Thứ hai, 00/00/2023
°

Cuộc họp Ủy ban hỗn hợp tiền khởi động Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VI

Ngày 03/11/2015 - 17:03:00 | 177 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI Portal) – Ngày 02/11/2014, cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp tiền khởi động Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VI diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Tham dự cuộc họp có đại diện của các bộ, ngành liên quan phía Việt Nam và hơn 40 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp Nhật Bản thuộc Liên đoàn kinh tế Nhật Bản (Keidanren).

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung phát biểu khai mạc. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung đánh giá, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đã đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, cũng như doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Đạt được các mục tiêu cơ bản đề ra, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và mang lại lợi ích cho cả hai phía. Bên cạnh nêu lên các vấn đề, Nhật Bản cùng các cơ quan Chính phủ Việt Nam tháo gỡ khó khăn, xây dựng thể chế với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

Năm 2014, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản kết thúc giai đoạn V với các kết quả đáng khích lệ: 81/104 tiểu hạng mục cam kết đã thực hiện tốt, đúng tiến độ, 14 tiểu hạng mục chậm tiến độ, 9 tiểu hạng mục chưa triển khai do phía Nhật Bản yêu cầu. Tại cuộc họp cuối kỳ vào 12/2014, hai bên thống nhất tiếp tục triển khai giai đoạn VI, tập trung vào các lĩnh vực lao động, tiền lương, dịch vụ logistics - vận tải, dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Ông Masao Tabuchi, Quyền Chủ tịch Ủy ban kinh tế Việt Nam – Nhật Bản. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Ông Masao Tabuchi, Quyền Chủ tịch Ủy ban kinh tế Việt Nam – Nhật Bản cho rằng, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh rất cần thiết khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Keidanren, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản sẽ mang lại ý nghĩa và giá trị thiết thực hơn nữa, giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuẩn bị cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời thúc đẩy hợp tác đầu tư hai nước.

Tại cuộc họp, các đại biểu được nghe các kiến nghị của Nhật Bản về quy định khoảng cách chênh lệch 5% trong bảng lương, quy định tăng lương 7% sau khi thực hiện đào tạo, xem xét áp dụng cơ chế các doanh nghiệp có thể tự quy định thời gian tối đa làm ngoài giờ theo từng ngành nghề riêng, rà soát danh sách các công việc nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm, đề xuất áp dụng quy chế phù hợp với từng ngành nghề, từng công việc trong an toàn vệ sinh lao động, nâng cao hiểu biết pháp luật của doanh nghiệp trong tai nạn lao động. Về vấn đề tiền lương, phía Nhật Bản đề xuất làm rõ định nghĩa tiền lương tối thiểu và chỉ tiêu kinh tế, số liệu điều tra được sử dụng để xem xét tiền lương tối thiểu, xem xét lại phương pháp điều tra chi phí sinh hoạt tối thiểu cần có và phương pháp điều tra năng lực thanh toán tiền lương của các doanh nghiệp.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)

Liên quan đến đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài, Luật đầu tư đã có hiệu lực và làm rõ nhiều nội dung, quy định cụ thể về quá trình thành lập công ty, hướng dẫn thủ tục mở chi nhánh đối với doanh nghiệp nước ngoài hoạt động đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ. Đối với hoạt động phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm khoảng 30%) và doanh nghiệp siêu nhỏ của Việt Nam (chiếm 67,6%), Nhật Bản đề xuất xây dựng “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” với các hoạt động hỗ trợ vốn mở rộng đầu tư, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân lực, kinh doanh, tăng cường hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp…

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành Việt Nam đánh giá cao những ý kiến góp ý của doanh nghiệp Nhật Bản trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách tiền lương. Đồng thời tiếp thu những chia sẻ, khuyến nghị từ phía Nhật Bản về những vấn đề nêu trên và đưa ra những ý kiến trao đổi, cập nhật phổ biến tình hình dự thảo, ban hành chính sách trong thời gian tới.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và Đoàn Nhật Bản. Ảnh: Thúy Quyên (MPI Portal)

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh có buổi tiếp ông Tabuchi Masao, Quyền Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và Liên đoàn kinh tế Nhật Bản. Ông Tabuchi Masao cho biết, mục đích chuyến thăm và làm việc lần này của Đoàn nhằm chuẩn bị các nội dung cho Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản khởi động giai đoạn VI, đồng thời thắt chặt hơn mối quan hệ hai nước cũng như tăng cường trao đổi, mở rộng và đa dạng hóa hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đánh giá cao sự phối hợp của Keidanren với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, thúc đẩy hơn nữa các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam và khẳng định mối quan hệ đặc biệt, toàn diện Việt Nam – Nhật Bản. Không chỉ thu hút FDI, ODA, Nhật Bản còn hỗ trợ xây dựng Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và thông qua Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản khởi xướng từ năm 2003 hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách và hoàn thiện luật pháp. Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới hai bên cần có những biện pháp cụ thể hơn nữa để đưa những kế hoạch, chiến lược trở thành hành động, đem lại hiệu quả thiết thực cho cả hai bên, đồng thời, dựa trên nền tảng quan hệ song phương tốt đẹp, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác đầu tư thương mại./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác