Thứ trưởng Trần Quốc Phương chủ trì Hội thảo lấy ý kiến các đối tác phát triển về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi)
(MPI) - Sáng ngày 13/9/2024, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã chủ trì Hội thảo lấy ý kiến các Đối tác phát triển về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Tham dự Hội thảo có các đối tác phát triển là các tổ chức quốc tế, nhóm các ngân hàng phát triển, Đại sứ quán một số nước tại Việt Nam cùng đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu mở đầu Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cảm ơn sự hợp tác, phối hợp hiệu quả, đồng hành hỗ trợ của các đối tác, các nhà tài trợ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đồng thời cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Luật Đầu tư công sửa đổi; tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến các tỉnh, thành phố tại các vùng, miền.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đây là dự án luật quan trọng, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao hiệu sử dụng vốn ngân sách nhà nước, tạo đột phá trong phát triển hạ tầng, là một trong những đột phá chiến lược quan trọng của Việt Nam.
Nhìn chung, trong quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu được nhiều ý kiến của các bên liên quan đối với các nội dung, điều khoản, chính sách dự kiến sửa đổi; các ý kiến đều đồng tình, ủng hộ đối với những đề xuất mang tính đổi mới, đột phá về tư duy, chính sách trong Dự thảo lần này. Các nội dung đề xuất gắn với những định hướng lớn nhằm tạo sự đổi mới, hiệu quả hơn trong công tác quản lý đầu tư công, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cắt giảm thủ tục hành chính; bảo đảm các nội dung đề xuất có tính khả thi cao, gắn với việc phân bổ nguồn lực hiệu quả, bảo đảm phù hợp với năng lực tổ chức của từng cấp, từng cơ quan; phát huy tính linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý và thực hiện kế hoạch đầu tư công; đa dạng hóa các hình thức, phương thức quản lý, thực hiện dự án; cải cách thủ tục hành chính, rút gọn các thủ tục nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng cho một số địa phương, qua lần này đề xuất nâng cấp trong Luật để áp dụng rộng rãi.
Bên cạnh đó là một số nội dung được đổi mới nhằm thực hiện các quy định rõ ràng, minh bạch và triển khai dễ dàng hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, tại dự thảo Luật lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thiết kế 01 chương riêng nhằm thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài dành cho các dự án ODA, vốn vay và các dự án vốn viện trợ nhằm thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo trước khi trình các cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV theo quy trình 1 kỳ họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị các Đối tác tham vấn, đóng góp ý kiến thẳng thắn, cô đọng, đưa ra các đề xuất, kiến nghị cụ thể.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Trình bày các nội dung của dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi, ông Trần Thành Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo Luật dự kiến gồm 07 chương, 117 điều, tập trung vào 05 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua với 30 chính sách chủ yếu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng kết, đánh giá, đề xuất sửa đổi Luật theo tinh thần tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện gắn với nâng cao năng lực thực thi và tăng cường thanh tra, giám sát; phân tích đầy đủ cơ sở thực tiễn; mục đích, yêu cầu xây dựng Luật; các nội dung sửa đổi, bổ sung chủ yếu; quy định chuyển tiếp…
Liên quan đến các nhóm chính sách nhằm thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài dự kiến được bổ sung tại dự thảo Luật lần này, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc xây dựng 01 chương riêng nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án vốn ODA, vốn vay ưu đãi đã được chỉ ra qua các đợt làm việc với các tổ công tác về giải ngân vốn ODA của các vùng, các bộ, ngành cũng qua ý kiến đóng góp của đối tác phát triển.
Theo đó, Dự thảo bổ sung quy định nhằm đơn giản hóa nội dung liên quan đến Đề xuất dự án; bổ sung hoạt động lập Đề xuất dự án vào nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn cho nhiệm vụ lập Đề xuất dự án. Đề xuất chương trình đầu tư công, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi dự kiến với các nội dung chính như sau: Tên chương trình đầu tư công, dự án; Nhà tài trợ; Mục tiêu; Dự kiến tổng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi; Cơ chế tài chính trong nước (cấp phát toàn bộ; cho vay lại một phần; cho vay lại toàn bộ); Danh mục dự án đối với chương trình đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Phân cấp thẩm quyền, đơn giản hóa trình tự, thủ tục phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn ODA; Đơn giản hóa việc thực hiện dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại, thúc đẩy nhanh việc phê duyệt các dự án; Đơn giản hóa quy trình phê duyệt các dự án viện trợ không hoàn lại; Bổ sung quy định dừng sử dụng vốn ODA ở các giai đoạn của chương trình, dự án đối với chương trình, dự án: đã được phê duyệt quyết định đầu tư; đã phê duyệt chủ trương đầu tư; đã được phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án. Dự thảo bổ sung các quy định nhằm đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.
Tham gia ý kiến tại Hội thảo, các đối tác đánh giá cao nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng Luật Đầu tư công sửa đổi cũng như quá trình hỗ trợ nhằm đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các đối tác; Dự thảo lần này đưa ra các chính sách đột phá, đơn giản hóa thủ tục, trao quyền nhiều hơn, giảm thiểu thời gian liên quan, nhất là ở các chính quyền địa phương. Các ý kiến cũng bày tỏ tin tưởng rằng, với các chính sách thay đổi tích cực sẽ khai mở các tiềm năng trong quá trình triển khai các dự án ODA.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng tập trung vào các nội dung cụ thể liên quan đến dự án hỗ trợ kỹ thuật không có hợp phần về xây lắp; dự án hỗn hợp, có sự tham gia và quản lý nhiều đơn vị khác nhau nhưng cùng mục tiêu; giải pháp để thực hiện dự án nhiều lĩnh vực khác nhau, liên quan nhiều bộ, ngành; quy trình, thủ tục, chủ trương đầu tư được sử dụng nguồn vốn không hoàn lại, đơn giản hóa các quy trình thủ tục đơn giản hóa đầu tư; phân bổ nguồn vốn đầu tư;…
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cảm ơn các ý kiến góp ý kiến quý báu của các đối tác với Dự thảo; cơ bản các ý kiến ủng hộ với những điểm mới đột phá của Dự thảo và góp ý vào những nội dung chi tiết, đề xuất mới; khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tinh thần cầu thị sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật; tiếp tục đổi mới quyết liệt mạnh mẽ, đặc biệt, các nội dung sửa đổi, bổ sung không chỉ nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, hạn chế mà là khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế để đạt các mục tiêu đề ra.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng làm rõ thêm các nội dung được các đại biểu nêu và cho biết, việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này rất toàn diện, tiến độ khẩn trương, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, trong đó, có các đối tác trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công sửa đổi với mục tiêu tiếp tục thể chế hóa các các chính sách về đầu tư công, tháo khó khăn, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, khơi thông nguồn lực cho phát triển tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức trong triển khai quy định của pháp luật về đầu tư công, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư