Trong tháng, không xảy ra thiên tai. So với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước không thay đổi.
Trên đây là một số tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh./.
Cục Thống kê tỉnh Hà Tĩnh