Thứ hai, 00/00/2023
°

Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2015

Ngày 05/12/2015 - 22:46:00 | 224 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI Portal) - Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam 2015 (VDPF 2015 ) đã diễn ra sáng ngày 05/12/ 2015 tại Hà Nội với chủ đề “Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa đồng chủ trì Diễn đàn. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh (trái) phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã thông báo tổng quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, những định hướng, giải pháp phát triển chủ yếu trong thời gian tới. Đồng thời nhấn mạnh, thông qua Diễn đàn lần này Chính phủ Việt Nam mong muốn nhận được ý kiến đóng góp, nhận xét từ các đối tác phát triển về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và những mục tiêu, định hướng cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, đặc biệt là những đột phá mang tính chiến lược trong thời gian tới. Những ý kiến góp ý sẽ được nghiên cứu, cập nhật, bổ sung vào các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và trình Quốc hội.

Trong giai đoạn 2016-2020, Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế thị trường, tạo môi trường và động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội; Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế dựa vào tăng trưởng năng suất lao động, đóng góp của khoa học công nghệ; Tập trung phát triển doanh nghiệp, trong đó đẩy mạnh, thực chất hơn cổ phần hóa mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, tạo môi trường thuận lợi và cơ chế ưu đãi cho phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam; Thực hiện ba khâu đột phá chiến lược về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực; Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập;...

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Victoria Kwakwa chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã hoàn thành 5 năm đầu tiên trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và đang chuẩn bị cho các quyết định mang tính chiến lược quan trọng, trong đó đề ra những định hướng ưu tiên cho nửa sau của Chiến lược. Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng hạ tầng, cải cách thể chế, tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn các nước trong khu vực, thu nhập bình quân đầu người tăng 4,8% hằng năm, tỷ lệ nghèo giảm mạnh.

Bà Victoria Kwakwa đưa ra một số nội dung tập trung thảo luận tại Diễn đàn gồm: giải quyết các vấn đề về năng suất lao động; Biến đổi khí hậu; Tình trạng nghèo và phúc lợi xã hội; Năng lực và trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Đồng thời khẳng định, cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển luôn sẵn sàng sát cánh cùng Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đề ra.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của cộng đồng các nhà tài trợ đối với Chính phủ Việt Nam. Trong 5 năm qua 2011-2015, với sự nỗ lực của Việt Nam cùng với sự ủng hộ, hỗ trợ hiểu quả của bạn bè và cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế, một mặt đem lại thời cơ cho Việt Nam phát triển, mặt khác Việt Nam phải đổi mặt với sự cạnh tranh quyết liệt, gay gắt. Trong khi đó kinh tế Việt Nam phát triển chưa bền vững, sức cạnh tranh và năng suất lao động còn thấp. Yêu cầu phát triển kinh tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống cho người dân, giáo dục, y tế ngày càng lớn trong khi nguồn lực Việt Nam còn hạn chế. Những hạn chế về quản trị của nhà nước đối với nền kinh tế, cơ cấu của nền kinh tế, cơ chế luật pháp, chính sách chưa đáp ứng kịp yêu cầu cho sự phát triển và hội nhập và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ.

Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)

Mục tiêu phát triển 5 năm tới 2016-2020 của Việt Nam là phát triển nhanh hơn bền vững hơn so với 5 năm trước với 4 trụ cột: tăng trưởng kinh tế cao hơn, bền vững hơn; Cùng với tăng trưởng kinh tế là phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao chất lượng và cải thiện đời sống, coi phát triển con người, lấy lợi ích của người dân vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là trung tâm của sự phát triển; Bảo vệ và cải thiện môi trường sống; Bảo đảm môi trường hòa bình ổn định. Để thực hiện các mục tiêu này, Việt Nam phải thực hiện ba đột phá chiến lược và các nhóm giải pháp: tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng bình quân 6,5-7% trong 5 năm tới trên nền tảng kinh tế vững chắc gắn với tái cơ cấu hiệu quả nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Nâng cao năng suất lao động; Đảm bảo nợ công ở mức an toàn; Bảo đảm an toàn quỹ bảo hiểm xã hội. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng đầy đủ, hiện đại và phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực hiện đầy đủ thể chế kinh tế thị trường nhằm huy động nguồn lực trong xã hội và cộng đồng quốc tế để phát triển. Việt Nam chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do song phương, đa phương, có quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia trên thế giới và đã có hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư vào Việt Nam... Điều này đòi hỏi Việt Nam phải hoàn thiện thể chế để phù hợp với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng. Tập trung phát triển tốt hơn văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện tốt hơn đời sống của người dân, nhất là đồng bào vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số. Chú trọng phát triển nhân lực theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế gắn với ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Tiếp tục nâng cao năng lực quản trị quốc gia, quản trị nền kinh tế, xây dựng nhà nước pháp quyền, hoàn thiện hệ thống luật pháp bảo đảm quyền dân chủ theo Hiến pháp 2013. Chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/03/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016.

Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: Mai Phương (MPI Portal)

VDPF 2015 gồm 2 phiên thảo luận chính: Phiên 1: Bối cảnh chiến lược với các nội dung: Cơ hội và thách thức khi Việt Nam hội nhập sâu rộng và thực chất vào nền kinh tế thế giới; Bối cảnh kinh tế toàn cầu và các ưu tiên cho quản lý kinh tế vĩ mô; Lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Phiên 2: Hướng tới thực hiện thành công các đột phá chiến lược của Việt Nam với các nội dung: Thể chế kinh tế thị trường hiện đại; Huy động nguồn tài chính cho phát triển kết cấu hạ tầng; Phát triển Nguồn nhân lực.

VDPF 2015 diễn ra trong bối cảnh quan trọng khi Việt Nam kết thúc Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015, chuẩn bị thông qua định hướng phát triển trong thời gian tới. Đây cũng là nơi trao đổi quan điểm giữa Chính phủ Việt Nam, các đối tác phát triển, khối tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự trong nước và quốc tế, các viện nghiên cứu trong nước và các tác nhân phát triển khác. Qua đó nhằm chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi ý kiến về những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải, giúp Chính phủ Việt Nam có định hướng phát triển, thực hiện thành công các mục tiêu đề ra./.


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác