Thứ hai, 00/00/2023
°

Quốc hội thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 30/05/2019 - 11:08:00 | 2201 lượt xem
Xem cỡ chữ
Tương phản chữ
Đọc bài viết
Từ viết tắt

(MPI) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội dành cả ngày 30/5/2019 để thảo luận tại Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Theo đánh giá của Chính phủ, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực, góp phần mang lại kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của năm 2018, năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Cơ cấu kinh tế năm 2018 chuyển dịch tích cực, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, kim ngạch xuất khẩu tăng, thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm... Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng được triển khai quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, dư luận xã hội quan tâm, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường, uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.

Việc triển khai kế hoạch năm 2019 và tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2019, mặc dù còn những hạn chế, yếu kém, nhưng nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội nước ta những tháng đầu năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực, nhất là trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu ngân sách nhà nước tăng khá, các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục phát triển ổn định. Đời sống Nhân dân được cải thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt nhiều kết quả, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế đánh giá cao nỗ lực cải cách chính sách và triển vọng tích cực trong trung và dài hạn của nền kinh tế Việt Nam. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín đã nâng hạng tín nhiệm của quốc gia, của nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng Việt Nam với triển vọng “ổn định”, “tích cực”.

Đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Ảnh: Chinhphu.vn

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế như kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc do giá dầu thô, xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi diễn biến bất ổn, khó lường. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm. Cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu. Xử lý dự án yếu kém, thua lỗ còn khó khăn. Sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, khả năng huy động các nguồn lực, nhất là vốn tín dụng, đất đai, nhân lực chất lượng cao và mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Đổi mới giáo dục đào tạo vẫn còn bất cập. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn nhiều bất cập. Đời sống của một bộ phận Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai còn khó khăn. Năng lực nghiên cứu, đề xuất chính sách chưa đáp ứng yêu cầu, còn một số quy định chồng chéo, thiếu khả thi, chậm được sửa đổi, chưa theo kịp thực tiễn cuộc sống để giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của xã hội. Kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa nghiêm…

Phát huy những kết quả đạt được, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành không chủ quan trong chỉ đạo điều hành; tập trung mọi nỗ lực để vượt qua khó khăn, thách thức; kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Theo dõi sát, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời; chú trọng khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và giải quyết các vấn đề mới phát sinh; chủ động nghiên cứu, có chính sách, giải pháp phù hợp để thúc đẩy các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế tạo động lực cho phát triển; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy hơn nữa tiềm năng, sức mạnh của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2019, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chủ động đẩy mạnh thông tin và truyền thông, tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể.

Tại phiên thảo luận, bên cạnh đánh giá về kế hoạch phát triển - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; quyết toán ngân sách nhà nước 2017, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những vấn đề liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư phát triển, vấn đề tăng giá điện, giá xăng và các vấn đề xã hội như tệ nạn ma túy, an toàn an ninh thông tin, an sinh xã hội,… Trong phiên thảo luận, các thành viên Chính phủ giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm./.

 


Đánh giá bài viết

lượt đánh giá: , trung bình:

Tin liên quan

Tin khác