Thứ hai, 00/00/2023
°

Kinh nghiệm quốc tế về phòng ngừa tham nhũng trong mua sắm công

Ngày 23/05/2012 - 14:47:00 | 277 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

TS. Thaveeporn Vasavakul, chuyên gia tư vấn quốc tế đã có thời gian dài công tác tại Việt Nam. Bà có thể sử dụng thành thạo 3 ngôn ngữ: Thái Lan, Anh, Việt. Bài viết dưới đây do chính TS. Thaveeporn Vasavakul viết bằng tiếng Việt. Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Mua sắm công là một trong những lĩnh vực quản lý công có nhiều nguy cơ tham nhũng. Nguy cơ này ngày càng gia tăng khi mà bất cứ ngành quản lý nhà nước nào cũng phải mua sắm và các cấp quản lý đều có chức năng mua sắm. Theo các chuyên gia, những kinh nghiệm quốc tế về phòng ngừa tham nhũng trong mua sắm công có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế và cơ chế mua sắm công tại Việt Nam.

Những đối tượng có nguy cơ tham nhũng

Nhóm đối tượng đầu tiên là các nhà thầu tham gia đấu thầu. Nhóm thứ hai là các quan chức nhà nước phụ trách việc mua sắm công. Nhóm thứ ba là những công ty hoặc người làm môi giới hỗ trợ các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu các hợp đồng mua sắm công. Trong một số trường hợp, các công ty đa quốc gia không cụ thể hóa việc cho phép đại lý địa phương hối lộ, nhưng sẵn sàng làm ngơ trước các phương thức giao dịch hối lộ mà đại lý địa phương sử dụng để giành được hợp đồng. Nhóm thứ tư là các công ty "sân sau", đóng vai trò nhà thầu phụ cho một nhà thầu chính nhưng thực chất là làm môi giới giữa nhà thầu chính với quan chức nhà nước tham nhũng. Các hợp đồng phụ sẽ giúp hợp pháp hóa khoản tiền lại quả mà nhà thầu chính chi trả cho quan chức. Đây thường là trường hợp mà quan chức nhà nước tham nhũng có thể có quyền kiểm soát việc thanh toán hóa đơn của nhà thầu chính; quan chức nhà nước tạo điều kiện cho nhà thầu chính bằng việc đảm bảo các hóa đơn được thanh toán nhanh và đầy đủ.

Mua sắm công và những hình thức tham nhũng

Quy trình mua sắm công gồm nhiều giai đoạn, từ giai đoạn lập dự án đến giai đoạn thông báo mời thầu, sơ tuyển nhà thầu, nghiên cứu, trình hồ sơ; đấu thầu; xét thầu, hậu tuyển và trao hợp đồng; thực hiện, quản lý và giám sát hợp đồng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, giai đoạn nào trong quy trình mua sắm công cũng có thể phát sinh nguy cơ tham nhũng. Những hình thức chính gồm: dàn xếp thầu, ép thầu, thông thầu, luân phiên bỏ giá, chia khách hàng, bỏ giá thầu thấp rồi tăng lên, làm sai lệch số liệu, chiếm đoạt và lạm dụng tài sản công.

Có nhiều hình thức dàn xếp thầu như: đưa ra những yêu cầu kỹ thuật mà chỉ có một nhà thầu nào đó đáp ứng được; thông tin nội bộ được cung cấp cho một nhà thầu được ưu ái để thắng thầu với giá thấp nhất; cho nhà thầu được ưu ái tiếp cận với các hồ sơ đấu thầu trước khi chính thức công bố thầu để nhà thầu này có thời gian chuẩn bị kỹ hồ sơ đấu thầu của mình.

Ép thầu là khi một hoặc nhiều nhà thầu bỏ cuộc không đấu thầu do bị một nhà thầu khác ép buộc. Trong một số trường hợp, quan chức nhà nước ép các nhà thầu không tham gia đấu thầu hoặc rút hồ sơ dự thầu đã nộp trước đó để một nhà thầu được chỉ định sẽ thắng thầu. Đơn vị không tham gia thầu có thể nhận được hợp đồng phụ từ đơn vị thắng thầu hoặc được "lót tay" vì không tham gia đấu thầu.

Thông thầu là khi các nhà thầu cấu kết với nhau nộp hồ sơ dự thầu có giá cao, vượt giá gói thầu để một nhà thầu được ưu ái thắng thầu. Thông thường, "những đơn vị trượt thầu" được đơn vị thắng thầu "đền đáp", hưởng một phần nhỏ lợi ích từ hợp đồng. Luân phiên bỏ giá là khi các bên đấu thầu thỏa hiệp với nhau cùng nộp hồ sơ dự thầu nhưng thỏa thuận sẽ lần lượt đóng vai làm nhà thầu bỏ giá thấp cho một chuỗi hợp đồng có liên quan.

Chia chác khách hàng là khi các bên thống nhất với nhau chia khách hàng hoặc vùng địa lý để không đấu thầu cạnh tranh với nhau hoặc khi có thông báo mời thầu chỉ gửi hồ sơ dự thầu sau khi đã thông đồng với nhau. Bỏ giá thầu thấp rồi tăng lên là khi doanh nghiệp được chỉ định đưa ra giá thầu thấp nhất, nhưng sau khi đã được trao hợp đồng thì doanh nghiệp lại chỉnh sửa hợp đồng với giá tăng lên, phần chi phí lợi nhuận đó sẽ được nhà thầu dùng một phần để chia cho quan chức nhà nước phụ trách. Làm sai lệch số liệu là khi các quan chức nhà nước có thể làm sai lệch thủ tục mua sắm công để biển thủ tiền của nhà nước đơn giản bằng việc làm sai lệch số liệu. Cuối cùng, nguy cơ tham nhũng có thể được thể hiện trong việc chiếm đoạt và lạm dụng tài sản công.

Những biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Theo kinh nghiệm quốc tế thì một số biện pháp có thể làm giảm nguy cơ tham nhũng trong mua sắm công gồm: hoàn thiện thể chế, mua sắm điện tử, kiểm toán, điều tra pháp lý, xử phạt có chọn lọc, việc tiết lộ tự nguyện, giám sát từ bên ngoài và tăng cường tuyên truyền về việc tố cáo tham nhũng.

Biện pháp thứ nhất là hoàn thiện thể chế các quy định về tinh giản hóa thủ tục và quy định liên quan; việc hợp lý hóa các cơ chế quản lý theo hướng nâng cao tính minh bạch, tính chịu trách nhiệm và hiệu quả; đào tạo cán bộ phụ trách để vận hành các cơ chế và việc chuẩn hóa các nguyên tắc thực hiện các mô hình mua sắm.

Biện pháp thứ hai là mua sắm điện tử. Đây có nghĩa là đưa mọi thông báo mời thầu lên bảng đấu thầu điện tử làm giảm hiện tượng cấu kết giữa các bên. Tuy nhiên, công nghệ thông tin và truyền thông chỉ có thể cải thiện được việc thực hiện hợp đồng và làm giảm tham nhũng khi những vấn đề thuộc về hệ thống được giải quyết triệt để.

Biện pháp thứ ba là việc kiểm toán, điều tra pháp lý. Hầu hết các đợt kiểm toán đều tập trung vào kiểm soát quá trình thực hiện mà không đi sâu để xác định xem nguồn vốn có được sử dụng hợp lý hay không. Do đó, những cuộc kiểm toán định kỳ cần phải có tính chất điều tra pháp lý và phần công việc này cần được đưa vào phần chức năng nhiệm vụ. Nhân viên kiểm toán phải biết “nhìn sau trang giấy” và xác minh. Việc lựa chọn mẫu kiểm toán bất kỳ sẽ làm cho những kẻ có khả năng gian dối phải cảnh giác và làm giảm nguy cơ tham nhũng.

Thứ tư là xử phạt có chọn lọc. Đây là việc cần có một hệ thống đủ thẩm quyền nhận đơn tố cáo, tiến hành điều tra, khởi tố và quy định các cơ chế xét xử, kết tội và đưa ra các biện pháp khắc phục.

Thứ năm là tiết lộ tự nguyện. Công ước Liên hiệp quốc về Phòng, chống tham nhũng khuyến khích các quốc gia xem xét thực hiện các chương trình tiết lộ tự nguyện, cho phép nhà thầu báo cáo sự gian dối và tham nhũng trong hoạt động của họ. Trong những chương trình như vậy, nhà thầu tiết lộ đầy đủ, kịp thời và trung thực sẽ không bị ngăn cản dự thầu ở các hợp đồng trong tương lai.

Thứ sáu là giám sát từ bên ngoài. Có thể sử dụng các quan sát viên để giám sát quá trình mua sắm ngay từ ban đầu. Cụ thể, các quan sát viên theo dõi vi phạm hoạt động độc lập - đó là các chuyên gia về quản lý nhà nước được giữ lại làm việc tại các công ty tư nhân hoặc được các cơ quan điều hành của chính phủ chỉ định theo dõi các vụ việc kiểm soát quan trọng. Các tổ chức xã hội có thể tham gia ở các giai đoạn khác nhau trong toàn bộ quá trình mua sắm công. Hiệp ước về Liêm chính của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã tạo ra một kênh nữa để các tổ chức đoàn thể xã hội tham gia vào giám sát quá trình mua sắm. Được đưa ra từ những năm 90 của thập kỷ trước, Hiệp ước này là một thỏa thuận chính thức giữa cơ quan mua sắm của chính phủ với các nhà thầu. Theo đó, các bên tham gia cam kết không “trả, đưa, đòi hoặc nhận hối lộ, hoặc cấu kết với các đối thủ để giành hợp đồng, hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng". Lý tưởng nhất là cam kết chống tham nhũng được đưa ngay vào giai đoạn lập kế hoạch và mở rộng ra ở các giai đoạn thiết kế, xây dựng và lắp đặt hoặc vận hành các tài sản, cộng với quá trình sơ tuyển nhà thầu, dự thầu và thực hiện hợp đồng. Hiệp ước về Liêm chính thực hiện ngay ở giai đoạn đầu của dự án và chỉ kết thúc khi dự án hoàn thành sẽ đảm bảo sự hiện diện tích cực và liên tục của công tác giám sát trong toàn bộ quá trình mua sắm.

Cuối cùng là việc truyền thông về tố cáo tham nhũng. Đối với biện pháp này, các báo cáo viên và nhà báo cần được truyền đạt để hiểu về tiến trình mua sắm công. Luật pháp của nhà nước cần đưa ra “luật tự do thông tin”, cho phép người dân, các tổ chức giám sát và báo chí được phép tiếp cận với thông tin cần thiết để biết công ty nào đang trúng thầu theo điều khoản nào và giá trị của hợp đồng là bao nhiêu. Những hành vi tham nhũng của cá nhân và công ty sau khi bị phát hiện phải được công bố. Các tổ chức phi chính phủ cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về những rủi ro từ tham nhũng và có những hành động thiết thực đối với tệ nạn này.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác