Hội thảo tham vấn mô hình Quỹ đầu tư công tư, chú trọng đầu tư tác động cho Việt Nam

(MPI) - Ngày 09/10/2024, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội thảo tham vấn mô hình Quỹ đầu tư công tư, chú trọng đầu tư tác động cho Việt Nam. Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới; đây là một trong những hoạt động được tổ chức nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế trong việc xây dựng và thành lập Quỹ Đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo Quốc gia hiện đang được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì xây dựng.

Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có ông Ishikawa Isamu, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; Lãnh đạo Công ty TNHH MRIV International; Tập đoàn Mạng lưới Đổi mới Nhật Bản (INCJ). Cùng dự Hội thảo có đại diện SCIC, các tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư và một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 Ông Vũ Quốc Huy phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu mở đầu Hội thảo, ông Vũ Quốc Huy cho biết, hội thảo nằm trong chuỗi các hội thảo đã được tổ chức để tham vấn ý kiến các tổ chức, cá nhân liên quan, đặc biệt là đại diện của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước trong việc xây dựng mô hình Quỹ Đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo Quốc gia. Đây là nội dung khó và cần sự tham vấn sâu ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản và các đối tác Nhật Bản tại Việt Nam đã tích cực hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, đặc biệt mới đây Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự án ODA nhằm hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, trong đó có việc nghiên cứu, thành lập Quỹ Đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo Quốc gia.

Cập nhật về việc nghiên cứu thành lập Quỹ đầu tư, đổi mới sáng tạo Quốc gia, ông Vũ Quốc Huy đã nhấn mạnh đến vai trò, mục tiêu và sự cần thiết thành lập Quỹ; Việc thành lập Quỹ này là hỗ trợ các lĩnh vực, đối tượng cụ thể về khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ cho các dự án đầu tư, các đề án về đổi mới sáng tạo mang tính chiến lược dài hạn của Việt Nam; định hướng dài hạn và mục tiêu của Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo; kết nối toàn diện các nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động; là nhân tố để tăng cường sự phối hợp giữa các bên liên quan, giữa Nhà nước với các quỹ đầu tư, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.

Ông Vũ Quốc Huy nhấn mạnh, việc thành lập quỹ rất cần thiết, tạo ra cơ chế tài chính mạnh mẽ, toàn diện hơn và có sự liên kết chặt chẽ với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với cơ chế thị trường; không chỉ bổ sung cho các quỹ hiện có mà còn tạo nền tảng chính sách tài chính đặc biệt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở quy mô lớn trong dài hạn. Do vậy, Hội thảo mong muốn nhận được các ý kiến thảo luận sâu hơn về mô hình của quỹ, vai trò, vị trí pháp lý, tạo nguồn vốn để hoạt động cho Quỹ này.

Ông Ishikawa Isamu, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam phát biểu. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, ông Ishikawa Isamu, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho Việt Nam thông qua các dự án hợp tác với NIC, góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới; đồng thời đánh giá cao vai trò cũng như những kết quả hoạt động của NIC trong 5 năm qua, đóng góp quan trọng trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Năm 2023, Việt Nam và Nhật Bản đã đánh dấu mốc kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao và Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Tháng 3/2024, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 1 đã chính thức được khởi động; là cơ chế hợp tác song phương mang tính thực chất giữa hai nước. Trong các nội dung của Sáng kiến chung giai đoạn mới thì hai lĩnh vực là chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo được xác định là những trụ cột lớn trong cơ chế hợp tác này. Chính vì vậy, Hội thảo là hoạt động rất có ý nghĩa trong khuôn khổ triển khai các nội dung của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới, ông Ishikawa Isamu nhấn mạnh.

Hội thảo được nghe các bài tham luận từ Công ty MRIV International trình bày về kinh nghiệm các mô hình Quỹ công tư trên thế giới và những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của mô hình Quỹ công tư; Quỹ đầu tư INCJ trình bày về kinh nghiệm quản lý Quỹ đầu tư theo mô hình công tư, chú trọng tạo tác động của Nhật Bản và cách vận hành Quỹ phù hợp với chiến lược đầu tư của Chính phủ Nhật Bản. Đại diện các tổ chức tư vấn, quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đã có những trao đổi, chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn của Nhật Bản; chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn vận hành mô hình theo phương thức đối tác công tư PPP fun, chú trọng đến việc đầu tư tạo tác động; mô hình thành công của phía Nhật Bản cũng như vai trò và sự thành công của quỹ trong việc thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo;…Qua đó áp dụng mô hình thực tế tại Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Qua các ý kiến chia sẻ cho thấy được bức tranh hoạt động, mô hình, cơ chế ra quyết định, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, quy trình nội bộ tổ chức thẩm định đầu tư các dự án. Các ý kiến là thông tin có giá trị tham khảo hữu ích trong quá trình xây dựng Quỹ Đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo Quốc gia; trong đó có nhiều điểm tích cực, tương thích với điều kiện của Việt Nam như xác định mục tiêu, tầm nhìn; mục tiêu đánh giá các dự án vừa kết hợp yếu tố kinh tế với tác động xã hội; việc lựa chọn và xây dựng đội ngũ nhân lực với các chính sách ưu đãi cụ thể;…

Trên cơ sở các ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NIC) sẽ nghiên cứu, tổng hợp để từng bước xây dựng dự thảo Đề án xây dựng Quỹ Đầu tư, hỗ trợ đổi mới sáng tạo Quốc gia, gửi xin ý kiến các cơ quan liên quan và báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định./.

Tùng Linh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư