Hội thảo tham vấn Dự thảo Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững
(MPI) - Ngày 26/11/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức tổ chức Hội thảo tham vấn Dự thảo báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan trong nước và quốc tế, các đối tác phát triển, các tổ chức xã hội tại Việt Nam.
 |
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 (NAP 2030). NAP 2030 là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) tại Việt Nam.
Trong bối cảnh mới có nhiều thay đổi như: Nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình đã được ban hành cho giai đoạn 2021-2030; Tác động của dịch COVID-19; biến động về mặt kinh tế - chính trị - xã hội trên toàn cầu; việc thực hiện SDGs gặp nhiều khó khăn, thách thức; Nhiều cam kết toàn cầu và thỏa thuận lớn mà Việt Nam tham gia thực hiện như các cam kết tại COP26 và Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) và định hướng mới của Liên Hợp Quốc trong việc thực hiện SDGs, việc rà soát, đánh giá giữa kỳ việc thực hiện NAP 2030 và đề xuất, kiến nghị sửa đổi NAP 2030 để phù hợp với bối cảnh mới là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định tại Quyết định 622/QĐ-TTg.
Với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ và các cơ quan Liên Hợp Quốc (UNDP, UNICEF, UNESCAP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện việc rà soát và xây dựng Dự thảo Báo cáo Đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
 |
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu SDGs. Kết quả nổi bật có thể kể tới, các chính sách, hướng dẫn chung để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện các mục tiêu SDG đã được ban hành tương đối đồng bộ, đầy đủ và góp phần rất lớn vào việc quốc gia hóa và thực hiện các mục tiêu SDG tại Việt Nam.
Việc thực hiện các mục tiêu SDG đã huy động sự tham gia và đóng góp tích cực và trở thành công việc chung của tất cả các bên liên quan gồm cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển và người dân.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định trong nhiều mục tiêu và được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao như SDG 1, SDG 6, SDG 9, SDG 10, SDG 16 và SDG 17.
Ông Lê Việt Anh cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao những đóng góp tích cực của các bên liên quan trong nước và quốc tế, đặc biệt là Chính phủ Đức và Liên Hợp Quốc về các hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng Đánh giá giữa kỳ thực hiện Chương trình nghị sự 2030 tại Việt Nam.
 |
Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis phát biểu. Ảnh: MPI |
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam chia sẻ, Đánh giá giữa kỳ NAP 2030 là cơ hội quan trọng để rút kinh nghiệm, chia sẻ bài học và đưa ra định hướng tập trung hơn, cũng như huy động sự tham gia và nguồn lực của các bên liên quan cả về mặt tài chính, kỹ thuật và kiến thức.
Đồng thời khẳng định, Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu SDG, đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào năm 2050.
Ông Santiago Alonso Rodriguez, Tham tán thứ nhất về Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam bày tỏ niềm tự hào về sự hợp tác lâu dài giữa Đức và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đặc biệt là trong công tác xây dựng báo cáo đánh giá giữa kỳ.
Đại diện Đại sứ quán Đức cho biết, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong quá trình thực hiện SDGs tuy vẫn đối mặt với nhiều thách thức; đưa ra một số khuyến nghị như tăng cường lồng ghép các mục tiêu SDG vào các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội để đẩy nhanh quá trình thực hiện. Đức sẽ tiếp tục là người bạn đồng hành đáng tin cậy và bền vững của Việt Nam trên chặng đường phía trước, ông Santiago Alonso Rodriguez nhấn mạnh.
Hội thảo đã nhận được ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan về Dự thảo Báo cáo, cũng như chia sẻ kết quả đạt được, khó khăn thách thức và gợi mở hướng tiếp theo nhằm thúc đẩy việc thực hiện SDGs tại Việt Nam. Các đại biểu tham dự tại Hội thảo đã đưa ra một số khuyến nghị trong nhận định các chỉ tiêu, dữ liệu, phân tích được đưa ra trong Báo cáo; cũng như đề xuất các giải pháp để thúc đẩy quá trình thực hiện các mục tiêu SDG tại Việt Nam. Các ý kiến đóng góp từ Hội thảo sẽ được phản ánh trong Báo cáo cuối cùng và được sử dụng làm đầu vào cho việc xây dựng, sửa đổi chính sách quốc gia góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện SDGs tại Việt Nam./.
Bảo Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư